(Baonghean) - Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng năm 2004; đến năm 2012, thực hiện điều chỉnh quy hoạch, tu bổ, tôn tạo.
Do dự án triển khai chắp vá nên trong quá trình quản lý và phát huy giá trị của Khu di tích còn có những điểm chưa hợp lý. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo Sở VH-TT&DL và Ban Quản lý Di tích danh thắng lập Quy hoạch và Dự án đầu tư, tu bổ Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu và được phê duyệt tại Quyết định số 5075/QĐ-UBND-XD ngày 31/10/2015.
Về quy mô diện tích đất, Khu di tích cũ có diện tích hơn 4000m2, nay được nâng lên 6.428m2; phía Đông Bắc tiếp giáp đường quy hoạch rộng 15m, Tây Bắc giáp Liên đoàn Lao động huyện Nam Đàn, Tây Nam giáp đường quy hoạch rộng 9m và phía Tây Nam, tiếp giáp đường ven sông Lam.
Bởi không gian cũ là khá chật hẹp, một số hạng mục công trình bố trí chưa hợp lý, có phần lấn át di tích gốc, vì vậy, hướng chính của Khu di tích được mở ra đường ven sông Lam. Với việc thay đổi hướng chính của Khu di tích như vậy, cùng với những ý tưởng trong tương lai như xây dựng Công viên Phan Bội Châu (phần đất trống trước mặt khu lưu niệm, sát đường ven sông Lam), xây dựng bến sông, thành lập Câu lạc bộ ca trù, ví dặm (hoạt động tại Thư viện Phan Bội Châu trong Khu lưu niệm)… sẽ tạo được một cảnh quan đẹp, phát huy tốt các giá trị của Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu.
Đồng thời, Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu sẽ tạo được sự gắn kết với các di tích, vốn dày đặc và thấm đẫm văn hóa lịch sử của vùng đất Nam Đàn, qua đó, phát huy được thế mạnh trong phát triển kinh tế du lịch.
Theo Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, địa điểm Khu di tích hiện nay là quê ngoại và là nơi cụ Phan được sinh ra và sống đến năm 3 tuổi. Ở đây, vốn dĩ mất hết dấu tích. Năm 1987, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, UBND tỉnh đã cho phép Sở Văn hóa chuyển nhà của cụ Phan ở quê nội thuộc thôn Sào Nam (nay là xóm 2, xã Xuân Hòa) lên; đến năm 1992, công trình này được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích Quốc gia. Vì vậy, xét về tính chất “nguyên gốc” của “Nhà cụ Phan” vẫn còn có những ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, để phù hợp với quy hoạch mới, UBND tỉnh qua quá trình thực hiện tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các nhà chuyên môn đã đi đến thống nhất là xoay lại hướng “Nhà cụ Phan”.
Để đảm bảo sự đồng thuận trong việc xoay lại hướng “Nhà cụ Phan”, ngày 13/5/2015, Sở VHTT&DL, Ban Quản lý Di tích danh thắng cũng đã tổ chức lấy ý kiến nhân chứng, với sự hiện diện của UBND huyện Nam Đàn, thị trấn Nam Đàn, đại diện con cháu cụ Phan và có được sự nhất trí cao.
Chính vì vậy, việc xoay hướng “Nhà cụ Phan” đã được đưa vào quy hoạch, thể hiện chi tiết trên bản vẽ thiết kế và được trình Bộ VH-TT&DL thực hiện thẩm định. Tại Công văn số 4022/UBND.XD của UBND tỉnh ngày 18/6/2015 về việc đề nghị thỏa thuận quy hoạch và dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu gửi Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh có nêu cụ thể nguyên nhân, lý do của việc xoay lại hướng “Nhà cụ Phan”. Bộ VH-TT&DL sau khi thẩm định đã đồng ý với phương án trên và có văn bản hồi đáp tại Công văn số 2645/BVHTTDL ngày 2/7/2015.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng (Sở VH-TT&DL), việc thay đổi hiện trạng di tích đã được xếp hạng xuất phát từ mong muốn tạo ra sự gắn kết, đồng nhất các hạng mục trong Khu di tích, qua đó phát huy được hết giá trị văn hóa, lịch sử và nêu cao được tinh thần của Chí sỹ Phan Bội Châu. “Ban Quản lý Di tích danh thắng mong muốn có sự chia sẻ và đồng thuận. Ý tưởng của Ban Quản lý Di tích danh thắng là tại Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu trong tương lai, sẽ thực hiện phục dựng lại đúng nếp nhà quê ngoại, nơi cụ Phan được sinh ra, qua đó cũng là đảm bảo yếu tố nguyên gốc", ” - bà Trần Thị Mỹ Hạnh trao đổi.
Còn “Nhà cụ Phan” hiện tại, sẽ đưa trở về quê nội thuộc thôn Sào Nam (xóm 2, xã Xuân Hòa) để phục dựng lại như tâm nguyện đông đảo người dân mong muốn”.
Hà Giang