Lần đầu tiên Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) hợp tác thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Tại hội thảo khoa học xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, do Quân chủng Phòng không Không quân - Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp cùng USAID tổ chức ngày 8-8, tại Đà Nẵng, Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng,  nhấn mạnh: “Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu xử lý triệt để môi trường ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam”.

780029_small_79687.jpg

Sơ đồ xử lý các điểm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Trước đây, sân bay Đà Nẵng là căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, nơi tập kết chất diệt cỏ có chứa dioxin để “khai hoang” các cánh rừng miền Trung và Tây Nguyên. Đã 51 năm trôi qua nhưng kết quả của nhiều dự án nghiên cứu khoa học cho thấy môi trường khu vực sân bay Đà Nẵng có nồng độ nhiễm dioxin cao đến 35 - 40 lần cho phép đối với đất phi nông nghiệp tại Mỹ và cao gấp hàng trăm lần so với mức an toàn đối với con người theo tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng đến nay, người dân sống cạnh sân bay Đà Nẵng vẫn vô tư trồng rau, trồng sen trong khu vực này để sử dụng.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng (DAVA) Nguyễn Thị Hiền cho biết Đà Nẵng có trên 5.000 người bị nhiễm dioxin, trong số đó có hơn 1.400 trẻ em, phần lớn bị dị tật nặng, không thể tự chăm sóc được mình. Đặc biệt, một kết quả nghiên cứu chưa công bố chính thức, có 64 người dân sống quanh khu vực này mới phát hiện có nồng độ dioxin cao quá mức trong máu, đang mang bệnh hiểm nghèo.

Bà Kyung Choe, đại diện USAID, cho biết việc ô nhiễm ngoài khu vực sân bay Đà Nẵng như thế nào lại do các đơn vị khác đánh giá nên bà không được phép công bố. Còn trước mắt, tập trung thực hiện cho tốt dự án xử lý dioxin trong khu vực sân bay, tiếp đến sẽ xin kinh phí để tiếp tục xử lý các điểm nóng dioxin còn lại ở Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Huy Vịnh cho biết sau nhiều cố gắng của Chính phủ Việt Nam và Mỹ, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã được các cấp có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Dự án do USAID tài trợ 41 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 35 tỉ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2011-2016. Ngay sau khi dự án được triển khai, đến nay các hạng mục rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại khu vực thực hiện dự án đã hoàn thành. Hạng mục chính được người dân đặc biệt quan tâm là phương pháp xử lý môi trường dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ được chính thức khởi công vào ngày hôm nay (9-8).

Phương pháp được lựa chọn cho việc xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng là xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt, do nhà thầu CDM Smith đảm nhiệm. Theo đánh giá của USAID, phương pháp kỹ thuật khử hấp thu nhiệt (còn gọi là IPTD) là phương án hiệu quả và kinh tế nhất để xử lý ô nhiễm dioxin. Dự kiến cuối năm 2016, sân bay Đà Nẵng sẽ không còn dioxin.

Không ảnh hưởng đến cộng đồng                                                             
Theo đại tá Phạm Đình Chiến, đại diện Quân chủng Phòng không Không quân, về vấn đề an toàn cho các chuyến bay đã được Bộ Quốc phòng chỉ đạo rất chặt chẽ nên sẽ không ảnh hưởng gì khi dự án thực hiện. Còn bà Randa Chichakli, đại diện nhà thầu CDM Smith, cho biết các biện pháp bảo đảm an toàn sẽ được triển khai để loại trừ bất kỳ tác động có hại nào đối với cộng đồng xung quanh.                                                                                        


Theo (nld.com.vn)-L.T