Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 13- CT/TU ngày 05/07/2017 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xác định rõ chi bộ là tế bào của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở và Đảng mạnh khi có các chi bộ mạnh. Những năm qua, thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhìn chung sinh hoạt chi bộ ở nhiều cơ quan đơn vị đã đi vào nền nếp, chất lượng sinh hoạt từng bước được nâng lên,...
Tuy nhiên, nội dung sinh hoạt ở một số chi bộ chưa toàn diện theo đúng các quy định, hướng dẫn của TW, của Tỉnh ủy. Phần lớn chỉ đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chưa thực sự chú trọng đến công tác lãnh đạo công tác tư tưởng của cán bộ, đảng viên; công tác lãnh đạo các tổ chức đoàn thể; chưa tổ chức sinh hoạt nhiều chuyên đề nên nội dung các buổi sinh hoạt chưa sâu, đơn điệu, chủ yếu quán triệt các chỉ thị, nghị quyết và triển khai nhiệm vụ của chi bộ, việc phản ánh của cán bộ, đảng viên đối với chi ủy, chi bộ rất ít; việc tham gia phát biểu ý kiến, thảo luận còn hạn chế, chất lượng các ý kiến chưa cao.
Từ tình hình trên, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cần triển khai tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất,chi bộ thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, bám sát Quy định số 98-QĐ/TW, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương và Chỉ thị số 13-CT/TU của BTVTU về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nội dung sinh hoạt phải toàn diện, đúng nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt Đảng; phải đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Đa dạng hóa nội dung sinh hoạt chi bộ, thực hiện hình thức sinh hoạt, trong đó nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt chuyên đề nhằm làm phong phú hình thức sinh hoạt chi bộ, thu hút, hấp dẫn đảng viên khi tham gia sinh hoạt.
Thứ hai, đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vào sinh hoạt chi bộ. Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, xem đây là nhiệm vụ quan trong trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ.
Thứ ba, sinh hoạt chi bộ phải kịp thời phổ biến, quán triệt nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước cho đảng viên; tập trung thảo luận thẳng thắn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần chúng.
Thứ tư,tăng cường lãnh đạo của chi bộ đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, từ đó phát huy tính tích cực chủ động, trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cần chú ý phát huy trí tuệ tập thể của toàn thể đảng viên trong chi bộ trong việc tham gia thảo luận xây dựng chương trình, báo cáo, nghị quyết, bàn và quyết định những nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp cụ thể để thực hiện.
Thứ năm,phát huy vai trò tiên phong của chi ủy đặc biệt là người đứng đầu là bí thư chi bộ. Chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ, chủ trì điều hành các buổi sinh hoạt chi bộ đảm bảo theo đúng quy định. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy phải tổ chức họp, hội ý, phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí cấp ủy viên trong việc chuẩn bị và thực hiện từng nội dung của buổi sinh hoạt.
Thứ sáu, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của chi ủy, chi bộ; có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong chi ủy. Quy chế phải đảm bảo theo nguyên tắc của đảng, nội dung phù hợp với tình hình chi bộ cơ sở; quy trình xây dựng và ban hành quy chế phải đảm bảo đúng quy định.
Thứ bảy,tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra. Cấp ủy cấp trên cần phân công cấp ủy viên phụ trách các chi bộ, định kỳ hoặc đột xuất dự sinh hoạt chi bộ; coi trọng việc kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời rút kinh nghiệm điều chỉnh và có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn sát với cơ sở nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Thứ tám, thực hiện phân công cán bộ theo dõi cơ sở tham gia định kỳ sinh hoạt chi bộ ở cơ sở (Chỉ thị số 13-Của Tỉnh ủy) quy định việc dự sinh hoạt chi bộ tại địa bàn, đơn vị được phân công ít nhất 1 quý 1 lần để nâng cao trách nhiệm của đảng viên trong việc theo dõi, bám, nắm cơ sở.