(Baonghean) - Qua những cảnh báo, tâm thư, kiến nghị...,có thể thấy những lo ngại cho chất lượng công tác khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Với những ai quan tâm mạng xã hội, hẳn thời gian qua biết chuyện một nữ quản lý cơ sở y tế khá thường xuyên lên mạng xã hội Facebook trao đổi về các vấn đề liên quan tới khám, chữa bệnh BHYT. Gần đây, nữ quản lý này bày tỏ sự lo ngại vì việc “bội chi”, “vỡ quỹ” BHYT đã dẫn đến hệ lụy, đó là cơ sở khám, chữa bệnh bị rơi vào cảnh nợ nần, từ nợ lương nhân viên y tế; nợ các tổ chức doanh nghiệp dược - vật tư y tế tiền thuốc, hoá chất; nợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… Nữ quản lý này cũng đưa ra cảnh báo: Có nguy cơ sang tháng 7/2017, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ở Nghệ An đa số phải đóng cửa vì "hết quỹ".

Dù lời cảnh báo này là cảm tính cá nhân, xuất phát từ việc chưa đồng tình với cơ quan BHXH về vấn đề thanh quyết toán kinh phí BHYT, nhưng sự băn khoăn, lo lắng trong các nhà quản lý ngành y, các cán bộ, y bác sỹ đối với vấn đề này là có thật! Vì vậy, không ít người trong số họ, bằng cách này cách khác đã chuyển những băn khoăn, lo lắng đó đến các cấp, các ngành trong tỉnh, thậm chí đến cả lãnh đạo Bộ Y tế.  

images1947229_images1929702_0407_bhyt2_thuh.jpgẢnh minh họa.

Như trong tâm thư gửi lên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, một bác sỹ đã bộc bạch: “...do nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu khách quan khiến nguồn quỹ KCB BHYT đã vượt rất cao so với quỹ BHYT do cơ quan BHXH dự kiến. Từ đó, đã nảy sinh một số vấn đề bất cập, bức xúc trong tất cả các cơ sở KCB về việc giám định chi phí KCB BHYT của cơ quan BHXH tỉnh. Phía cơ quan BHXH đã treo và không chấp nhận thanh toán một số kinh phí rất lớn mà không có căn cứ pháp lý, không phù hợp với quy định, văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, gây nên tình trạng quá căng thẳng, bất an, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động KCB…”.

Hay trong một văn bản kiến nghị gửi đến ngành Y tế, một bác sỹ cho rằng: “Các giải pháp của BHXH tỉnh hiện nay không căn cơ, chưa hữu hiệu, không cơ bản; chủ yếu kiểm tra đưa ra con số xuất toán hoặc “treo” để cảnh báo các cơ sở KCB. Nhiều biện pháp cũng được đưa ra như tham mưu cho UBND tỉnh dự toán KCB cho các đơn vị,  khống chế chỉ định cận lâm sàng, cơ cấu lại giá theo Thông tư 37, tính định mức khám bệnh và cận lâm sàng, định mức theo kế hoạch giường bệnh, điểm danh bệnh nhân nội trú... Các biện pháp nêu trên vừa không đủ cơ sở pháp lý, vừa ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, sự phát triển của các bệnh viện -  mục tiêu lớn nhất mà ngành Y tế đang phấn đấu…”.

Qua những cảnh báo, tâm thư, kiến nghị..., có thể thấy những lo ngại cho chất lượng công tác khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh. Vì rằng, ở bất kỳ ngành nào, nghề nào, muốn có kết quả tốt, mỗi cá nhân đều phải có môi trường hoạt động tốt để tập trung trong công tác chuyên môn. Với nghề y liên quan đến tính mạng con người, càng cần phải như vậy. 

Ngành y ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đã có rất nhiều trang thiết bị hiện đại cùng đa dạng các chủng loại thuốc chất lượng. Dù vậy, để công tác khám, chữa bệnh được tốt, căn bản vẫn từ yếu tố con người. Muốn y, bác sỹ thật sự tập trung trong chuyên môn, phải tạo môi trường làm việc thuận lợi và phải gỡ bỏ mọi rào cản tâm lý, để qua đó họ phát huy hết khả năng nghề nghiệp. Và đây là trách nhiệm của các nhà quản lý cơ sở khám, chữa bệnh; là trách nhiệm của hệ thống quản lý nhà nước và của cả xã hội đối với ngành y.

Hãy đặt ra câu hỏi, tại sao các nhà quản lý y tế và các y bác sỹ lại băn khoăn nhiều đến vấn đề BHYT đến như vậy? Câu trả lời thật  dễ. Vì rằng, khi mà với hơn 82% người dân tham gia BHYT như hiện nay, nguồn thu chủ yếu của các cơ sở khám, chữa bệnh là từ quỹ này. Nếu kinh phí khám, chữa bệnh BHYT bị “treo”, ngay lập tức nguồn thu nhập của mỗi y, bác sỹ đều bị ảnh hưởng. Và chắc chắn, từ câu chuyện này, không khó để hình dung ra việc các cơ sở y tế, các y, bác sỹ sẽ có những toan tính, để đối phó với cơ quan BHXH. Kết quả ra sao, chưa thể rõ, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng khám, chữa bệnh, người có thẻ BHYT sẽ bị thiệt thòi.

Đảng và Nhà nước luôn mong muốn mọi người dân Việt Nam được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, vì vậy từ nhiều năm qua, đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách để nâng cao chất lượng các hoạt động y tế. Và một chính sách tiêu biểu, là việc thực hiện BHYT toàn dân. Vậy nhưng, vài năm gần đây, luôn có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề BHYT.

Thiết nghĩ, cần nhiều những giải pháp mạnh để đảm bảo an toàn quỹ BHYT nhưng giải pháp gì cũng cần sự đồng thuận, cùng nhìn về một hướng của các ngành liên quan, nhất là ngành Y tế và BHXH, để tạo được môi trường tốt, gỡ bỏ được những phiền toái không đáng có, để qua đó, các cán bộ, y bác sỹ được chuyên tâm với nghề, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN