(Baonghean) Đời sống tôn giáo ở nước ta từ khi đổi mới đến nay có sự thay đổi rất căn bản, theo chiều hướng ngày càng tiến bộ và tích cực. Đồng hành cùng dân tộc, tín đồ và chức sắc các tôn giáo nói chung đã ủng hộ, tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới; đối với Đạo Công giáo, Giáo hội Việt Nam và tín đồ đã có những hành động cụ thể để thể hiện điều này, đem đạo vào đời một cách hiệu quả.

-->> Xem Bài 1: Từ La Mã đến Công đồng Vatican II

Kể từ giữa năm 1980 đến nay, đất nước ta đã đi sâu vào quá trình đổi mới với những thành tựu to lớn về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; tương tự, đời sống tôn giáo cũng có nhiều chuyển biến rõ nét. Cụ thể là: Về sinh hoạt tôn giáo, tín đồ đều thực hiện các sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống tôn giáo mình. Một số sinh hoạt tôn giáo trước đây không thực hiện thì từ khi đổi mới đến nay đều được phục hồi, đặc biệt là nhiều sinh hoạt diễn ra quy mô lớn, thời gian kéo dài; Về công nhận tổ chức tôn giáo, trước đây chỉ có 3 tổ chức được Nhà nước công nhận (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam), thì đến năm 2011 đã có 37 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; Về việc mở trường đào tạo chức sắc, trước đây chỉ có một số lớp, nay đã có 11 trường đào tạo chức sắc trình độ đại học (4 học viện của Phật giáo, 7 Đại chủng viện của Công giáo), ngoài ra còn gần 40 trường cao đẳng và trung cấp với gần 10.000 học viên.

Việc xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, trước đổi mới không có hoạt động này thì đến nay hơn 20.000 cơ sở (80%)  được sửa chữa, trùng tu, 2.000 cơ sở được xây mới. Tính riêng hai năm 2010-2011, cả nước có 500 cơ sở tôn giáo được xây mới, 600 cơ sở được trùng tu quy mô lớn. Trên căn bản nhu cầu thờ tự, chính quyền các địa phương đã cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở tôn giáo, như: Thành phố Hà Nội cấp 10 ha xây dựng Học viện Phật giáo, Thành phố Đà Nẵng cấp 10.000m2 mở rộng Tòa Giám mục Đà Nẵng, Thành phố Hải Phòng cấp 10.000m2 xây dựng nhà hưu dưỡng cho các linh mục, tu sỹ của Giáo phận Hải Phòng, tỉnh Ninh Bình cấp 15.000m2 xây dựng Trung tâm mục vụ Giáo phận Phát Diệm… Về in ấn xuất bản, trước đổi mới gần như không có hoạt động xuất bản kinh sách tôn giáo, từ khi đổi mới, nhất là từ năm 1999 đến khi nhà xuất bản Tôn giáo thành lập đến nay có khoảng 4.000 đầu sách với số lượng hàng chục triệu cuốn được xuất bản (riêng Kinh Thánh xuất bản gần 1 triệu bản).

Hiện nay ở nước ta, có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; Các hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tăng cường. Nước ta tham gia rất tích cực các hội nghị, các diễn đàn tôn giáo ở khu vực và quốc tế. Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam đã có quan hệ không chính thức với Vatican qua 18 lần hai bên gặp và làm việc ở Roma hoặc Hà Nội, hai lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2007) và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2009) gặp Giáo Hoàng Benedicto XVI và gần đây từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đồng ý đại diện Tòa thánh Vatican được vào Việt Nam… Cùng với chuyển biến các hoạt động tôn giáo như nói trên, thời gian qua. Nhà nước ta đã giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo phát sinh trong vùng dân tộc thiểu số.

Có thể nói, đổi mới đối với tôn giáo là một trong những nội dung đổi mới lớn nhất, thành tựu nhất trong quá trình đổi mới ở nước ta. Năm 1990, Đảng ta đã có chính sách đổi mới về tôn giáo qua Nghị quyết số 24 NQ/T.Ư ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị với tựa đề “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, với các nội dung chủ yếu: Một là, xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Hai là, xác định tôn giáo là một thực thể tồn tại lâu dài cùng dân tộc trong quá trình xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Ba là, nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về văn hóa, đạo đức của các tôn giáo; Bốn là, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân; Năm là, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của công dân, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật; Sáu là, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị xấu, văn hóa lạc hậu…

Cùng với việc khẳng định quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp (sửa đổi năm 1992), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 21/3/1991 “Về các hoạt động tôn giáo”, sau đó là Nghị định số 26/NĐ-CP “Về các hoạt động tôn giáo”, ngày 19/4/1999, để cụ thể hóa các khung pháp lý, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo. Đặc biệt, sau khi Đảng ta có Nghị quyết số 25, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ngày 18/6/2004 và Chính phủ ban hành Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 01/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh, với các nội dung: Tín đồ các tôn giáo có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do sinh hoạt tôn giáo.

Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Tín đồ các tôn giáo được đảm bảo các điều kiện như có chức sắc, có nơi thờ tự, có kinh sách phục vụ sinh hoạt tôn giáo; Chức sắc, nhà tu hành hoạt động bình thường trong phạm vi phụ trách, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tôn giáo trong phạm vi phụ trách; Các tổ chức tôn giáo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công nhận tư cách pháp nhân về tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, chịu trách nhiệm trước chính quyền và pháp luật về hoạt động tôn giáo…

Đời sống tôn giáo ở nước ta từ khi đổi mới đến nay có sự thay đổi rất căn bản, theo chiều hướng ngày càng tiến bộ và tích cực. Những chuyển biến đó đã làm sáng tỏ chủ trương và chính sách tôn giáo và làm quần chúng tín đồ, chức sắc thêm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước cùng sự đổi mới của đất nước. Không những thế, tín đồ, các chức sắc các tôn giáo đã ủng hộ và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, góp phần vào sự ổn định tình hình chính trị và phát triển của đất nước. Các tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng hoạt động tiến bộ, gắn bó với dân tộc, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, ủng hộ, tham gia công cuộc đổi mới của đất nước, mà tiêu biểu là Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Tháng 4/1980, Đại hội lần thứ nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam và ra Thư chung “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Nội dung của Thư chung 1980 đã khẳng định “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”. Thư chung chỉ ra phương thức để người Công giáo Việt Nam thực hiện: “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo veeệ và xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, tự do, hạnh phúc”…

Từ nền tảng của mốc son Thư chung 1980, văn kiện của các đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam sau này đã triển khai đường hướng đó bằng các hoạt động cụ thể, để người Công giáo tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, như: Đại hội lần thứ III Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Thông cáo: “Trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta hãy ra sức đóng góp nhiều hơn nữa với sự nỗ lực của mọi người, cụ thể trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Chúng ta cố gắng lao động tích cực và tiết kiệm hết sức trong mọi lĩnh vực, để làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Chúng ta vừa là người Công giáo, vừa là người công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai phẩm tính đó không thể mâu thuẫn nhau nếu chúng ta sống đạo đích thực và có lòng yêu nước chân chính”; Đại hội lần thứ V Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Thư mục vụ nhấn mạnh: “Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đơn thuần lấy lại những cái cổ xưa, nhưng là làm sao cho tính cách dân tộc được diễn tả trong lời kinh tiếng hát, trong cử hành Phụng vụ, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong suy tư và ngôn ngữ thần học”; Thư chung của Đại hội lần thứ X khẳng định: “Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống đấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chỉ của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam”…

Bắt nguồn từ đường hướng đó, người Công giáo Việt Nam đã xác tín là người công dân của đất nước với nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng, tham gia hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như nội dung của Đại hội lần thứ VIII Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra: “Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc; đồng cảm, chia sẻ hy vọng và thăng tiến con người; Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người được sống và sống dồi dào”.

Đường hướng đối thoại và đồng hành cùng dân tộc của giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp tục được bồi bổ bởi Huấn từ của Giáo hoàng Benedicto XVI nhân dịp các Giám mục Việt Nam đi Ad Limina năm 2009. Giáo hoàng Benedicto đã nhắc lại tinh thần Thư chung 1980 trong Huấn từ “Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhấn mạnh Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, bằng cách đem đến sự khác biệt của mình loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô – Giáo hội đã đóng góp vào sự phát triển tinh thần và nhân cách của các cá nhân, đồng thời cũng đóng góp vào sự phát triển đất nước. Tham gia vào quá trình này là một nghĩa vụ và một đóng góp quan trọng, nhất là trong khi Việt Nam đang dần dần rộng mở với cộng đồng quốc tế”.

Giáo hoàng căn dặn Giáo hội Công giáo tại Việt Nam: “Giáo hội hoàn toàn không tìm cách thay thế vai trò của chính quyền mà chỉ mong muốn trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng, có một vị trí thích đáng trong cuộc sống của đất nước, vì lợi ích của toàn dân”. Cũng trong năm 2009, Giáo hoàng Benedicto đã gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam Sứ điệp nhân dịp khai mạc Năm Thánh. Sứ điệp khẳng định: “Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại.

Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và anh em đồng bào và xin mọi người tha thứ. Đồng thời chúng ta nên quyết tâm đào sâu và phong phú hóa sự hiệp thông trong giáo hội và xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng, bằng con đường đối thoại chính thức, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cách lành mạnh với nhau” - Sứ điệp tiếp tục cổ vũ tinh thần hòa hợp, hòa giải, khẳng định Giáo hội là một bộ phận của dân tộc Việt Nam…

Trên nền tảng Thư chung 1980, Huấn từ và Sứ điệp của Giáo hoàng Benedicto XVI, Đại hội Dân Chúa (hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong dịp cử hành Năm Thánh) đã ra Sứ điệp kêu gọi người Công giáo dấn thân vào các hoạt động vì hạnh phúc của đồng bào trong hoàn cảnh mới: “Tiếp nối công trình của cha ông, Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa xã hội cũng như kinh tế, chính trị”; “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm”; “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Rõ ràng, cùng với những đổi mới tích cực và tiến bộ của đất nước, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam đã thực sự cách tân theo tinh thần của Công đồng Vatican II, đồng hành cùng dân tộc bằng những bước đi cơ bản từ khẳng định vị thế của giáo hội và trách nhiệm của giáo dân đối với đất nước; cùng với các thành phần trong xã hội đồng cảm chia sẻ với người nghèo, người bất hạnh đến việc hội nhập những giá trị đạo đức văn hóa của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”…


Thành Chung - Khánh Ly