Cần hành động hơn lời nói

Sau hơn 1 năm gián đoạn, mãi đến hôm 21/12, các đại diện cấp cao của các nước tham gia ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran mới nhóm họp lại với nhau. Do đại dịch Covid-19, cuộc họp đầu tiên sau chừng ấy thời gian được tổ chức bằng hình thức hội nghị trực tuyến, nhưng khoảng cách xa xôi cũng không giảm bớt sức nóng của chủ đề đưa ra bàn thảo.

Trao đổi với báo chí sau hội nghị trên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran hiện như đang đứng giữa giao lộ, và vài tuần hoặc vài tháng tới sẽ là lúc định đoạt số phận của văn bản này.

image_9366615_22122020.jpgNgoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu về Thỏa thuận hạt nhân Iran từ Thủ đô Berlin. Ảnh: AP

Nhìn lại chặng đường đã qua, dẫu trải qua vô vàn khó khăn thì bản thỏa thuận hạt nhân mới được các bên hữu quan đặt bút ký kết năm 2015, song chỉ bằng 1 câu nói của Tổng thống Mỹ Donald Trump, xứ cờ hoa đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận mà họ cho là “tệ nhất trong lịch sử” vào năm 2018. Kể từ đó, Mỹ thi hành “chiến dịch gây sức ép tối đa” đối với Iran. Và đáp lại, một Tehran không khoan nhượng cũng đã góp phần đẩy các cuộc đàm phán song phương và đa phương rơi vào “vòng xoáy trôn ốc theo chiều hướng đi xuống”, như mô tả của nhà ngoại giao số 1 nước Đức Maas.

Giờ đây, 2 năm đã trôi qua, Washington sắp sửa chứng kiến ban lãnh đạo mới do cựu Phó Tổng thống Joe Biden đứng đầu lên tiếp quản, điều hành đất nước. Trong bối cảnh ấy, Maas cùng các ngoại trưởng Iran, Trung Quốc, Nga và Anh đã ra tuyên bố chung, xác nhận nguyện vọng của họ là chứng kiến bản hiệp ước được giữ vững, đồng thời hoan nghênh triển vọng “tích cực là Mỹ trở lại với các nội dung trong thỏa thuận dưới thời “tân quan” là Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Còn với Iran, đại diện cho những tiếng nói trong cuộc, Ngoại trưởng Đức cảnh báo rằng: “Cơ hội hiện đang được đưa ra - cánh cửa cơ hội cuối cùng - không được hoang phí”. Nhà ngoại giao này gửi thông điệp rõ ràng: “Để các quan hệ có thể được hâm nóng dưới thời ông Biden, nhất thiết không được có thêm những động thái mang tính chiến thuật như kiểu chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều trong thời gian gần đây - chúng sẽ chẳng có ích gì ngoài việc phá hỏng thỏa thuận. Các nước châu Âu chúng tôi cũng nhấn mạnh thêm thực tế là sẽ cần nhiều thứ hơn là chỉ một sự công nhận đơn thuần đối với các điều khoản”.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015. Ảnh minh họa: Reuters

Như hưởng ứng quan điểm của người đồng cấp Đức, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng lên tiếng, tuyên bố: “Tôi đã nói rất rõ rằng Iran không được tiến hành những động thái mở rộng chương trình hạt nhân của họ như công bố gần đây. Nếu làm vậy sẽ phá hoại các cơ hội hướng đến tiến triển mà chúng tôi hy vọng được chứng kiến trong năm 2021”. Không chỉ có vậy, tiếng nói cộng hưởng của các bên trong bản tuyên bố chung tiếp tục khẳng định, “việc các bên thực thi đầy đủ và hiệu quả JCPOA vẫn là điều cốt yếu”.

Thỏa thuận mới, cũ hay không gì cả?

Sau khi bị đặt dưới vòng vây trừng phạt của Mỹ, Cộng hòa Hồi giáo Iran gần đây đã có những bước đi mà theo dư luận phương Tây là đi ngược lại với các điều khoản trong bản thỏa thuận ký kết 5 năm trước, vốn dùng để kiềm chế chương trìnhhạt nhân Iran và đổi lấy những sự xoa dịu về tài chính.

Dù Iran đã và đang cho phép các thanh sát viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát các cơ sở hạt nhân của mình, đồng thời hoàn tất một số nghĩa vụ khác đã được quy định, song thực tế là nước này đã vượt ngưỡng giới hạn làm giàu urani theo thỏa thuận.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã có nhiều động thái đơn phương, trong đó có việc rút khỏi JCPOA. Ảnh: Reuters

Sở dĩ JCPOA quy định giới hạn việc làm giàu urani, vì đây là nguyên liệu có thể được sử dụng vào việc sản xuất đầu đạn hạt nhân. Nhưng hồi tháng trước, các chính trị gia Iran có quan điểm cứng rắn đã thông qua quy định phân bổ thêm tài chính cho việc làm giàu urani, tức đi ngược lại với cam kết ban đầu. Không chỉ vậy, họ còn nhất trí hạn chế quyền tiếp cận của thanh sát viên IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của mình.

Mới đây hơn, đầu tháng 12, Đức, Pháp và Anh - hay còn gọi là nhóm E3, cũng phải lên tiếng tỏ rõ quan ngại trước kế hoạch lắp đặt các máy ly tâm hiện đại của Iran tại nhà máy chuyên làm giàu urani ở Natanz, tuyên bố những kế hoạch này đi ngược lại với JCPOA đã ký giữa Iran với các cường quốc thế giới.

Nhiều quan điểm cho rằng, bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran đã bị chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ Trump bẻ chệch hướng. Không chỉ quay lưng với nó, Nhà Trắng trong nhiệm kỳ vừa rồi còn nâng mức trừng phạt nặng nề đối với Iran, đồng thời ban hành các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai làm ăn với Iran sau khi Washington đã rút khỏi thỏa thuận.

Một nhà máy năng lượng hạt nhân của Iran. Ảnh: dpa

Giờ đây, khi nhiệm kỳ của Trump đã sắp kết thúc, đâu đó vẫn le lói những tia hy vọng rằng, bản thỏa thuận năm nào sẽ được thổi thêm luồng sinh khí mới khi nhà lãnh đạo mới Biden - người giữ chức Phó Tổng thống Mỹ khi thỏa thuận với Iran được ký - gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nhân vật được phương Tây đánh giá là người theo chủ nghĩa thực dụng.

Câu hỏi lớn hơn sẽ nằm ở chỗ, liệu ông Biden có chấp thuận trở lại với bản thỏa thuận cũ như mong muốn của Iran hay không, hay sẽ thúc đẩy đi đến một thỏa thuận mới, mở rộng hơn, đề cập cả những khía cạnh khác chẳng hạn như hồ sơ nhân quyền hay hoạt động của Iran tại Trung Đông. Lời đáp sẽ sớm được bày ra trong vài tháng, thậm chí chỉ vài tuần tới, bởi xét cho cùng, câu chuyện hạt nhân chưa bao giờ hết nóng trên bàn nghị sự quốc tế.