Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi
Những ngày này, bà con nông dân bản Na Tổng, xã Tam Thái (Tương Dương) đang vào vụ thu hoạch ớt. Mấy năm nay, cây ớt đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ớt ở đây sai quả, chịu hạn cao, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương nên nhiều hộ ở bản Na Tổng chuyển đổi sang trồng ớt trên đất màu.
Với mức giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, có chừng nào tiêu thụ hết chừng đó nên bà con nông dân ở bản Na Tổng hết sức phấn khởi. Bà Vi Thị Thắng cho hay: “Chúng tôi đã trồng ớt được mấy năm, giống ớt chỉ thiên rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu nên sai quả, được người dân địa phương và các huyện lân cận như Kỳ Sơn, Con Cuông ưa chuộng, giúp cho gia đình có nguồn thu nhập”.
Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, có nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường trong thời điểm dịch bệnh cũng như khi dịch được khống chế, huyện Tương Dương chỉ đạo các xã tập trung sản xuất, chăn nuôi. Tập trung trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm, nhất là lợn, gà. Tận dụng điều kiện thuận lợi, hiện nay nhiều hộ tập trung phát triển chăn nuôi, hướng tới mục tiêu đạt năng suất và sản lượng thịt cao.
Ông Vang Văn Muôn ở bản Can, xã Tam Thái cho biết: “Tận dụng diện đất bằng của gia đình, chúng tôi đã đầu tư trồng cỏ chăn nuôi bò, nuôi lợn sinh sản và các loại gia cầm. Nhờ đó, gia đình vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa đảm bảo nhu cầu thực phẩm hàng ngày, mức sống ngày càng được nâng cao”.
Cùng với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện Tương Dương cũng đang tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên diên tích mặt nước các lòng hồ thủy điện. Năm nay, bà con đã đăng ký thêm 81 lồng đầu tư nuôi trồng thủy sản. Với ưu thế có diện tích mặt nước lớn, diện tích rồng cỏ, chuối làm thức ăn cho cá thuận lợi, nhiều năm qua nuôi cá lồng trở thành nghề có thu nhập ổn định và bền vững.
Bà Vi Thị Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: “Những năm gần đây, người dân các bản vùng lòng hồ Thủy điện Khe Bố đã tích cực đầu tư nuôi cá lồng. Được hỗ trợ mua sắm lồng, kỹ thuật nuôi nên bà con rất phấn khởi. Hiện chúng tôi đang mở rộng quy hoạch và vận động người dân tăng cường nuôi trồng thủy sản, ổn định đời sống và từng bước phát triển kinh tế”.
Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách đạt hơn 357,5 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng diện tích gieo trồng đạt gần 4,1 nghìn ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực đạt gần 7,1 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò.
Đồng thời, xây dựng Đề án Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã xây dựng được 5 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, huy động được hơn 10.000 ngày công và hơn 2.700 m3 cát, sỏi làm đường bê tông nội bản, mở trên 10 km đường vào các khu sản xuất. Triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở nhiều lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động trên địa bàn…
Không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch
Trong bối cảnh dịch Covid-19đang diễn biến phức tạp, huyện Tương Dương thực hiện chủ trương vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, huyện vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, duy trì kinh doanh dịch vụ, thương mại, bán lẻ, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch thường xuyên được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Khi dịch bắt đầu diễn biến phức tạp, huyện Tương Dương đã lập chốt kiểm dịch tại các vùng cửa ngõ để kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện ra, vào địa bàn. Đồng thời, quản lý và theo dõi sức khỏe các công dân được đón từ các khu cách ly ở tỉnh Bắc Giang, gần đây là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn.
Đặc biệt, thời gian gần đây các địa phương đã thực hiện rà soát những người trở về từ vùng dịch và vùng có dịch, vận động khai báo y tế, tổ chức cách ly theo quy định. Các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng của các bản, làng thường xuyên hoạt động, theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp để kịp thời đưa ra giải pháp thích hợp. Nhờ đó, đến thời điểm hiện nay, tình hình trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn cơ bản ổn định.
“Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn, không hoang mang, lo lắng và lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ban, ngành và địa phương đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo đời sống và đạt được kế hoạch đề ra”.