(Baonghean) - Ngọn núi Phá Xăng nằm giữa bản Xăng (Châu Bính - Quỳ Châu) có một hệ thống hang động đẹp. Giữa lưng chừng núi là tượng đá Náng Đỏn. Vào những năm chẵn, sau Lễ hội Hang Bua ở xã Châu Tiến bên cạnh, người dân Châu Bính mở hội Thẳm Co Ngụn - leo núi Phá Xăng.

Bà Sầm Thị Khiêm năm nay 66 tuổi, không chỉ đơn giản là người già sống lâu ở bản Xăng. Bàn chân bà từng lội khắp các ngõ ngách trên núi Phá Xăng. Có một nơi bà thường dừng chân mỗi khi lên rừng hái thuốc là tượng Náng Đỏn. Chẳng ai biết bức tượng đá thiên tạo hay là người con gái đẹp nhất mường Chiêng Ngam ngày ấy hóa thành? Bà Khiêm kể: Ngày ấy vùng núi này chưa có mường người ở đâu. Bỗng một ngày có hai anh em họ Lang là Lang Hưn và Lang Mửn tìm đến lập bản. Bản cũ ngày ấy cũng không phải nằm ngay dưới chân núi Phá Xăng. Ngọn núi thiêng này chỉ có những người đi săn, lên rừng hái thuốc đặt chân đến. Sau này người ta mới đến ở và thành bản Xăng như ngày nay.
images999761_nh_ng_nh_____b_n_trong_th_m_co_ng_n___1.jpgNhững nhũ đá bên trong Thẳm Co Ngụn.
 
Khi bản đã thành hình thì nhà nọ cũng thuộc dòng họ Lang sinh được Náng Đỏn, môt người con gái có nước da trắng ngần, tiếng hát cao vút, bay xa đến thủy cung nơi thuồng luồng ở. Nàng đến tuổi biết yêu, trai bản thường đến cạnh nhà Náng Đỏn hát lên những điệu hay nhất mà các chàng có thể. Trong đám trai mường gần, bản xa ấy có hai người nặng lòng với người con gái đẹp nhất. Có một người thường thoắt ẩn, thoắt hiện nên ai cũng nghĩ là thuồng luồng hóa thành người lên tìm gái bản. 
 
Để làm rõ thực - hư, người nhà bèn mời chàng ăn một bữa cơm và cố tình bỏ thật nhiều ớt. Chàng trai ăn phải ớt liền “hít hà” để lộ hàm răng mềm nhũn, dài ngoằng có thể lắc qua lắc lại như cây xương rồng người bản vẫn trồng làm hàng rào. Cả nhà ai cũng thất kinh tìm cách đối phó. Để tránh cho tai họa không xảy đến, người ta đem Náng Đỏn lên núi giấu đi. Con đường đi phải vượt qua những ghềnh đá cheo leo, có quãng phải bắc thang mới qua được. Náng Đỏn ở đó rồi hóa đá để lại nỗi tiếc nhớ khuôn nguôi trong lòng người bản. Mỗi khi nhớ về nàng, trai gái bản lại leo lên ngọn núi Phá Xăng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người con gái từ bấy đến nay không còn biết già đi nữa.
 
Về lai lịch của chàng trai thuồng luồng lại có một câu chuyện khác. Thuở ấy, người mới đến lập bản cuộc sống ai nấy đều yên vui. Người ta làm thật nhiều rượu cần rồi đem từng vò ra ngâm dưới dòng suối Nặm Hạt. Một hôm ông lão nọ ra xem hũ rượu thấy cái trứng lớn mới đem về cho gà ấp. Nửa tháng sau thấy gà mẹ cục tác, ông lão chạy ra xem thì trứng đã nở thành một chú rắn con. Chú rắn lớn nhanh như thổi. Sáng sớm còn nhỏ như ngón tay út chiều đã lớn bằng bắp tay. Người đi đâu rắn theo đó. Ông lão cảm thấy con vật cứ quấn chân mãi sinh bực mình. Nhân một lần đi đào giun cho vịt, ông vung thuổng đâm một nhát khiến rắn con đứt đuôi. Bỗng dưng trời đất tối sầm, mưa giông kéo đến, ông lão biết mình đã động đến con trai thủy thần liền bảo: “Ôi ta lỡ tay rồi. Xin lỗi con trai nhé” rồi đem lá thuốc đắp vết thương cho rắn con. Vết thương chóng lành, nhưng phần đuôi đã đứt thì không thể mọc lại được nữa. Người bản gọi rắn con là Tạo Đuồn (chàng cụt). 
 
Rắn con đã lớn thành chú thuồng luồng. Một ngày nó dẫn ông lão ra bờ sông rồi nói tiếng người: “Bây giờ con đã lớn rồi. Con không thuộc về mường người đâu. Con về sông mà sống thôi. Sau này có việc gì hãy ra bến nước này gọi con về”. Người ta kể rằng vào ngày ông lão mất, người nhà ra gọi thuồng luồng về chịu tang. Lúc đó có một đôi thuồng luồng cùng bò dưới sông về bản. Rồi leo lên xà nhà đầu chúc xuống chỗ quan tài cụ ông. Cả hai con thuồng luồng đều rơi nước mắt. Người ta bảo đó là thuồng luồng đem vợ về chịu tang cha mẹ nuôi. Cũng có người cho rằng con thuồng luồng kia là hồn vía của Náng Đỏn sau khi chết đi mà thành. Sau khi chết, Náng Đỏn đi làm vợ thuồng luồng.
 
Hai năm một lần, người bản lại mở hội Thẳm Co Ngụn và leo núi Phá Xăng để ngắm Náng Đỏn để nguôi nỗi nhớ người con gái đẹp nhất bản. Trong đó hang Co Ngụn dưới chân núi Phá Xăng là một điểm đến hấp dẫn với những nhũ đá đẹp tạo thành một không gian kỳ ảo. Cảnh vật trong hang khiến người ta hình dung về một thủy cung, nơi cư trú của chàng trai thuồng luồng. Cách Thẳm Co Ngụn một quãng là hang Hánh Tạch nơi có những nhũ đá giống hệt chiếc giường ngủ. Người ta tin rằng đó là nơi cô gái đẹp Náng Đỏn nằm ngủ. Anh Lang Thắng, hậu duệ của dòng họ Lang bản Xăng dẫn chúng tôi đi thăm hang Co Ngụn và Hánh Tạch cho biết: “Từ nhỏ tôi đã thích leo núi Phá Xăng, vào hang Co Ngụn. Trai gái bản ở đây có thể nói đều đã lớn lên dưới vòm hang này”.
 
Hệ thống hang núi này cùng với hang Bua (xã Châu Tiến) là một trong những điểm đến thú vị dành cho những người ưa khám phá. Xã Châu Bính cùng với Châu Tiến thuộc mường cổ Chiêng Ngam ngày nào. Nơi đây từ già trẻ lớn bé đều là những kho cổ tích. Ai cũng tự hào về vẻ đẹp Thẳm Co Ngụn, núi Phá Xăng.
 
Bài, ảnh: HỮU VI