Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng đến nay tỉnh Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút những người giỏi thực sự về khởi nghiệp, bố trí những người tài vào biên chế, đảm nhiệm những vị trí trọng trách trong bộ máy Nhà nước.
Nguyên nhân chính là chưa có lời giải thỏa đáng cho bài toán sắp xếp “chỗ đứng” dành cho người tài; chưa có những bước đột phá trong xây dựng và tổ chức thực hiện một hệ thống cơ chế, chính sách sắc bén, cải tiến và vận hành bộ máy nhà nước tinh gọn, hiện đại, mang tính phục vụ cao để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, định hướng và hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp.
Vậy cách tiếp cận vấn đề này như thế nào?.
Trong cách tiếp cận cũ, các cơ chế, chính sách, bộ máy được xây dựng và vận hành chủ yếu xuất phát từ yêu cầu quản lý, điều hành của Nhà nước, nặng về quy trình, thủ tục, mệnh lệnh hành chính. Mặc dù chúng ta đã rất cố gắng trong thực hiện cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy và đạt được một số kết quả tốt, tuy nhiên những dấu ấn trước đây vẫn còn mang đậm.
Việc chuyển phương thức lãnh đạo, điều hành của chính quyền từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo, phục vụ như định hướng của Thủ tướng Chính phủ vẫn gặp không ít trở ngại, khó khăn.
Ở một cách tiếp cận mới có sự tương tác, đồng hành cao hơn giữa Nhà nước và nhân dân, phát huy tốt nguồn lực trí tuệ, tình cảm yêu quê hương của con người xứ Nghệ, thực hiện tốt phương châm “giúp một người tài thành công sẽ sử dụng, thu hút, tạo điều kiện cho nhiều người tài khác”.
Cách tiếp cận này xuất phát từ bối cảnh đất nước đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách hành chính vì sự thuận lợi của người dân và doanh nghiệp mà gốc rễ của vấn đề là công tác cán bộ; Xuất phát từ thực tiễn tiềm năng của quê hương, Nghệ An có rất nhiều em học sinh xuất sắc, nhiều bậc cha mẹ có con học giỏi, ngay từ đầu đã mong muốn con em mình sẽ được công tác, lập nghiệp tại quê nhà sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc các trường dạy nghề mà không đề cao về tiền lương, thu nhập cũng như các điều kiện khác.
Tuy nhiên, điều mà các em học sinh và các bậc cha mẹ vấp phải là rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin được công bố chính thức về nhu cầu, kế hoạch và tiêu chuẩn tuyển dụng đối với các ngành học (chuyên môn) của từng khối cơ quan (nhà nước, doanh nghiệp), đảm bảo chi tiết đến từng đơn vị tại thời điểm hiện tại cũng như trong một số năm tương ứng với chu kỳ đào tạo nghề.
Đồng thời rất khó có được thông tin chính thức về định hướng khởi nghiệp và những cam kết hỗ trợ rõ ràng từ phía chính quyền đối với những trường hợp bắt đầu về khởi nghiệp tại Nghệ An để từ đó nhận diện được cơ hội, thuận lợi, khó khăn đối với đầu ra của từng ngành học tại địa phương, làm cơ sở hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề, chuyên môn cho con em sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Nếu thực hiện được điều mong muốn này, chúng ta sẽ bắn “một mũi tên trúng nhiều đích”, đó là:
Thứ nhất, Nhà nước làm tốt vai trò hỗ trợ hướng nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi công dân trong việc quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho mình, con em mình hiện tại và tương lai.
Thứ hai, chúng ta có nhiều cơ hội lựa chọn những em học giỏi, tốt nghiệp từ các trường danh tiếng trong nước và nước ngoài mong muốn về công tác, khởi nghiệp cống hiến cho quê hương mà không đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe.
Thứ ba, góp phần giảm thiểu tiêu cực, che dấu thông tin vì lợi ích riêng, giúp lãnh đạo Đảng và chính quyền có đủ tư liệu để chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, dành “chỗ đứng” cho người tài.
Thứ tư, thay đổi được phương thức hành động của bộ máy hành chính từ mệnh lệnh sang hỗ trợ, phục vụ xã hội và phát triển kinh tế. Và cuối cùng là góp phần định hướng đào tạo các ngành nghề, chuyên môn sát với nhu cầu của xã hội, tránh đào tạo dư thừa, lãng phí nhân lực sau đào tạo do không sử dụng.
Tăng cường đào tạo nghề cho thanh niên, hướng giải quyết việc làm bền vững - học viên tại Trường Trung cấp nghề huyện Yên Thành đang thực hành nghề cơ khí nông nghiệp.
Về cơ chế, chính sách:Cần ban hành một Nghị quyết của Tỉnh ủy về định hướng, hỗ trợ, phục vụ khởi nghiệp tại Nghệ An trên tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó chú trọng đến các đối tượng muốn tìm hiểu để hình thành ý tưởng, xây dựng phương án khởi nghiệp; các đối tượng bắt đầu bước vào khởi nghiệp; các đối tượng bắt đầu hướng đầu tư, SXKD vào Nghệ An (đến nay, UBND tỉnh mới có Quyết định hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp với nhiều điều kiện ràng buộc như có khả năng tăng trưởng nhanh, mô hình kinh doanh mới, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm, 1 năm hoạt động...).
Cần đưa tiêu chí “Tài năng được chứng minh qua thực tiễn” thành một trong những tiêu chí đầu tiên, có trọng số cao nhất trong tuyển chọn, bố trí, bổ nhiệm cán bộ; đưa cơ chế lãnh đạo được bổ nhiệm phải có chương trình hành động chi tiết trong nhiệm kỳ với những chỉ tiêu, kết quả cụ thể; cam kết nhận hình thức xử lý, từ chức nếu kết quả không đạt vào “Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2021 và những năm tiếp theo” đã được Tỉnh ủy chỉ đạo tại Quyết định số 1616-QĐ-TU ngày 02/01/2018.
Về hành động:Quyết liệt trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính; tập trung xây dựng và vận hành chính quyền điện tử hiện đại, công khai, minh bạch. Tổ chức lại cách thức xử lý “1 cửa” theo hướng trực tuyến, dịch vụ công để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tất cả các công đoạn của thủ tục hành chính.
Xây dựng, cập nhật và công bố chi tiết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh về nhu cầu tuyển dụng của khối cơ quan nhà nước đối với các ngành, nghề, chuyên môn trong năm hiện tại và kế hoạch đối với các năm tiếp theo (tối thiểu đảm bảo chu kỳ 5 năm) của toàn tỉnh, chi tiết đến từng đơn vị, kèm theo các tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể.
Xây dựng, cập nhật thường xuyên, công bố công khai bộ dữ liệu thông tin, dự báo nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Mở “Văn phòng điện tử hướng nghiệp, khởi nghiệp” để công khai chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ, phục vụ khởi nghiệp, lập nghiệp với sự tham gia của các cấp chính quyền, các sở, ngành, các hiệp hội, các đơn vị tư vấn trợ giúp...
Nâng cao chất lượng giáo dục khởi nghiệp trong trường học để định hướng và hun đúc khát vọng làm giàu trên quê hương, xóa bỏ tư tưởng “về Nghệ An khó phát triển”.
Hy vọng rằng, nếu cách tiếp cận này được hiện thực hóa sẽ góp phần thực hiện thành công các chủ trương lớn về cải cách hành chính, hướng nghiệp, khởi nghiệp, đào tạo và sử dụng nguồn lực, thu hút nhân tài, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.