“Bàn tay sắt” của ông Macron

Dự luật an ninh mới được cho là một bước đi cứng rắn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm “chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”, nhất là sau khi Pháp liên tiếp chứng kiến các vụ tấn công làm rúng động dư luận do các nghi phạm có liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thực hiện. Nhưng theo quan điểm những người biểu tình, dự luật này được tạo ra để gia tăng quyền lực của cảnh sát, làm xói mòn các giá trị tự do. Vì thế, họ phải xuống đường để yêu cầu rút lại các điều khoản gây tranh cãi, trong đó có điều khoản cho phép hình sự hóa việc công bố hình ảnh của các sĩ quan cảnh sát đang thi hành công vụ.

gerald_1__afp9046365_24122020.jpgGérald Darmanin - một trong những Bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong Nội các của Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Người biểu tình phản đối quan điểm của chính phủ, quan điểm của Tổng thống Emmanuel Macron, nhưng các cuộc xuống đường của họ có một mục tiêu cụ thể hơn nhiều, đó là Tòa nhà Beauvau - tòa nhà trang nghiêm ngay gần dinh Tổng thống. Đây chính là nơi được dành riêng cho các Bộ trưởng Nội vụ Pháp và chủ nhân thời điểm hiện tại là Gérald Darmanin - một nhân vật trẻ tuổi và có quan điểm cực kỳ cứng rắn trong nội các của Tổng thống Macron, sẵn sàng đương đầu với các cuộc biểu tình để bảo vệ dự luật an ninh mới.

Với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, Gérald Darmanin quyết liệt bảo vệ cho lực lượng cảnh sát của đất nước, đặc biệt là trong những tranh cãi xoay quanh việc xử lý thô bạo của cảnh sát với người biểu tình hay việc lực lượng cảnh sát phân biệt chủng tộc.

Được xem như “bàn tay sắt” trong hệ thống an ninh của chính phủ, Gérald Darmanin có vai trò quan trọng trong cách thức xử lý các cuộc biểu tình gần đây, cứng rắn trấn áp khi các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo lực. Trong cuộc biểu tình hồi cuối tuần trước, khi cảnh sát bắt giữ 142 người biểu tình, Gérald Darmanin đã thẳng thừng gọi những người này là “những tên côn đồ đến để gây ra bạo lực”.

Cảnh sát Pháp dùng vòi rồng kiểm soát đám đông trong cuộc biểu tình ngày 12/12. Ảnh: Reuters

Sự lựa chọn bất ngờ

Những người quen biết với Gérald Darmanin nhận xét rằng, cứng rắn và quyết liệt là những tố chất mà ông đã thể hiện ngay từ khi mới bắt đầu con đường chính trị, và đó cũng là tố chất giúp ông thăng tiến nhanh chóng để hiện giờ thuộc nhóm những bộ trưởng trẻ tuổi nhất của Tổng thống Emmanuel Macron. Gérald Darmanin sinh năm 1982 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở thị trấn Valenciennes, miền Bắc nước Pháp. Từ khi 16 tuổi, ông đã gia nhập đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR) của cố Tổng thống Jacques Chirac.

Sau khi gia nhập đảng, Gérald Darmanin luôn ý thức rất rõ về việc xây dựng hình ảnh để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Hồ sơ của ông luôn luôn được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, trong đó, luôn nhấn mạnh vào xuất thân từ tầng lớp lao động - điều mà ông coi là một thế mạnh để minh chứng cho động lực và sức chiến đấu khi theo đuổi các mục tiêu của một chính trị gia. Chàng trai trẻ Gérald Darmanin khi ấy nhanh chóng được các đảng viên nặng ký chú ý - những người khuyên Darmanin rời Paris để xây dựng sự nghiệp chính trị của mình.

Chính ở khu vực phía Bắc, Gérald Darmanin đã giành được những thành công chính trị đầu tiên của mình, khi bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử Thị trưởng thị trấn Tourcoing. Năm 2012, sau một thời gian làm Chánh Văn phòng của Bộ Thể thao Pháp, ông được bầu vào Quốc hội Pháp và trở thành một trong nghị sĩ trẻ tuổi nhất của nước Pháp.

Gérald Darmanin từng điều hành chiến dịch tranh cử sơ bộ của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trước khi gia nhập nội các của Tổng thống Emmanuel Macron vào năm 2017 với vị trí Bộ trưởng Ngân sách. Bản thân Gérald Darmanin cũng vô cùng ngạc nhiên khi được ông Macron lựa chọn, bởi trong quá trình tranh cử trước đó, Gérald Darmanin từng chỉ trích gay gắt chủ nghĩa tự do của ông Macron.

Gérald Darmanin đang hứng chịu chỉ trích gay gắt về cách thức trấn áp người biểu tình. Ảnh: Euronews

Thậm chí trong một bài báo, Gérald Darmanin còn nói rằng “Chiến dịch tranh cử của ông Macron sẽ là liều thuốc độc cuối cùng đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn về thể chế, dẫn đến sự tan vỡ của đời sống chính trị nước Pháp”. Nhưng với những người am hiểu về chính trị, sự lựa chọn của Tổng thống Macron dù bất ngờ nhưng là có tính toán rõ ràng. Đó là biến Gérald Darmanin thành một vũ khí quan trọng để củng cố nhóm đối tượng cánh hữu trong cử tri Pháp, cân bằng với vị trí một Tổng thống theo đường lối cánh tả của ông.

Rủi ro chính trị

Vào thời điểm nước Pháp đang quay cuồng với các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và chống cách hành xử bạo lực của cảnh sát, Gérald Darmanin lại được Tổng thống Emmanuel bổ nhiệm vào một vị trí cực kỳ quan trọng, đó là Bộ trưởng Nội vụ thay thế cho người tiền nhiệm Christophe Castaner. Trong bối cảnh những tranh cãi xung quanh dự luật an ninh mới vẫn đang tiếp diễn, nhiều người cho rằng Tổng thống Emmanuel Macron đang tự đặt mình vào tình thế rủi ro khi trao cho Darmanin một công việc nhạy cảm như vậy.

Phong cách không biện hộ và đường lối cứng rắn của Gérald Darmanin đã khiến một số thành viên trong chính phủ bất bình. Theo họ, cách Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin xử lý làn sóng biểu tình hiện nay đang khiến Pháp trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế một cách không mong muốn, đồng thời làm tổn hại đến hình ảnh của Tổng thống Macron với tư cách một nhà đấu tranh cho tự do của châu Âu. Những người không ưa Gérald Darmanin đặt câu hỏi rằng, liệu ông Macron có sáng suốt hay không khi đặt cược tương lai chính trị của mình vào một người từng ủng hộ biện pháp cấm các cô gái trẻ mang mạng che mặt, chỉ trích việc các siêu thị dành dãy hàng riêng cho thực phẩm đặc trưng của người Hồi giáo, hay phản đối hôn nhân đồng tính…

Với rất nhiều quan điểm cứng rắn, Gérald Darmanin bị một số  người nhận xét là “võ sĩ chính trị”, với khả năng “ra đòn mạnh mẽ” nhưng cũng hoàn toàn có khả năng nhận “phản đòn” với mức độ không kém. Và tất nhiên, không chỉ riêng Gérald Darmanin nhận những “phản đòn” đó, mà cả Tổng thống Emmanuel Macron cũng có thể trở thành nạn nhân.

Gérald Darmanin được xem là “canh bạc rủi ro” của Tổng thống Macron. Ảnh: Daily Express

Bên cạnh quan điểm chính trị cứng rắn của Gérald Darmanin, nhiều người còn nhận định rủi ro chính trị với Tổng thống Macron còn xuất phát từ tham vọng quá lớn của vị Bộ trưởng Nội vụ trẻ tuổi này. Ngay từ khi còn trẻ, Gérald Darmanin đã thể hiện là một con người đầy tham vọng, và ông cũng chưa bao giờ che giấu mơ ước trở thành nhà lãnh đạo của nước Pháp trong vòng 1 thập kỷ tới.

Ở tuổi 38, sự thăng tiến nhanh chóng của Gérald Darmanin được cho là giống với cựu Tổng thống Nicola Sarkozy, và vị trí Bộ trưởng Nội vụ của Gérald Darmanin hiện nay cũng là vị trí mà ông Sarkozy từng nắm giữ trước khi trở thành Tổng thống Pháp. Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Macron hiện đang cố gắng “thuần hóa” Gérald Darmanin và sử dụng ông một cách đầy thực dụng. Tuy nhiên, đây là một canh bạc đầy rủi ro, không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh mà còn ảnh hưởng tới cả tương lai chính trị của ông Macron sau này.