(Baonghean) - Mưa lớn liên tục mấy ngày nay đã làm một số diện tích sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng; các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại cho cây trồng cũng như chuẩn bị phương án ứng phó với diễn biến thời tiết trong những ngày tới.

Bắt đầu gieo trỉa từ ngày 2/9, đến nay 3 sào ngô của gia đình ông Nguyễn Văn Huê ở xóm 4, xã Nam Tân (Nam Đàn) đã có 3 - 5 lá đang phát triển khá tốt thì gặp mưa lớn liên tục nên đã bị ngập nước. “Năm nay mưa sớm hơn mọi năm cả nửa tháng nên ngô dễ mất hơn vì cây còn nhỏ. Nước ở đây thoát cũng khá nhanh nhưng nếu cứ mưa lớn thế này thêm vài ngày nữa thì khả năng ngô bị ngập úng chết. Vì thế nên tôi phải túc trực khơi thông để nước thoát nhanh hơn”- ông Huê lo lắng.
 
Trên cánh đồng màu của xã Nam Lộc (Nam Đàn), mưa lớn đã làm nhiều diện tích cây trồng vụ đông bị ngập, những đám ruộng ngô nhỏ ngập gần lút ngọn. Dưới cơn mưa tầm tã, ông Nguyễn Văn Lộc, Xóm trưởng xóm 1 liên tục dùng cuốc khơi thông dòng chảy trên những ruộng ngô bị ngập. Ông cho biết: “Xóm 1 có 7 ha ngô trên đất 2 lúa và 4 ha ngô đất màu được trồng từ 2/9, đến nay đã có 3 - 4 lá; đã bị ngập úng từ 2 ngày nay. Hiện tại, bà con vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp tiêu úng nhưng nếu cứ mưa liên tục thế này, ngô bị ngâm thêm vài ngày nữa là coi như mất trắng”. Xã Nam Lộc đã trồng được 40 ha ngô, trong đó 20 ha ngô trên đất 2 lúa và 20 ha ngô trên đất màu, đến nay đã có 10 ha ngô ở các xóm 1, 2 và một phần xóm 3 bị ngập nặng, những diện tích còn lại cao hơn nên tiêu thoát nhanh nhưng cũng ngập úng cục bộ. Theo ông Nguyễn Văn Giáp, Trưởng ban Nông nghiệp xã, thì xã đã giao cán bộ bám đồng, đôn đốc bà con  liên tục khơi thông dòng chảy để cứu ngô, đặc biệt diện tích ngô trên đất hai lúa, đồng thời theo dõi sát diễn biến thời tiết để có các biện pháp khắc phục kịp thời. 
 
images1384187_6b.jpgNgười dân Nam Lộc (Nam Đàn) khơi thông dòng chảy “cứu” cây trồng vụ đông.
Đến nay, huyện Nam Đàn đã gieo trồng được khoảng 450 ha ngô, trong đó ngô trên đất hai lúa 100 ha. Bắt đầu trồng trà đầu tiên từ đầu tháng 9, đến nay đã phát triển khá tốt, tuy nhiên mấy ngày nay mưa lớn đã làm một số diện tích bị ngập, nhất là ngô trên đất hai lúa, tập trung ở các xã Nam Hưng, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Lộc...  Ông Hồ Đình Thắng, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo các xã đôn đốc bà con tập trung khơi thông cống rãnh tiêu thoát nước để chống úng ngập ở những diện tích ngô mới gieo trồng, đặc biệt là ngô trên đất hai lúa, ở những vùng chịu ảnh hưởng của mực nước sông Lam và vùng sâu có khả năng ngập úng nội đồng (vùng bàu, vùng thoát nước kém), toàn bộ cây màu vùng bãi thấp dọc sông Lam. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, nhất là mưa lũ vùng thượng nguồn sông Lam để biết được khả năng nước lên phía hạ lưu để có kế hoạch phòng tránh kịp thời. Tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh để tiêu thoát lũ, tránh ngập úng cục bộ gây thiệt hại cho cây trồng.
 
Tại huyện Hưng Nguyên, ngay từ trước khi có mưa, căn cứ vào dự báo thời tiết, huyện đã chỉ đạo tháo nước ở các cống ba-ra và xả hết nước trên đồng ở những xã đang còn diện tích lúa mùa và lúa hè thu muộn như Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam... để giảm áp lực khi có mưa lớn; đồng thời chỉ đạo các xã nuôi cá vụ 3 đắp bờ giữ nước để chuẩn bị thả cá. Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Mưa lớn hầu như chưa gây thiệt hại gì cho sản xuất, vì hầu hết các xã đều đang tập trung làm bầu ngô, bầu bí để khoảng 7- 10 ngày nữa mới đưa ra đồng. Hiện tại, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình thời tiết, nếu nước ngoài sông Lam lớn quá sẽ tiến hành đắp chặn các cống lại để ngăn nước vào đồng. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi còn bất cập, bờ đê chắn lũ chưa đảm bảo, nên nếu lượng mưa trên 200mm trở lên thì một số xã vùng ngoài và vùng dưới như Hưng Nhân, Hưng Lợi, Hưng Trung... sẽ có khả năng mất cá vụ 3 và chậm tiến độ sản xuất vụ đông... 
 
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng trên 5.300 ha ngô đông, 725 ha lạc và trên 1.000 ha rau màu các loại. Trước đợt mưa, các địa phương đã tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị mọi phương tiện như máy bơm điện, máy bơm dầu cứu lúa, rau màu, cây vụ đông khi có mưa lớn xảy ra. Trước tình hình mưa lớn mấy ngày nay, theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngành đã chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án phòng, chống mưa lũ để giảm thiểu tối đa rủi ro khi thời tiết diễn biến xấu. Các công ty, xí nghiệp thủy nông phải huy động lực lượng, phối hợp với các địa phương để tiêu thoát nước, cố gắng đảm bảo an toàn cho cây trồng. Hiện vẫn đang tiếp tục có mưa, nhưng theo dự báo, trong vài, ba ngày tới mưa sẽ dừng. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước nhanh tránh úng ngập. Với những diện tích ngô bị ngập, xói gốc, không xới xáo ngay trong mưa lụt sẽ làm ngô bị chết, mà phải chờ trời tạnh ráo mới đắp gốc, bón thêm phân đạm để cây ngô phát triển lại. Những diện tích ngô chết rải rác, sau mưa phải khẩn trương tỉa dặm bằng cách đặt ngô bầu hoặc ngâm ủ nứt nanh để ngô nhanh lên, nhằm đảm bảo mật độ. Những diện tích ngô bị chết,  kịp thời có chính sách hỗ trợ nông dân gieo trồng lại khẩn trương. Theo lịch thời vụ, ngô trên đất màu có thể kéo dài thời gian gieo trồng đến tháng 10, nhưng ngô trên đất hai lúa thì chỉ khoảng 20/9 là kết thúc thời vụ gieo trỉa.
 
Phú Hương