(Baonghean) - Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, nhân dân xã Nghi Đức đang nỗ lực vận dụng những điều kiện lợi thế ven đô, người dân cần cù, sáng tạo, huy động các nguồn lực để có bước phát triển nhanh và toàn diện. 
 
 
Cách đây 60 năm, ngày 16/6/1954, xã Nghi Đức được tách ra từ xã Xuân Lộc, huyện Nghi Lộc. Đây là dấu mốc quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương, khai sinh tên gọi xã Nghi Đức, kể từ đây tên gọi xã Nghi Đức được ra đời và là một địa danh mới trong bản đồ hành chính của tỉnh Nghệ An. Trải qua chừng ấy thời gian kể từ sau khi thành lập cũng như trước đó thuộc xã Xuân Lộc, thì nhân dân xã Nghi Đức vẫn nồng nàn một truyền thống yêu nước, yêu quê hương: anh hùng bất khuất, dũng cảm kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như tinh thần xây dựng quê hương giàu mạnh trong thời kỳ đổi mới. 
 
Truyền thống quý báu đó đã được chứng minh bằng bề dày lịch sử kể từ ngày 7/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Nghi Lộc, Chi bộ Đảng Ân Hậu được thành lập ban đầu với 9 đảng viên, do đồng chí Phạm Duy Thanh làm bí thư chi bộ. Mới thành lập nhưng chi bộ đã lãnh đạo nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng, góp sức cùng với quân dân cả nước dành độc lập tự do cho dân tộc. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đóng góp sức người, sức của, Nghi Đức đã có hàng trăm người con ưu tú tình nguyện tham gia vào các chiến trường chống giặc ngoại xâm, và rất nhiều người đã không trở về. Nhiều người khi trở về thân thể không còn nguyên vẹn, nhiều người đang mang trên mình những căn bệnh nan y do chất độc da cam để lại di chứng cho đến mãi sau này. Đảng và Nhà nước đã ghi công, xã Nghi Đức có 77 liệt sỹ, gần 200 thương, bệnh binh, 1 Bà mẹ VNAH và đang làm hồ sơ đề nghị truy tặng 6, Bà mẹ VNAH... và được tặng thưởng hơn một nghìn huân, huy chương các loại, gần 500 giấy khen dành cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc.
 
Phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết trong chiến đấu, suốt hơn một nửa thế kỷ, từ khi có tên gọi xã Nghi Đức đến nay, cán bộ và nhân dân lương - giáo trong xã luôn gìn giữ, xây dựng được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thi đua lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ, về với Nghi Đức hôm nay, mọi người đều cảm nhận được sự đổi mới nhanh chóng và khá toàn diện. Từ một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu trước đây, bây giờ đường nhựa, đường bê tông trải dài đến từng ngõ, xóm dân cư, hệ thống điện chiếu sáng công cộng cũng đã được đầu tư xây dựng làm sáng lên, đô thị hóa nhanh trên những tuyến đường chính; các công trình hạ tầng thiết yếu như trường học, tram y tế, nhà văn hóa được ưu tiên đầu tư theo hướng đạt chuẩn; nhà cửa của nhân dân xây dựng khang trang với các tiện nghi sinh hoạt văn minh, hiện đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của UBND xã, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 3 năm trở lại đây luôn đạt mức cao, bình quân 14%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng TTCN-DV, đưa nhiều mô hình kinh tế vào sản xuất có hiệu quả cao, đã chứng minh cho sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng và có hiệu quả.
 
image_934274.jpgMô hình nuôi gà công nghiệp của CCB Phạm Đình Thảo, xóm Xuân Trung. Ảnh: Hữu Nghĩa
 
Đó là, phát huy tiềm năng, lợi thế của xã vùng ngoại ô, Nghi Đức đã chuyển đổi trên 80% diện tích sản xuất lúa mùa sang gieo trồng lúa hè thu bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Phát triển các gia trại chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản theo hướng tập trung, với tổng đàn gia súc 1.800 con, gia cầm trên 64 ngàn con, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi trên 13 tỷ đồng. Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mấy năm gần đây, Nghi Đức đã có bước đột phá trong phát triển các ngành nghề, dịch vụ và buôn bán nhỏ, nhất là đưa các sản phẩm của địa phương ra thị trường thành phố và các vùng lân cận. Nhờ đó, hàng năm, xã đã giải quyết việc làm mới cho 300 đến 350 lao động trên địa bàn, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2013 đạt hơn 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu của xã chiếm hơn 45%, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,2%.
 
Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường ở Nghi Đức ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính 3 năm qua, xã đã huy động các nguồn lực trên 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm triển khai thực hiện, từ chỗ chỉ đạt 3 tiêu chí đến nay đã đạt 11/19 tiêu chí. Có 5/12 xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, trong đó có 1 làng văn hoá cấp tỉnh, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90%, các cơ quan trường học đều đạt danh hiệu Đơn vị văn hoá. 
 
Trường Mầm non Nghi Đức đầu tư gần 9 tỷ đồng, mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: Sỹ Minh
 
Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế. Nhờ sự quan tâm đầu tư hệ thống trường, lớp, nâng cao chất lượng dạy và học nên kết quả trên lĩnh vực này đã thu được kết quả khá: Từ năm 2010 đến 2013 có 3 em học sinh giỏi quốc gia, 12 em HS giỏi tỉnh, 59 em HS giỏi TP; 247 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Với đặc thù địa bàn có cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo, nhưng phật tử và bà con giáo dân luôn đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sống “Tốt đời - Đẹp đạo”, thực hiện “Đạo pháp dân tộc - XHCN ” và đã có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào của địa phương trong suốt chặng đường 60 năm qua. Đầu năm 2014, Chùa Ân Hậu được UBND tỉnh ra quyết định công nhận Di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh.
 
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, trong đó, Đảng ủy, chính quyền xã Nghi Đức luôn chăm lo công tác cán bộ, trẻ hóa đội ngũ và tạo điều kiện cho cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đặc biệt, Đảng bộ đã gắn thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với thực hiện NQ T.Ư4 và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ đó, mỗi phong trào, mỗi phần việc được phân công đến tận cấp ủy, BCH và cán bộ, đảng viên mang lại hiệu quả cao. Góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội vững mạnh. 
 
Nhìn lại 60 năm một chặng đường xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghi Đức có thể tự hào bởi những kết quả đã đạt được, nhưng chúng ta cũng thực sự trăn trở bởi những tồn tại hạn chế cần phải có giải pháp khắc phục, đó là: kinh tế phát triển chưa bền vững; việc phát huy các tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực đầu tư phát triển chưa hiệu quả; một số chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị chưa đạt; công tác quản lý đô thị còn có mặt hạn chế; tư tưởng trông chờ ỉ lại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chậm được khắc phục... Từ truyền thống vẻ vang, tự hào đó phải trở thành động lực mới để khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém, phấn đấu sớm đưa xã nhà trở thành đơn vị khá của thành phố. Muốn vậy, cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng DVTM, CN-XD, giảm tỷ trọng NN; tạo điều kiện tốt nhất để các chương trình, dự án trên địa bàn được triển khai thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, góp phần tích cực đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, thực hiện nếp sống “văn minh đô thị”; tiếp tục tập trung công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới... 
 
Có thể nói, từ truyền thống 60 năm một chặng đường phát triển sẽ là nguồn lực, tạo động lực, niềm tin mới để cấp ủy đảng, chính quyền xã Nghi Đức tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện mục tiêu sớm đưa xã nhà trở thành một đơn vị khá, phát triển toàn diện, hội nhập nhanh với phong trào chung của Thành phố Vinh.
 
Nguyễn Hồng Vy (PBT Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Nghi Đức)