(Baonghean) - Ngày lễ 2/9 vừa qua, gia đình mình không đi đâu xa mà chỉ loanh quanh trong thành phố. Cứ nghĩ mọi người đi chơi hết nên thành phố sẽ vắng, mọi người quyết định đưa bé Bim đi thảo cầm viên chơi.
Ai dè, người thành phố đi chơi cả nhưng mọi người ở các vùng ven thành phố lại rủ nhau vào chơi nên thảo cầm viên đông nghịt người hơn cả ngày thường. Đi mãi chẳng thấy chuồng thú đâu, chỉ thấy người là người. Người trải bạt ăn uống, người mắc võng ngủ trưa dưới gốc cây. Nhiều nhà đưa cả trẻ con theo, lũ trẻ nằm lăn lóc trên bãi cỏ. Mấy bà mẹ ngồi phe phẩy quạt mát cho con. Cánh đàn ông ngồi uống bia, ăn xôi, ăn gà mang từ nhà đến.
Thảo cầm viên bình thường là nơi không có mấy người đi vào vì dân thành phố bận rộn, nay tấp nập như trẩy hội. Bé Bim kéo tay mình hỏi "Cậu ơi, có phải mình đi nhầm nơi không, sao cháu chẳng thấy thú đâu cả?".
Cả nhà đi nốt một vòng thảo cầm viên rồi quyết định đi về vì cảnh đông đúc, ăn uống chúc tụng ồn ào. Cứ nghĩ ngày lễ rảnh rang là dịp để đổi gió, hít thở không khí bớt được chút khói bụi từ xe cộ, hoá ra cũng chẳng khác gì.
Một người bạn nước ngoài của mình có lần nhận xét như thế này khi đến Việt Nam khiến mình cứ suy nghĩ mãi không thôi. "Tớ phải tranh thủ đến Việt Nam khi nơi này chưa thành điểm du lịch hot như Thái Lan hay Bali. Chứ chờ đến khi hot rồi, nhiều người đến rồi thì "tan nát" hết".
Cũng như có lần mình đi chơi ở một con thác miền Tây Nghệ An. Lần đầu còn hoang sơ chưa ai biết đến thì còn đẹp, còn sạch. Một thời gian sau được giới truyền thông lăng xê nhiệt tình, mọi người thi nhau đến tham quan. Khi mình quay lại lần hai thì gần như không nhận ra được con thác ngày trước nữa. Toàn rác của khách du lịch, và thậm chí còn có nơi bốc mùi khai mù vì bị người ta chọn làm nơi giải quyết nỗi buồn.
Du lịch được gọi là ngành công nghiệp không khói, với kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế mà không tổn hại đến môi trường. Thế nhưng thực tế thì có lẽ còn lâu mới được như kỳ vọng. Những nước nổi tiếng về du lịch như Tây Ban Nha, Thái Lan, Italy, Pháp đều phải trả cái giá không hề nhỏ về môi trường và xã hội. Việt Nam chúng ta cũng đang hướng đến xây dựng du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Liệu chúng ta có sẵn sàng đánh đổi cái giá về môi trường không, hay có sẵn sàng những giải pháp để tránh được vết xe đổ của những đất nước du lịch kia không?
Trước khi bàn đến những chuyện xa xôi đó, thử nhìn lại xem, chắc gì chúng ta đã biết vứt rác đúng chỗ, đã giữ gìn cho nơi ta sống xanh sạch đẹp. Huống chi là khách vãng lai./.
Hải Triều