Hãng thông tấn Beta của Cộng hòa Serbia ngày 16/6 dẫn lời ông Vincent Degert, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Serbia, cho biết EU thành lập một cơ quan chung chuyên giải quyết các vấn đề người tị nạn - hậu quả của các cuộc xung đột tại Nam Tư cũ.

Phát biểu từ thành phố Prokuplje, miền Nam Serbia, ông Degert cho biết EU đã mời Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Serbia và Croatia cùng phối hợp hành động nhằm giải quyết các vấn đề của những người tị nạn không muốn hồi hương.

766449_small_63938.jpg
 Người tị nạn trong cuộc xung đột tại Nam Tư cũ. Nguồn: Internet

Theo ông Degert, dự kiến một chương trình chung sẽ được thiết lập cho 4 nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ vào mùa Thu này với trọng tâm chính là quyền về bất động sản và vấn đề hưu trí. Ngoài ra, ông Degert còn cho rằng những vấn đề mà người tị nạn phải đối mặt vẫn hết sức phức tạp và EU sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để giải quyết các quyền của người tị nạn do hậu quả của các cuộc chiến ở Nam Tư trước đây.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hiện vẫn còn 450.000 người tị nạn hoặc phải rời bỏ nhà cửa tại các nước thuộc Nam Tư cũ. Riêng Serbia có xấp xỉ 210.000 người phải rời bỏ nhà cửa từ Kosovo và 65.000 người tị nạn, chủ yếu đến từ Croatia.

Trong khi đó, ước tính Bosnia-Herzegovina hiện có 100.000 người tị nạn, trong khi Montenegro vẫn chưa tìm được giải pháp cho khoảng 16.000 người tị nạn. Còn Croatia phải đối mặt với thách thức giải quyết vấn đề hồi hương cho khoảng 70.000 người, chủ yếu đến từ Serbia.


Theo TTXVN