Nhận thấy những tiềm năng về vùng cảng biển Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An), độ sâu âm (-) từ 9 -13,5m, bên cạnh đang khai thác cảng chuyên dụng phục vụ cỡ tàu 70.000 DWT - 100.000 DWT (khai thác theo Quyết định công bố cảng số 1625/QĐ- CHHVN ngày 17/10/2017 của Cục Hàng hải Việt Nam), Tập đoàn The Vissai và Công ty CP Xi măng Sông Lam đầu tư các bến cảng theo hướng khai thác cảng tổng hợp.
image_613309_26122017.jpgCảng quốc tế chuyên dụng Vissai Nghi Thiết (Nghi Lộc) đưa vào khai thác từ tháng 10/2017 cho tàu trên 7 vạn tấn vào nhận hàng. Ảnh tư liệu
Trên cơ sở đó, có thể khai thác hợp lý các bến cảng thuộc Khu bến chuyên dụng số 1. Hướng phát triển này phù hợp với chiến lược quy hoạch, khai thác cảng biển của tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông Vận tải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An hiện nay và trong giai đoạn tới.

Theo quy hoạch, Nghệ An có các cảng biển: Khu bến cảng Cửa Lò (hiện có 5 bến, có 3 kho hàng và bãi chứa hàng diện tích 39 ha, tổng công suất 5 bến khoảng  6 - 8 triệu tấn hàng hóa/năm); Cảng chuyên dùng xi măng The Vissai ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có diện tích sử dụng khoảng 407,15 ha, phục vụ tàu từ 70.000 DWT (tấn) đến 100.000 DWT; Cảng xăng dầu DKC (cảng chuyên dùng phục vụ xuất, nhập khẩu xăng dầu cho tàu lớn đến 49.000 DWT); Cảng nước sâu phía Bắc Cảng Cửa Lò (quy mô xây dựng 1 bến cho tàu 30.000 DWT và 1 bến cho tàu 50.000 DWT, diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha. Dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý) và Cảng Đông Hồi có diện tích 1.096,7 ha (bao gồm cả khu đất và khu nước).

 

 
Chủ đầu tư vừa khởi công xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Khắc sáng.

Nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam, dự án Cảng biển quốc tế Vissai có tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Trong đó, cảng chuyên dụng được đưa vào hoạt động từ năm 2017 phục vụ xuất khẩu, vận chuyển xi măng, clinker cho Nhà máy Xi măng Sông Lam cũng như Tập đoàn The Vissai.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Xi măng Sông Lam, việc đầu tư các bến cảng theo hướng tổng hợp sẽ khai thác hết công năng của vùng biển nước sâu cũng như phát huy hiệu quả đầu tư của đơn vị. Đến nay, công ty đã hoàn thành đầu tư xây dựng các bến số 1, 2, 3 và hạng mục đê chắn sóng, hệ thống tuyến luồng, khu nước, vùng đón trả hoa tiêu đáp ứng cho cỡ tàu đến 30.000 DWT - 50.000 DWT. Cùng đó, công ty đang đẩy mạnh thi công xây dựng các bến số 4, 5, 6, 7 và hệ thống các dịch vụ logictics về lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa theo quy hoạch được duyệt.

Ông Hoàng Minh Tuấn cho biết thêm, UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Xi măng Sông Lam cũng đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung công năng bến tổng hợp, container điều chỉnh cỡ tàu cho vùng Cảng biển Vissai Nghi Thiết. Khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, chắc chắn vùng Cảng biển Vissai Nghi Thiết Nghệ An sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Bởi lâu nay, Khu bến cảng số 2 đã góp phần quan trọng để Công ty CP Xi măng Sông Lam xuất clinker, xi măng nội địa và xuất khẩu đến hàng chục nước.

Tàu trọng tải lớn nhận hàng tại Cảng quốc tế chuyên dụng Nghi Thiết. Ảnh: Nguyên Nguyên.

Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam Nghệ An được chủ đầu tư Công ty CP Xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai) phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ thu hút nhu cầu lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa qua cảng biển. Theo dự tính, vùng cảng biển nước sâu này sẽ tạo động lực phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ và liên kết thúc đẩy giao lưu kinh tế với các vùng Đông Bắc Thái Lan và khu vực Trung Lào./.