Để giúp học sinh phổ thông có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp bản thân và chủ động hơn với cuộc đời mình thay vì phó mặc hay chịu áp đặt từ phụ huynh, GS Ngô Bảo Châu đã cho ra mắt mô hình các câu lạc bộ hướng nghiệp.

Thông tin này được GS Ngô Bảo Châu chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp” cùng những người bạn của mình diễn ra tối ngày 3/5.

Đó là các câu lạc bộ Kiến trúc, Y học, Sư phạm, Công nghệ thông tin… Các câu lạc bộ này hướng đến việc cho các bạn trẻ trải nghiệm thực tế, với sự giúp sức của những người bạn của GS Châu là những người thành công ở những lĩnh vực khác nhau như PGS y khoa Nguyễn Lân Hiếu, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, TS công nghệ thông tin Nguyễn Thành Nam, nhà giáo Đàm Hiếu Chiến…

20170504153909-img-1911.jpgGS Ngô Bảo Châu chia sẻ tại tọa đàm "Thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp"

Theo GS Châu, các em học sinh có nhiều sự lựa chọn và điều kiện khác nhau để định hướng nghề nghiệp, tuy nhiên một yếu tố định hướng quan trọng là gặp được những người có kiến thức, lòng yêu nghề và truyền được nhiệt huyết đam mê trong từng lĩnh vực.

GS Châu cũng hy vọng các CLB này sẽ giúp các em học sinh THCS, THPT hiểu được cái hay, cái đẹp, những trải nghiệm thực tế và cả những khó khăn về lĩnh vực/nghề mà mình quan tâm, yêu thích. Từ đó ra quyết định lựa chọn chính xác ngành nghề phù hợp nhất với mình.

Tại tọa đàm, các vị diễn giả cũng đã cùng các phụ huynh, học sinh bàn luận câu chuyện định hướng nghề nghiệp theo sở thích của con hay theo sự áp đặt phía gia đình, và làm sao để biết rằng mình định hướng nghề nghiệp cho con đúng hay không.

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh.

Bản thân các em học sinh cũng rất khó khăn trong việc phân biệt sở thích của bản thân và nhu cầu thực tế của xã hội. 

“Theo như em tìm hiểu thì việc lựa chọn nghề nghiệp phải dựa trên chính đam mê của mình nhưng đôi khi có những đam mê có vẻ không khả thi. Vậy làm như thế nào để em có thể lọc bớt được những đam mê của mình?” - Mạnh, một học sinh lớp 9 ở Hà Nội nói.

Nguyễn Tuấn Hùng (học sinh lớp 12, Hà Nội) thực tế hơn: “Em thích làm nhà sử học, cũng muốn nghiên cứu về vũ trụ, thiên văn học. Sở thích thì nhiều lắm nhưng làm cách nào để biết theo nghề nào thì sẽ gặp những áp lực gì trong cuộc sống, và yêu nghề đó nhưng liệu có đảm bảo đủ ăn, đủ tiêu, đủ nuôi gia đình hay không?"

GS Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh.

Các diễn giả có chung quan điểm cách tốt nhất để hướng nghiệp là cho con cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến ngành nghề, để tìm ra điều phù hợp nhất.

Theo nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang, những thống kê về việc lựa chọn nghề của học sinh trên thế giới cho thấy một phần lớn chịu ảnh hưởng từ cha mẹ.

“Cha mẹ là những người gần nhất với con cái và ảnh hưởng từ nghề nghiệp của cha mẹ là việc rõ ràng nhất. Một số không nhỏ ảnh hưởng bởi truyền thông cụ thể qua phim ảnh với các nghề như luật sư, bác sĩ, phi công… Điều này vô hình trung ảnh hưởng suy nghĩ và lựa chọn về nghề nghiệp của các con, bắt đầu từ việc chọn ngành học tại các trường đại học”.

Nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang

GS Ngô Bảo Châu cho rằng hầu hết các cha mẹ có tâm lý muốn con phải ngoan, phải vào một tường đại học có danh tiếng..., nhưng ít khi quan tâm hiểu tâm tư và khả năng của con em mình.

“Đừng quá đặt nặng chuyện đúng sai mà cần tôn trọng tâm tư của các em. Các em có thể thiếu kinh nghiệm sống hoặc chịu ảnh hưởng của truyền thông nên có những định hướng chưa được thực tế lắm. Tôi nghĩ, cần có cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái trên tinh thần tôn trọng con, và để cả hai phía được đưa ra quan điểm của mình. Đây là việc cần nhiều thời gian”, GS Châu nói.

TS Nguyễn Thành Nam

Còn TS Nguyễn Thành Nam, người sẽ phụ trách CLB hướng nghiệp Công nghệ thông tin thì cho rằng với những sự thay đổi nhanh chóng của thời đại, có những điều đúng với trước đây nhưng giờ không còn đúng nữa. 

“Với gia đình tôi chọn ngành nghề và chọn đâu học đó là việc của con, và dù thế nào thì bố mẹ cũng đều ủng hộ. Và chúng nó sẽ sai, nhưng không sao cả. Chứ bây giờ, nếu chúng ta lấy kiến thức hiện tại để định hướng tương lai, tôi nghĩ về cơ bản sẽ không đúng”, ông Nam nói.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, người nghiên cứu về giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, thì chia sẻ: “Dự báo 20 năm nữa thế giới sẽ có 7 tỷ người máy, như vậy sẽ có những nghề hoàn toàn mới có thể là bảo dưỡng người máy, chống tai biến cho trí tuệ nhân tạo…, thậm chí chúng ta không thể tưởng tượng ra được”.

Ông Đỗ Hoàng Sơn

Theo ông Sơn, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các ngành nghề đều có thể bị đe dọa và cần chuẩn bị thích nghi với việc sẽ có những công việc bị mất đi trong tương lai.

“Việc chuẩn bị ngôn ngữ như biết tiếng Anh, giỏi toán, viết code sẽ giúp các bạn trẻ có những ưu thế nhất định. Đặc biệt, cần khắc phục việc ít đọc sách, bởi theo tôi, đây cũng là điều khiến việc định hướng nghề nghiệp kém”.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN