Đại sứ Nga tại NATO hôm qua cảnh báo khối quân sự này đang có khả năng bị đẩy vào cuộc chiến trên bộ tại Libya sau những chiến dịch oanh kích suốt 3 tháng qua.
Theo nhận định của đại sứ Nga Dmitry Rogozin, cuộc chiến tại Libya có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho châu Âu, trong khi liên quân do NATO đứng đầu ngày càng bị cuốn vào khả năng phải thực hiện chiến dịch trên bộ tại quốc gia Bắc Phi này. Cũng theo lời đại diện của Matxcơva, liên quân có mục tiêu ám sát cá nhân đại tá Muammar Gadhafi.
Lực lượng NATO đã thiết lập vùng cấm bay tại Libya từ tháng 3 theo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, sau đó liên tục mở các chiến dịch không kích trong suốt gần 3 tháng với danh nghĩa bảo vệ thường dân Libya khỏi các vụ tấn công của lực lượng ủng hộ chế độ Gadhafi.
Cảnh đổ nát trên đường phố Libya do các cuộc không kích của NATO. Ảnh: AFP
Trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Nga bỏ phiếu trắng và nước này từng cáo buộc liên quân đã vượt quá những điều nghị quyết cho phép. Văn bản này cấm triển khai một lực lượng chiếm đóng tại Libya giống như những gì đã xảy ra tại Iraq và Afghanistan.
Những tuần gần đây, Nga đang nỗ lực đóng vai trò trung gian cho cuộc chiến Libya. Phái viên châu Phi của Matxcơva là Mikhail Margelov đã gặp các thủ lĩnh phe nổi dậy tại Benghazi cũng như một người cháu của đại tá Gadhafi tại Cairo hồi tuần trước. Ông cũng dự kiến sớm tới Tripoli để gặp các thành viên trong chính phủ Gadhafi.
Trong khi đó, Nhà Trắng hôm qua gửi quốc hội Mỹ một báo cáo dài 32 trang, trong đó khẳng định Tổng thống Barack Obama không cần sự phê chuẩn của quốc hội vẫn có thể cho quân đội tiếp tục tham gia sứ mệnh của liên quân do NATO đứng đầu tại Libya với vai trò hỗ trợ.
BBC dẫn văn bản này cho biết, Nhà Trắng lập luận rằng vì chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong chiến dịch nên đã không phạm vào điều luật ban hành thời Chiến tranh Việt Nam năm 1973, trong đó kiềm chế khả năng của các tổng thống Mỹ trong việc thực hiện các cuộc xung đột quân sự.
Chính quyền Obama cũng giải thích thêm rằng vai trò hỗ trợ của Mỹ trong chiến dịch Libya bao gồm các phần việc như tiếp dầu cho các máy bay chiến đấu của NATO, hỗ trợ thu thập thông tin tình báo và không trực tiếp tham chiến để tránh những rủi ro nhân mạng cho binh sĩ Mỹ.
Theo luật năm 1973, nếu tổng thống ra lệnh cho quân đội Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột mà chưa được sự phê chuẩn của quốc hội thì sẽ phải tìm cách đạt được sự hậu thuẫn của các nghị sĩ trong vòng 60 ngày sau đó, nếu không sẽ phải chấm dứt sự tham gia của quân đội vào cuộc xung đột.
Nhưng luật trên cũng cho phép tổng thống Mỹ có thêm 30 ngày sau thời hạn 60 ngày nói trên trước khi đệ trình lên quốc hội. Hôm chủ nhật vừa qua đánh dấu tròn 90 ngày kể từ khi Mỹ cùng NATO lập vùng cấm bay tại Libya. Do đó Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Barack Obama hoàn toàn hợp pháp khi ra lệnh cho quân đội tham chiến tại Libya cùng với NATO hồi tháng 3 vừa qua.