Phát huy thư viện pháp luật, ứng dụng mạng xã hội
Là Phó Chủ tịch UBND xã Châu Cường, lại là tuyên truyền viên pháp luật của xã, anh Lô Văn Cả thường vào Thư viện pháp luật điện tử tra cứu thông tin để phục vụ cho công tác. Anh Cả cho hay: “Tôi thấy việc cấp tài khoản để sử dụng thư viện pháp luật điện tử không chỉ tiếp cận, tra cứu thông tin nhanh mà còn giúp mình nắm rõ nội dung nào trong văn bản đã được chỉnh sửa bổ sung, văn bản nào còn hiệu lực, văn bản nào đã hết hiệu lực, văn bản nào đã thay thế… Từ đó, phục vụ cho công việc tốt hơn, chuẩn xác hơn”.
Việc sử dụng Thư viện pháp luật đã được Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện Quỳ Hợp tham mưu UBND huyện triển khai từ năm 2008 và duy trì hiệu quả cho đến nay. Theo ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp: Hiện nay, hợp đồng khai thác Thư viện pháp luật điện tử với 30 tài khoản online được chuyển giao cho toàn bộ công chức các cơ quan Huyện ủy, khối dân, chính quyền huyện và 21 xã, thị trấn sử dụng, khai thác. Điều này giúp cán bộ, công chức tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật thuận tiện, dễ dàng hơn, chỉ cần đánh vào mỗi từ khóa liên quan đến nội dung tra cứu sẽ hiện lên đường link dẫn chiếu nhiều văn bản liên quan, có cũ, có mới. Vì thế, thời gian dành để tra cứu không mất nhiều mà hiệu quả tối đa.
Việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp được huyện Quỳ Hợp sử dụng triệt để. Nổi bật là việc duy trì Chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật (xây dựng từ năm 2018) trên trang Thông tin điện tử huyện và trang fanpage với hơn 3.600 người theo dõi. Trong năm 2021 đã đăng hơn 700 chuyên đề với 10.000.000 lượt người tiếp cận. Nội dung chủ yếu là các quy định pháp luật mới ban hành, các quy định về bầu cử, đất đai, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống ma túy, phòng chống dịch Covid-19 và các nội dung pháp luật được dư luận quan tâm. Đôi khi còn có các tình huống từ các câu hỏi xin tư vấn hàng ngày của người dân gửi đến được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu và chia sẻ lại lên các nhóm có đông người tiếp cận như Người Quỳ Hợp, Dân Quỳ Hợp…
Quỳ Hợp cũng là huyện duy nhất của tỉnh tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” (song song với cuộc thi của Trung ương) trên trang Thông tin điện tử huyện Quỳ Hợp. Trong năm 2020-2021, Ủy ban nhân dân huyện đã giao Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện phối hợp với Huyện đoàn, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Công an huyện tổ chức Phiên tòa giả định với chủ đề phòng, chống ma túy học đường tại các trường THPT trên địa bàn, đồng thời Livestream trực tiếp lên các trang Fanpage của trường mình, thu hút được đông đảo học sinh, giáo viên theo dõi.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành Nghị quyết 01 và được UBND huyện cụ thể hóa bằng đề án “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân gắn với việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giai đoạn 2021-2025”. Từng ban, ngành chủ động xây dựng các kế hoạch tuyên truyền pháp luật cụ thể cho từng loại đối tượng như nông dân, công nhân, viên chức và người lao động, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người lao động; kế hoạch tuyên truyền pháp luật trong nhà trường, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho các xã trọng điểm… và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên đề. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện cũng đã đề xuất với BTV Huyện ủy tại Hội nghị Báo cáo viên của cấp ủy hàng tháng do Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì tổ chức, nếu cần thiết sẽ bố trí 1 chuyên đề về pháp luật do các báo cáo viên pháp luật của huyện chủ trì soạn bài và lên lớp. Đây là một trong những cách làm thiết thực và hiệu quả cao trong thực hiện Ngày pháp luật hàng tháng.
Một điểm nhấn khác trong năm qua, theo lãnh đạo huyện Quỳ Hợp là xuất phát từ thực tiễn về sự phức tạp của các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện về đất đai và xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án với Chính quyền cấp xã, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với TAND huyện và các ngành trong khối nội chính dự thảo Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đất đai giữa TAND huyện với Chủ tịch UBND cấp xã và tổ chức Hội nghị ký kết. Trong đó, nêu rõ các đầu việc thuộc các bên chủ trì và đầu việc các bên phải phối hợp, tạo sự chủ động trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã. Trong quá trình thực hiện Quy chế, đã lồng ghép rất hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đến cán bộ và nhân dân, được TAND tỉnh và các ban, ngành cấp tỉnh đánh giá cao.
Quỳ Hợp cũng là huyện đầu tiên soạn thảo mẫu Hồ sơ cai nghiện bắt buộc để các xã dễ áp dụng. Do phải căn cứ một lúc hơn 10 loại văn bản khác nhau, nên công tác lập hồ sơ cai nghiện ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, từ năm 2008, Phòng Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với TAND, VKSND, Công an huyện, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện xây dựng Bộ Hồ sơ mẫu về: Cai nghiện bắt buộc, giáo dục tại cấp xã, cai nghiện tại cộng đồng. Sau đó, tập huấn cụ thể cho Công an và công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã. Sau khi có hồ sơ mẫu, đã tháo gỡ được khó khăn cho chính quyền cấp xã trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, đồng thời, quá trình thẩm định ở Phòng Tư pháp và họp xét ở Tòa án cũng thuận lợi hơn, giảm được thời gian trong việc xét duyệt các hồ sơ này.
Theo ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp: Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật, huyện đặc biệt quan tâm, kiện toàn Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện với 32 thành viên, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật với 59 cán bộ có năng lực và chuyên môn, có kỹ năng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ và kịp thời cập nhật những kiến thức pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Nhờ vậy, công tác xây dựng và công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến (năm 2021, Quỳ Hợp có 12 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật)
“Năm 2022, với phương châm hướng về cơ sở, BTV Huyện ủy đã nhất trí chủ trương giao UBND huyện, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, Phòng Tư pháp huyện mở các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 214 Tổ hòa giảit ở cơ sở thuộc các xã, thị trấn của huyện Quỳ Hợp, trong đó sẽ in ấn và cung cấp đầy đủ “Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho đội ngũ hòa giải viên” - ông Vy Hoàng Hà cho hay.