Ngày 13/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chính thức công bố danh sách ứng cử viên chức Tổng Giám đốc thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này.

Danh sách gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens.

766363_small_63845.jpg
 Hai ứng cử viên Lagard (trái) và Carstens. Nguồn: Reuters

Cả bà Lagarde và ông Carstens đều được đánh giá là những ứng cử viên tiềm năng. Thống đốc Carstens đã từng đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc điều hành thứ hai của IMF trong các năm từ 2003 - 2006. Hiện cả hai quan chức này đều đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các nền kinh tế chính có ảnh hưởng lớn tới quá trình lựa chọn người lãnh đạo của IMF.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Bộ trưởng Tài chính Pháp Lagarde có ưu thế hơn so với ông Carstens với sự ủng hộ từ các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, nơi bà đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong những ngày gần đây, bà Lagarde còn giành được sự ủng hộ từ Ai Cập, Indonesia và một số các quốc gia châu Phi. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Carstens mới chỉ nhận được sự ủng hộ khá dè dặt của một số nước khu vực Mỹ Latinh, trong đó không có hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Brazil và Argentina. Các cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản chưa bày tỏ quan điểm đối với các ứng cử viên IMF.

Quan chức ngân hàng Mexico hiện đang có mặt tại Washington nhằm tranh thủ sự ủng hộ của chính giới Mỹ đối với nỗ lực tranh cử vào IMF. Ông cũng thừa nhận những ưu thế của bà Lagarde, trong đó có vấn đề quốc tịch châu Âu, một trong những yếu tố cũng được cân nhắc tới khi lựa chọn Tổng Giám đốc IMF.

Theo "luật bất thành văn" kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chiếc ghế lãnh đạo định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này luôn thuộc về một người châu Âu.

Ngoài hai ứng cử viên trên, trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Stanley Fisher cũng đã tuyên bố ứng cử chức Tổng Giám đốc IMF, bị khuyết sau khi ông Dominique Strauss-Kahn xin từ chức do liên quan vụ bê bối tình dục.

Tuy nhiên, IMF đã loại chính khách này khỏi danh sách chính thức do vấn đề tuổi tác. Ông Fisher hiện đã 67 tuổi, quá hai tuổi so với tuổi quy định chính thức của thể chế này đối với người lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc.

Ban điều hành IMF gồm 24 thành viên dự kiến sẽ gặp hai ứng cử viên và đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 30/6 tới.


Theo TTXVN