(Baonghean) - Ngày 7/5/1954 trên vùng trời Tây Bắc vang dậy tiếng sấm Điện Biên Phủ làm chấn động địa cầu. Hôm nay đây, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, thế nhưng trong tâm trí họ, hình ảnh về những trận đánh tại Điện Biên vẫn còn hiện rõ…

 

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Chuân (nguyên là Trung đội phó Trung đội pháo phòng không 37 ly, thuộc tiểu đoàn 344, E367, F351) chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ngôi nhà nhỏ ở “xóm nhà binh” (xóm 18, xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An) những dãy huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen được treo nơi trang trọng nhất, là sự ghi nhận những cống hiến của ông đối với Đảng, với cách mạng. Có biết bao câu chuyện trong suốt “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm”, thế nhưng với ông, sâu sắc nhất vẫn là câu chuyện kéo pháo lên Điện Biên.

 

762698_small_48472.jpgĐại tá Nguyễn Đình Chuân

Ông Chuân cho biết, chuẩn bị vào chiến dịch Đông Xuân 53-54, Trung đoàn phòng không 367 được thành lập, sau một thời gian huấn luyện chuyển binh chủng, Trung đoàn tập kết ở Tuyên Quang. Ngày ra trận, tưởng sẽ qua Sông Lô, đến Đoan Hùng, rẽ xuôi về Phú Thọ, giải phóng đồng bằng. Nhưng sau đó, theo lệnh cấp trên, trung đoàn được lệnh rẽ phải, đi ngược về hướng Yên Bái để tham gia chiến dịch Trần Đình (bí danh chiến dịch ĐBP). Lên Lai Châu, đường vừa mở, đến đèo Pha Đin xe pháo phải mất một đêm mới vượt qua được. Con đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên được các đơn vị công binh đến trước cấp tốc mở, đến đây xe để kéo pháo quay trở ra còn pháo được bộ binh kéo bằng tay vào trận địa.

 

Pháo được buộc 2 dây thừng dài vào thân trước, đủ cho trên 100 người kéo. Dự kiến ban đầu, chỉ sau ít hôm là kéo được pháo vào đến trận địa, nhưng vì phải đi trên con đường mới mở, dốc cao, loại pháo cao xạ 4 bánh nặng tới 2,4 tấn, lại gặp mùa mưa, vì thế tốc độ kéo rất chậm, có đêm kéo không được một cây số. Gặp những dốc cao, phải dùng đến tời, kéo thả từng tý. Khi kéo lên đã khó, nhưng khi thả pháo xuống cũng không hề dễ, vừa kéo vừa ghìm, đề phòng đường trơn pháo lao nhanh xuống vực sẽ rất nguy hiểm cho người, lại có nguy cơ mất pháo.

 

Pháo chủ yếu được kéo vào ban đêm, trong khi máy bay, pháo sáng, thám báo địch hoạt động liên tục, lại thêm pháo của địch bắn lên từ các cứ điểm khiến cho hoạt động kéo pháo gặp rất nhiều khó khăn, thương vong ngày một nhiều. Ban ngày thì đơn vị bộ binh rút về nơi trú quân, chỉ còn khoảng8 pháo thủ ở lại ngụy trang, bảo vệ pháo, chờ bộ binh tối ra kéo tiếp.

 

Ông kể, một lần khi bộ binh kéo pháo về nghỉ qua đêm, trời sáng, thấy pháo đặt ở một nơi trống trơn dễ bị máy bay địch phát hiện. Ông chỉ đạo cho anh em pháo binh (chỉ có 8 người) nới dây, chuyển pháo vào nơi khuất hơn, không ngờ dây bị tuột, cả khẩu pháo nặng trịch trôi xuống dốc. Cả đội phải gồng mình kéo ghìm pháo trôi chậm lại, máu tay chảy đầm đìa, nghĩ rằng sẽ mất pháo, thế nhưng cũng may là khi trôi xuống đến khúc cua, nơi có đoạn gờ đất mới, thì pháo dừng lại. Sau đợt đó, đơn vị đã cẩn thận hơn trong việc bố trí cất giấu, tổ chức ngụy trang pháo.

 

Sau khi đã kéo pháo vào đến trận địa, bố trí pháo ở nơi thuận lợi, chờ khai hỏa. Thế nhưng ngày 25/1/1954 lệnh lui quân được đưa ra, từ phương án đánh nhanh thắng nhanh, chuyển sang đánh chắc tiến chắc. Lực lượng pháo binh đã bố trí xong xuôi liền được lệnh kéo trở ra, ban đầu anh em cũng có phần hoang mang, kém phấn khởi, nhưng đó là mệnh lệnh.

 

Kéo pháo vào đã khó, kéo ra càng khó hơn. Đại đoàn 308 (chủ lực kéo pháo) được lệnh hành quân sang Luôngphabăng (Lào) nên lực lượng kéo pháo trở nên mỏng hơn. Hơn nữa, đường kéo pháo đã bị lộ, địch tăng cường dội bom, bắn pháo, gây cho ta nhiều khó khăn hơn.


Sau này, khi ta đã giành được thế chủ động trên nhiều chiến trường, việc đưa pháo vào trận địa có phần thuận lợi hơn, pháo được xe kéo vào, bố trí bủa vây lấy địch. Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, 40 khẩu pháo được bố trí trên các cao điểm, đồng loạt nhả đạn, để rồi sau 56 ngày đêm liên tục tấn công, lá cờ “quyết chiến quyết thắng” đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, dẫn đến ký kết hiệp định Genever.
 


Bài, ảnh: Đặng Nguyễn