(Baonghean) - Xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi, phát triển KT-XH của Việt Nam. Trong đó, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều này đã được thể hiện rõ trong các văn kiện đại hội Đảng, các Nghị quyết của Trung ương. 

Trong các văn kiện đó, có 11 nội dung của Chương trình xây dựng NTM đã được đưa ra thực hiện với mục tiêu kết quả được xác định thông qua bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Điều này cho thấy đây là một chương trình khung toàn diện nhất để cộng đồng chung sức xây dựng một NTM hiện đại. Theo đó, nguồn vốn NSNN đầu tư xây dựng chương trình chiếm tỷ trọng cao nhất (40%), thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông thôn. Nguồn vốn NSNN được huy động cho xây dựng NTM được thực hiện thông qua hệ thống các chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
 
Một chương trình khung toàn diện hàng đầu
 
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng được xác định với tỷ lệ 30% tổng vốn huy động cho chương trình thông qua kênh tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và tín dụng thương mại. Vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước được thực hiện thông qua chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn. Ngoài ra, các DN đầu tư ở khu vực nông thôn có dự án thuộc danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư hoặc có hợp đồng xuất, nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu sẽ được hỗ trợ lãi suất. Nguồn vốn thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước khá đa dạng, bao gồm nguồn vốn từ NSNN, nguồn ODA và vốn vay ưu đãi, nguồn vốn huy động và vốn nhận ủy thác. Chưa kể một số đối tượng cho vay của một số chương trình cho vay theo chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội như cho vay hộ nghèo, cho vay vốn đi xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm,... 
 
Ngoài ra, NSNN hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…Theo đó nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn bao gồm nguồn vốn tự có và huy động của các TCTD; vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn ủy thác của Chính phủ; vốn vay NHNN và nhiều nguồn khác. Đặc biệt, phạm vi và đối tượng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được mở rộng, mức cho vay tối đa không phải đảm bảo bằng tài sản được nâng lên tối đa đến 3 tỷ đồng. Việc huy động nguồn lực từ DN được thực hiện thông qua chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo đó, DN được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước thông qua chính sách về đất đai như miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; được hỗ trợ thuê đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 
 
Không chỉ có vậy, DN còn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường mà trong đó hỗ trợ chi phí quảng cáo đến 70%, được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, hỗ trợ áp dụng khoa học và công nghệ, hỗ trợ cước phí vận tải,... Những ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước là cơ sở để kỳ vọng thu hút các DN sẽ đạt kết quả khả quan, góp phần tăng nguồn lực tài chính. Nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi cũng được ưu tiên và chú trọng đầu tư trong lĩnh vực này. Vụ trưởng Vũ Nhữ Thăng cho biết, cơ chế huy động nguồn lực xây dựng NTM được thực hiện theo hướng đa dạng hóa các nguồn vốn. Trong nguồn vốn huy động từ NSNN, vốn trực tiếp cho chương trình khoảng 17%, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo trên địa bàn khoảng 23%. Điều này có nghĩa là nguồn NSNN cũng có sự lồng ghép và cơ chế huy động nguồn lực cho chương trình được thực hiện theo hướng đa dạng hoá các nguồn vốn, không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn NSNN - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng phân tích.
 
images1384201_6a.jpgThi công Trạm Y tế xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thu Huyền
Tạo sự chủ động cho các địa phương
 
Rõ ràng, cơ chế huy động linh hoạt đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong huy động nguồn lực cho xây dựng NTM. Mặc dù Trung ương chưa có hướng dẫn về lồng ghép các nguồn lực nhưng nhiều địa phương đã ban hành cơ chế lồng ghép, quản lý các nguồn vốn, như Sơn La, Hà Tĩnh, Ninh Thuận,... Nhiều địa phương đã vận dụng chính sách của Trung ương để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với từng địa phương như chính sách cấp xi măng để dân tự làm đường (Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình), chính sách hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay chuyển đổi cơ cấu sản xuất (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng) hoặc mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (An Giang, Đồng Tháp, Thái Bình). Giai đoạn 2011 - 2014, chương trình đã huy động được gần 600 nghìn tỷ đồng, trong đó: NSNN (bao gồm các chương trình, dự án khác) chiếm 32,5%; vốn huy động từ DN chiếm 5,4%; vốn huy động từ dân cư chiếm 11,6%. Ngoài ra, trong giai đoạn 2014 - 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ thêm 15 nghìn tỷ đồng từ nguồn TPCP. 
 
Với những điểm tích cực của chính sách huy động nguồn lực xây dựng NTM, có thể thấy rõ việc xác định nguồn lực và cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng NTM đã bao quát tương đối đầy đủ các nguồn lực trong xã hội. Các hình thức và chính sách huy động đa dạng, linh hoạt góp phần nâng cao hiệu quả huy động. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhu cầu vốn để thực hiện rất lớn, do vậy, nâng cao hiệu quả huy động vốn đầu tư thông qua các chính sách huy động nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn về cơ bản là phù hợp.  
 
Tháo gỡ khó khăn về tiếp cận tín dụng
 
Trong các khuyến nghị chính sách được đại diện Bộ Tài chính đưa ra để tiếp tục huy động nguồn lực, đáng chú ý là Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện quản lý ngân sách theo trung hạn. Theo đó thực hiện xây dựng kế hoạch ngân sách từ 3 - 5 năm trên cơ sở dự báo các yếu tố vĩ mô, các chính sách thu, chi NSNN để dự báo thu, chi NSNN trung hạn 3 - 5 năm và hàng năm làm cơ sở cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH nói chung và Chương trình NTM nói riêng. Điều quan trọng là phải rà soát và cơ cấu lại các nhiệm vụ chi, nhằm tạo nguồn lực cho chương trình. Ví dụ hiện có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu có nội dung, hoạt động trùng lắp với xây dựng NTM, do đó cần rà soát để tránh sự trùng lặp trong đầu tư, đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình. Không những thế, phải tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua việc xác định lại nguồn thu phân cấp cho các địa phương trên cơ sở Luật NSNN sửa đổi... là ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nguồn thu cho ngân sách địa phương từ đất là một nguồn vốn rất tốt, và có được thông qua rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá; tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất và thu hẹp đối tượng giao đất; đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Từ đó, có nguồn tài chính quay trở lại phục vụ cho chương trình - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 
Đầu tư cơ giới hóa vào thu hoạch ở Nam Đàn. (ảnh minh họa)
 
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, bên cạnh việc rà soát lại các quỹ đầu tư phát triển ở địa phương và nghiên cứu xây dựng quỹ xây dựng NTM nhằm tập trung các nguồn lực huy động từ các chủ thể trong xã hội thì cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và phát triển bảo hiểm nông nghiệp; mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng KT-XH. Thêm vào đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng NTM nhằm vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ về vốn, cho vay ưu đãi, hỗ trợ tư vấn và kỹ thuật cho chương trình. Việc cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn nhằm khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư vào khu vực nông thôn cũng rất quan trọng, bên cạnh các giải pháp về quản lý và sử dụng nguồn lực...
 
Sông Hồng