Tính vị tha hay ích kỷ ở người có thể bắt nguồn từ sự khác biệt trong cấu trúc bộ não của chúng ta, theo một nghiên cứu mới của Mỹ.
images1054048_4.jpgKhu vực hạch hạnh nhân, vùng não có liên quan đến các cảm xúc, ở người vị tha có thể tích lớn hơn và mức độ hoạt động tích cực hơn so với những người khác khi quan sát biểu lộ đau khổ. Ảnh minh họa: Alamy
 
Các nhà khoa học Mỹ tiết lộ, họ xúc tiến công trình nghiên cứu của mình nhờ cảm hứng từ câu chuyện về một người đàn ông có tên gọi Harold Mintz đã hiến tặng thận ẩn danh, miễn phí cho một người lạ cách đây 10 năm. Theo người đứng đầu nghiên cứu, giáo sự Abigail Marsh đến từ Đại học Georgetown (Mỹ), hành động này là biểu hiện của lòng tốt và sự nhân ái "khác thường".
 
Giáo sư Marsh và các cộng sự hiện khám phá ra rằng, cấu trúc não của ông Mintz, hơn là kinh nghiệm, đã vai trò then chốt trong quyết định trên.
 
Để kiểm tra giả thuyết của mình, giáo sư Marsh và các cộng sự đã tiến hành quét hình ảnh não của 19 người hiến thận có lòng vị tha, gọi chung là nhóm vị tha. Nhóm nghiên cứu đã dùng các máy chụp cộng hưởng từ (MRI) để ghi lại hoạt động thần kinh của những người hiến thận cũng như của 20 người khác chưa bao giờ hiến tặng bất kỳ bộ phận cơ thể nào, gọi chung là nhóm đối chiếu, khi quan sát các khuôn mặt biểu lộ sự đau khổ, tức giận hoặc bình thường.
 
"Kết quả quét hình ảnh não và kiểm tra hành vi hé lộ, những người hiến tặng có một số khác biệt về cấu trúc và chức năng não, có thể khiến họ nhạy cảm hơn, xét về trung bình, với nỗi thống khổ của người khác", giáo sư Marsh cho biết.
 
Cụ thể là, ở khu vực hạch hạnh nhân phải - vùng não có liên quan đến các cảm xúc, những người vị tha cho thấy hoạt động não tích cực hơn so với nhóm đối chiếu khi chứng kiến những biểu lộ đau khổ. Khi được yêu cầu nhận diện biểu cảm trên mỗi bức ảnh chụp mặt, họ cũng nhận diện cảm xúc đau khổ tương đối chính xác hơn những người tình nguyện thuộc nhóm đối chiếu.
 
Ngoài ra, theo kết quả chụp não, vùng hạch hạnh nhân phải ở những người vị tha cũng có thể tích lớn hơn ở nhóm người còn lại.
 
Khám phá mới của giáo sư Marsh phù hợp với nghiên cứu trước đây của bà, vốn cũng phát hiện, các khác biệt về cấu trúc và chức năng não dường như khiến những người thần kinh không ổn định ít nhạy cảm hơn trước sự lo sợ và đau khổ của người khác. Các khác biệt này bao gồm cả vùng hạch hạnh nhân nhỏ hơn và ít hồi đáp hơn trước các biểu lộ đau buồn.
 
Bà Marsh kết luận, những người vị tha khác thường có thể đối lập với người thần kinh không ổn định theo một số cách.
 
Theo.vietnamnet