(Baonghean) - Khu vực miền núi vùng dân tộc thiểu số của Nghệ An đời sống kinh tế - xã hội của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Nhờ sự chung tay, góp sức của các thế hệ thầy trò, sự vào cuộc của cộng đồng xã hội mà các địa phương miền núi đã từng bước cải thiện cơ sở vật chất trường lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đó là minh chứng cho những ý nghĩa cao đẹp của chủ trương xã hội hóa giáo dục.
 
 
image_5989032.jpgHọc sinh Trường Tiểu học Hạ Sơn (Quỳ Hợp) vui mừng khi có bàn ghế mới.

 
Góp nứa, làm giường cho con em đến lớp
 
Bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn nằm sát biên giới, biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi những dãy núi dựng đứng mà người dân vẫn gọi là cổng trời Khe Linh. Ở đây có 57 hộ dân người Khơ Mú và 100% đều là hộ nghèo. Điểm Trường Tiểu học bản Khe Linh hiện có 5 lớp, 56 học sinh. Hầu như năm nào cũng vậy, sắp đến năm học mới, các hộ dân trong bản đều nghỉ làm rẫy, lên rừng chặt nứa, mét để cùng với các thầy giáo cắm bản tu sửa lại trường học, vá những đoạn phên bị rách và lợp lại những chỗ bị mưa dột. Đặc biệt, năm học 2013 - 2014 vừa qua, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, điểm Trường Tiểu học Khe Linh đã được hỗ trợ để lợp một nửa mái tôn phía trước. Dân bản đã rất hào hứng đóng góp ngày công, vượt cổng trời ra tận UBND xã cõng tôn về lợp trường.
 
Thầy giáo Đàm Huy Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Keng Đu 1 cho biết, dự kiến năm nay, trường sẽ tiếp tục kêu gọi các nguồn xã hội hóa, kêu gọi người dân góp công để lợp nốt phần mái tôn phía sau của điểm trường Khe Linh. “Cụm từ “xã hội hóa” đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú ở xã Keng Đu chỉ đơn giản là việc người dân nghỉ một vài buổi đi rẫy, ở nhà mang cuốc, cào, dao, rạ đến dọn trường, đắp thêm nền đất, sửa lại đoạn bờ rào tre... Các phụ huynh đều rất hào hứng đóng góp công sức khi có lời kêu gọi của nhà trường” - thầy giáo Đàm Huy Quang tâm sự. Huyện Kỳ Sơn có 164 điểm trường tiểu học, 171 điểm trường mầm non và 18 trường THCS, 1 trường THPT dân tộc nội trú. Với đặc thù huyện biên giới, học sinh hầu hết là người dân tộc thiểu số đời sống còn nghèo, nên việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong phụ huynh ở huyện Kỳ Sơn chủ yếu là ngày công lao động cùng một số vật liệu như tranh, tre, nứa, mét. Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn cho hay, sự đóng góp của các phụ huynh học sinh không thể đo đếm được bằng tiền, bởi trước và trong năm học, hầu như tất cả các phụ huynh đều dành thời gian mang tranh, tre nứa đến tu sửa lại trường, lớp. Với các giáo viên cắm bản ở khu vực biên giới, nếu không có sự giúp đỡ của người dân ở các bản làng thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ…
 
Năm học này toàn huyện Quế Phong có 16.000 học sinh các cấp. Ông Sầm Hồng Lệ - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong khẳng định rằng đối với địa bàn miền núi nếu không có sự chung tay của cộng đồng thì sẽ rất khó đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh. Huyện Quế Phong hiện vẫn đang còn 100 trường lẻ, điểm lẻ nằm ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất, trường lớp hầu như chưa có gì. Đặc biệt, đối với xã Tri Lễ nơi có 8 bản thuộc đồng bào dân tộc Mông thì điều kiện học tập của thầy và trò càng khó khăn hơn. Hằng năm các bậc phụ huynh người góp tre, nứa, người góp giường chiếu phục vụ việc sinh hoạt, học tập cho các em. Thực tế cho thấy, đối với học sinh vùng núi khó khăn, cái chữ lắm khi không quan trọng bằng cái ăn, cáimặc, chỗ ngủ, sinh hoạt. Vì thế, năm học này tại các trường ở huyện Quế Phong như THCS bán trú Thông Thụ, THCS bán trú Tri Lễ phụ huynh chung tay đóng giường cho con em, góp tre nứa cải tạo nhà ăn tập thể. 
 
Trường THPT Tương Dương 2 đóng chân ở Khe Bố, là nơi học tập của hơn 400 học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số của các xã phụ cận và một số xã của huyện Con Cuông. Dự kiến, năm học 2014 - 2015, trường huy động khoảng 80 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để phục vụ việc tu sửa một số hạng mục như bờ rào, hệ thống điện, nước. Nói là xã hội hóa, nhưng nguồn tiền dự kiến ở đây lại không phải do phụ huynh học sinh đóng góp mà từ nguồn kêu gọi của huyện, thậm chí là từ nguồn đóng góp của giáo viên. “Đối với các trường ở miền núi, việc phụ huynh tham gia đóng góp nguồn xã hội hóa giáo dục chính là những việc làm cụ thể như góp ngày công, ủng hộ một số nguyên, vật liệu sẵn có trong vườn để giúp nhà trường cải tạo, sửa chữa trường lớp. Việc phụ huynh ủng hộ bằng tiền là rất hiếm” - Thầy giáo Nguyễn Văn Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
Phụ huynh bản Đình Tài, xã Xiêng My (Tương Dương) cùng các thầy, cô giáo sửa nhà công vụ đầu năm học mới.
Sự chung tay của trách nhiệm, tình thương
 
Hầu hết các em học sinh ở các địa phương miền núi vùng dân tộc thiểu số đều đang phải học tập trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp, dụng cụ học tập. Trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện đã có những chương trình hướng về các em học sinh miền núi với những việc làm thiết thực và cụ thể. Thầy giáo Vương Hoàng Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp cho biết, năm học này, trường tiếp nhận 100 bộ bàn ghế, 1 phòng máy tính nối mạng Lan do Kho bạc Nhà nước tỉnh hỗ trợ. Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời đối với ngôi trường có gần 100% học sinh là đồng bào dân tộc Thổ. Thầy Dũng cũng cho rằng, trước đây, cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp, bàn ghế không đủ cho học sinh. Nhờ sự quan tâm này, trường đã giải quyết được những khó khăn kéo dài trong thời gian qua.
 
Tương tự, ở huyện Quế Phong, năm nay, UBND tỉnh và các doanh nghiệp, đơn vị đã hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng Nhà bán trú cho học sinh Trường THCS Nậm Giải. Các nhà hảo tâm và Mặt trận Tổ quốc huyện đã trao tặng 25 chiếc xe đạp, 40 bộ chăn màn cùng nhiều quần áo cho học sinh trên địa bàn. Bước vào năm học mới này, tại huyện Kỳ Sơn, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cũng hỗ trợ Trường THCS bán trú Nậm Típ hơn 5 tỷ đồng để xây dựng nhà bán trú, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng cho Trường THCS Na Ngoi xây dựng cơ sở vật chất phục vụ học sinh bán trú.
Một trong những chương trình lớn của tỉnh Nghệ An trong những năm qua là cuộc vận động ủng hộ xã nghèo miền Tây theo Quyết định số 1310 ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh và nay là Quyết định 2012/QĐ.UB về việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã nghèo miền Tây. Bên cạnh các mô hình kinh tế, các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, các chương trình tặng quà mà 110 đơn vị trong tỉnh đã nhận giúp đỡ xã nghèo thì một trong những nội dung quan trọng là hỗ trợ cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học cho học sinh nghèo. Sau 2 năm thực hiện cuộc vận động, đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ các xã nghèo miền Tây nâng cao chất lượng dạy và học. Có thể kể đến những đơn vị như Ngân hàng Công thương (xây dựng Trường Mầm non xã Châu Kim, Quế Phong); Văn phòng Tỉnh ủy (tặng  máy vi tính và tặng học bổng cho các em học sinh nghèo xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ); Công an tỉnh (hỗ trợ hàng chục chiếc xe đạp cho học sinh nghèo xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu),... Đối với cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Nghệ An, thời gian qua đã có các chương trình thiết thực như “Nâng bước tới trường”, hỗ trợ học sinh xã Xiêng My (huyện Tương Dương). Mới đây, Báo Nghệ An đã tặng gần 20 bộ bàn ghế và các thiết bị dạy học cùng hơn 60 bộ quần áo cho các em học sinh của điểm trường bản Đình Tài, xã Xiêng My. Toàn bộ số quà trên có giá trị hơn 60 triệu đồng, đều do cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Nghệ An đóng góp. 
 
Có thể khẳng định rằng, đối với các huyện miền núi, cụm từ “xã hội hóa giáo dục” không đơn thuần là sự chung tay, góp sức của cộng đồng, xã hội cũng như các bậc phụ huynh, mà đó còn là tình thương, trách nhiệm đối với sự nghiệp trồng người ở những vùng đất khó. Đây cũng chính là nguồn động viên, khích lệ các thầy, cô giáo đang ngày đêm bám trường, bám lớp để gieo chữ ở miền Tây, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, từng bước làm đổi thay diện mạo những vùng đất nghèo khó. Đặc biệt, trong những năm qua, các cuộc vận động xã hội hóa giáo dục cho học sinh nghèo miền Tây xứ Nghệ đã tạo nên sức lan tỏa lớn. Không chỉ riêng trong địa bàn tỉnh mà đã có nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân ngoại tỉnh cũng hướng về các em học sinh nghèo miền Tây. Những tấm lòng đang đến với các điểm trường, các em học sinh một cách trực tiếp và thường xuyên hơn, không chỉ thực hiện theo đợt thi đua hay theo từng đợt vận động như trước đây. 
 
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà rất cảm kích và biết ơn sự chung tay, vào cuộc của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp “trồng người”. Mong rằng trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm. Ý nghĩa là vậy, nhưng hiện nay, ở vùng đồng bằng, đô thị, cụm từ “xã hội hóa giáo dục” đang bị lợi dụng, biến tướng và trở thành gánh nặng của các bậc phụ huynh, học sinh.
 
 
Bài, ảnh:Khoa - Tuấn