Tập đoàn công nghệ Huawei vừa giới thiệu một giải pháp mới nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của các mạng viễn thông di động đa băng tần, đa phương thức, đó là PowerStar. Với PowerStar trên hệ thống mạng, các trạm phát sóng (BTS) 2G, 3G và 4G điển hình được cho là sẽ giảm mức sử dụng điện năng từ 10 - 15% mỗi năm, giúp giảm bớt khoảng2 triệu kg CO2 thải ra bầu khí quyển tính trên mỗi 1.000 trạm BTS.
Các trạm BTS đang thải lượng lớn khí CO2 ra môi trường.
Vào năm 2015, Liên hợp quốc đã nêu ra 17 mục tiêu cho phát triển bền vững, trong đó biến đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, với mức tiêu thụ năng lượng tăng nhanh và gia tăng mức độ liên kết giữa các hệ thống mạng, rất khó để cắt giảm việc tiêu thụ năng lượng trên các mạng di động. Để đảm bảo hiệu suất mạng và trải nghiệm người dùng tối ưu, các nhà mạng đặt ra các ngưỡng hiệu quả cứng nhắc để tiết kiệm năng lượng, điều này đã làm giảm hiệu quả của việc tiết kiệm năng lượng trên các mạng di động.
Giờ đây, giải pháp PowerStar của Huawei có thể giúp giải quyết vấn đề này. Nó sử dụng các công nghệ tiên tiến dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác để điều phối tiết kiệm năng lượng giữa các mạng 2G, 3G và 4G. Với những chiến lược này, thiết bị di động có thể được chuyển sang các băng tần thấp hơn khi tổng lưu lượng truy cập còn thấp để tiết kiệm năng lượng. Bằng cách sử dụng AI để tự học, PowerStar có thể điều chỉnh tham số động để việc tiết kiệm năng lượng được thực hiện mà không làm giảm hiệu suất mạng.
PowerStar đang được triển khai thử nghiệm tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Indonesia và Trung Quốc. Giải pháp này hứa hẹn sẽ giúp hơn 90% các mạng viễn thông toàn cầu giảm mức tiêu thụ năng lượng, góp phần giảm 4,5 triệu chiếc tấn khí thải carbon mỗi năm.
Trước đó, Tổ chức Thời tiết của Liên Hiệp Quốc đã phát đi cảnh báo, nồng độ CO2 trong khí quyển có tốc độ tăng kỷ lục trong năm 2016 - cao nhất trong 800.000 năm qua. Cụ thể, nồng độ CO2 trong khí quyển trung bình năm 2016 là 403,3 phần triệu (ppm), tăng so với mức 400 ppm của năm 2015.
Tốc độ tăng nồng độ CO2 trong khí quyển đang rất cao. (Ảnh minh họa: Rex)
Lần cuối cùng Trái Đất có nồng độ CO2 tương đương mức "đỉnh" của năm 2016 là cách đây khoảng 3 - 5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2 - 3 độ C và mực nước biển cao hơn hiện nay 10 - 20m. Chỉ tính trong 70 năm qua, tỉ lệ tăng CO2 trong khí quyển đã cao gấp gần 100 lần so với thời kỳ cuối cùng của kỷ nguyên băng hà.
Erik Solheim, người đứng đầu Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc nói: "Những con số này không biết nói dối. Chúng ta vẫn đang thải khí thải quá nhiều, và điều này cần phải được giải quyết. Trong vài năm gần đây, chúng ta đã sử dụng nhiều năng lượng tái tạo nhưng bây giờ, chúng ta phải tăng gấp đôi, gấp ba nỗ lực ấy".
"Chúng ta có rất nhiều giải pháp để giải quyết thách thức này. Trước mắt, những gì chúng ta cần làm là ý chí chính trị trên toàn cầu và phải cảm nhận được sự sốt sắng thật sự", Erik Solheim nói thêm.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, cần phải nhanh chóng cắt giảm CO2 và các khí nhà kính khác để tránh "sự gia tăng nhiệt độ đến mức nguy hiểm" mà có thể sẽ vượt giới hạn đã đề ra tới năm 2100. "Các thế hệ tương lai sẽ kế thừa một hành tinh khắc nghiệt hơn nhiều", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói.
"CO2 trong khí quyển vẫn còn trong khí quyển và trong các đại dương hàng trăm năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Trên lý thuyết, chúng ta sẽ phải đối mặt với một khí hậu nóng hơn và khắc nghiệt hơn trong tương lai", ông Petteri Taalas nói thêm.