PHẢN ỨNG TỰ NHIÊN

Vùng trời phía Tây Thái Bình Dương trở thành tâm điểm chú ý của giới quân sự khu vực khi các máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc vừa thực hiện sứ mệnh tuần tra chung hôm 22/12. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tuần tra nhằm làm “phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện Nga - Trung, tăng cường hơn nữa mức độ hợp tác giữa quân đội hai nước, mở rộng khả năng hành động chung và củng cố sự ổn định chiến lược” đồng thời “không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào”. Tuy vậy, diễn biến này khiến Nhật Bản và Hàn Quốc “không thể rời mắt”. Cả hai nước đều đã điều động máy bay xuất kích theo dõi hoạt động của máy bay Nga - Trung đồng thời chuẩn bị cho các tình huống “không được báo trước”.

anh_2_nga_trung2478870_23122020.jpgMột máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc tham gia trong sứ mệnh tuần tra chung trên Tây Thái Bình Dương với Nga ngày 22/12/2020. Ảnh: AP

Vùng biển Tây Thái Bình Dương không chỉ là khu vực chiến lược với Nga và Trung Quốc mà còn là vị trí có các khu vực tranh chấp biển giữa các quốc gia trong khu vực như Trung - Nhật trên biển Hoa Đông, Nhật - Hàn trên đảo Takeshima/Dokdo và một căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Vì vậy, sự xuất hiện của các máy bay ném bom Nga - Trung tại khu vực nhạy cảm này  lập tức nằm trong tầm ngắm của các quốc gia trong khu vực. Đây là lần thứ 2, Nga và Trung Quốc tổ chức cuộc tuần tra chung như vậy, thể hiện mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Bắc Kinh.

Kể từ khi Trung Quốc và Nga nâng cấp mối quan hệ của họ lên thành “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì một kỷ nguyên mới, có đặc trưng là sự hỗ trợ lẫn nhau lớn hơn” hồi tháng 6/2019, sự hợp tác giữa hai nước đã thực sự mở rộng và tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quân sự. Hai nước thường xuyên tham gia các cuộc tập trận trên bộ và trên biển. Trong năm 2019, Nga và Trung Quốc tổ chức 2 sự kiện đáng chú ý là các cuộc tuần tra không quân chung và hợp tác phòng thủ tên lửa. Hai máy bay ném bom tầm xa Tu-95 của Nga đi cùng máy bay ném bom Xian H6-K của Trung Quốc trong một cuộc tuần tra chung trên vùng biển quốc tế nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, khiến cả hai nước này phải tiến hành hoạt động đánh chặn. Tháng 10/2019, Tổng thống Nga Putin đã tiết lộ, Nga đang giúp Trung Quốc phát triển hệ thống phát hiện phóng tên lửa.

Có nhiều lý do cho sự “xích lại” giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng. Thứ nhất, đây là một khía cạnh quan trọng trong khuôn khổ hợp tác chung mà hai nước đang hướng đến. Thứ hai, môi trường an ninh, chính trị trong khu vực có nhiều biến động và thay đổi, cách tiếp cận của cả Bắc Kinh và Moscow đều là tìm kiếm những đối tác có chung cách nhìn nhận, chung quan điểm trong nhiều vấn đề chung quốc tế…Thứ ba, chính là nhân tố Mỹ. Từ những năm 1970, các nhà phân tích đã sử dụng tam giác chiến lược để minh họa các mô hình trong quan hệ giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Theo logic tam giác này, việc củng cố các mối quan hệ Trung-Nga sẽ là một “phản ứng tự nhiên” trước những căng thẳng hiện tại trong quan hệ Mỹ-Nga và Mỹ-Trung.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào hội trường trong cuộc gặp tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 5/6/2019. Ảnh: AFP

LIÊN MINH QUÂN SỰ NGA - TRUNG?

Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự đặt ra khả năng hai nước thành lập liên minh quân sự. Ý tưởng này không phải xa vời bởi có vẻ như giới lãnh đạo Trung Quốc và Nga đều đang điều chỉnh mối quan hệ song phương này sau những căng thẳng trong quan hệ với các nước phương Tây. Nếu lâu nay Moscow  thường coi Bắc Kinh là “đối tác” hay “bạn bè” - thì trong các phát biểu gần đây, các quan chức cấp cao của Điện Kremlin đã chọn một từ khá mạnh mẽ - “đồng minh”.

Đơn cử như người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 24/11 đã hoan nghênh việc Trung Quốc phóng thành công sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng mới “Chang'e-5” và gửi lời chúc mừng tới “đồng minh của chúng ta, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta”. Đặc biệt vào tháng 10 vừa qua, khi tham gia diễn đàn Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra khả năng thiết lập một liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng đó là một tư duy lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra nhưng hiện tại vẫn chưa phải cấp thiết. Ngay lập tức, bình luận này trở thành chủ đề hàng đầu trên các diễn đàn quân sự quốc tế.

Trong khi đó, Trung Quốc có phần thận trọng hơn nhưng cũng nhấn mạnh, “không có giới hạn nào đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Nga”. Trong cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng Moscow và Bắc Kinh đóng vai trò là “những người giữ ổn định toàn cầu” góp phần giảm thiểu các tranh chấp trong khu vực.

Các binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến về Quảng trường Đỏ trong cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng đánh dấu 75 năm đánh bại Đức Quốc xã tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga ngày 24/6/2020. Ảnh: AP

Thực tế, những tuyên bố này không có gì đáng ngạc nhiên. Nga và Trung Quốc đã nhận thấy mối quan hệ của họ với phương Tâyđang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Câu ngạn ngữ cũ “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn” hiện có thể được áp dụng khi nói đến mối quan hệ Trung-Nga-Mỹ thời điểm này.  Cả Nga và Trung Quốc đều nhìn thấy trước tương lai khó có sự cải thiện nào trong mối quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền mới của ông Joe Biden. Ngoài ra, trong các mối quan hệ với châu Âu, Moscow và Bắc Kinh cũng đều nhận được những cái nhìn hoài nghi. Trong một thời gian dài, EU tập trung vào Nga và bỏ qua Trung Quốc là một mối đe dọa. Nhưng theo báo cáo mới của NATO được công bố vào ngày 2/12, Trung Quốc bị cho là một mối de dọa  “phá hoại an ninh của các đồng minh”. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục nằm trong danh sách trừng phạt của Brussel.

Rõ ràng, bối cảnh chính trị thế giới “đẩy” Nga và Trung Quốc gần nhau hơn. Tuy nhiên, khả năng hình thành khối quân sự giữa Nga và Trung Quốc vẫn rất thấp. Hiện Trung Quốc vẫn là thành viên của Phong trào Không liên kết, nhóm gồm 120 quốc gia không liên minh với bất cứ khối cường quốc nào. Trung Quốc coi đây là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại độc lập của mình nhiều thập kỷ qua và có thể không muốn thay đổi mô hình hợp tác song phương cân bằng với Moscow. Về phần mình, Nga dù có thiện chí nhưng cũng nhận thức được rằng, hai nước đã hình thành trạng thái hợp tác sâu sắc về quan hệ an ninh do đó không cần thiết phải chính thức hóa mối quan hệ này hơn nữa. Ngoài ra, có lẽ cả Nga và Trung Quốc đều không muốn đẩy căng thẳng với các nước phương Tây trầm trọng thêm trong trường hợp họ lập nên liên minh quân sự.