Quýt Jeju lần đầu tiên được trồng tại Nghệ An đạt năng suất gần 12 tấn/ha
(Baonghean.vn) - Sau 36 tháng trồng, quýt Jeju bước đầu cho thấy khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu tỉnh Nghệ An và đã cho lứa quả ổn định đầu tiên. Hiện các đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để công nhận giống chính thức trong thời gian tới.
25/12/2020 - 18:29
Chiều 25/12, tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Sở Khoa học và Công Nghệ đã tổ chức Hội thảo "Đánh giá kết quả khảo nghiệm giống quýt Jeju tại Nghệ An và bàn giải pháp nhân rộng mô hình". Tham dự có đại diện Trung tâm Khảo nghiệm giống Quốc gia, lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ, Viện Khoa học Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Sở NN & PTNT, Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Phủ Quỳ và các huyện lân cận. Ảnh: Nhật Lân Quýt Jeju còn được gọi là Jeju Hallabong (đặc sản của đảo Jeju). Đảo Jeju là hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc và cũng là tỉnh nhỏ nhất của Hàn Quốc. Giống quýt này được Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Phủ Quỳ mang về khảo nghiệm tại Nghệ An với diện tích 3ha tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân Ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Phủ Quỳ cho biết: "Đây là giống quýt lần đầu tiên được khảo nghiệm tại Nghệ An, được trồng tại vùng đất đỏ bazan xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, quá trình phát triển cho thấy giống quýt này thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại nơi đây và công ty sẽ tiếp tục khảo nghiệm, nhân rộng giống cây này trong thời gian tới". Ảnh: Nhật Lân Quýt Jeju sinh trưởng rất mạnh, chiều cao sau 36 tháng sau trồng cây đạt từ 281,2cm đến 304,3 cm. Đường kính tán từ 264 cm đến 300 cm. Trong ảnh: Những cây quýt Jeju được chăm sóc tỉ mỉ từng khâu hiện đã cho bội quả. Ảnh: Quang An Sau 36 tháng trồng, quýt Jeju sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện tại huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An, cây lớn nhanh, bộ tán lá khỏe, đường kính gốc lớn và bộ rễ phát triển mạnh, khả năng phân cành và tán lá mạnh. Mô hình trồng quýt Jeju đã cho thu hoạch sản phẩm và dự kiến năng suất lý thuyết đạt 11,46 tấn/ha/vụ. Ảnh: Quang An Mặc dù vậy, quýt Jeju là cây ăn quả có múi, thường dễ bị các loại sâu bệnh phá hại như sâu vẽ bùa, nhện đỏ và bệnh thối rễ. Vì vậy, cần chú ý phòng trừ tốt các loại sâu bệnh trên cây quýt và giữ bộ lá để quýt Jeju sinh trưởng và phát triển mạnh. Ảnh: Quang An Hiện nay, sau 36 tháng trồng cây quýt Jeju bước đầu cho thấy khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu tỉnh Nghệ An và đã cho lứa quả ổn định đầu tiên. Vì vậy, phía công ty mong muốn các sở, ngành hỗ trợ công nhận giống, là cây trồng chính thức của tỉnh Nghệ An. Thời gian tới công ty sẽ tiến hành bảo hộ thương hiệu giống quýt này. Ảnh: Quang An Sau khi khảo nghiệm tại vườn, các đại biểu đã họp bàn và thống nhất các bước phát triển, nhân rộng giống quýt này trong thời gian tới. Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho biết, Sở sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phía công ty hoàn thiện hồ sơ để công nhận giống trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, phía công ty cần xây dựng hệ thống vườn giống và tiếp tục trồng thử nghiệm mở rộng giống quýt chất lượng này. Ảnh: Quang An