Đó là một sự cố không hiếm gặp, một câu chuyện như bao chuyện khác của làng bóng đá, nhưng lớn hơn rất nhiều, ý nghĩa hơn rất nhiều so với sự bình lặng hay ồn ào của những trận đấu thắng-thua thông thường.
Trước hết, ai cũng khâm phục vai trò của đội trưởng Đan Mạch S. Kjaer khi cầu thủ này nhanh trí xử lý sự cố nhờ kinh nghiệm thực tế trước khi có đội ngũ y tế chuyên nghiệp vào cuộc. Sau đó là hành động đến với người nhà của Eriksen, cùng đồng đội che chắn, hỗ trợ để mọi việc được thực hiện nhanh nhất, khoa học nhất, hiệu quả nhất trước sự sống còn của người đồng đội, của hình ảnh cá nhân trước sự vô tình, thái quá có thể của truyền thông…
Rõ ràng, bóng đá lúc đó chỉ còn là bóng đá đơn thuần, thắng hay thua không còn là vấn đề quan trọng nữa (Đan Mạch hôm đó thua Phần Lan 0-1, trận tiếp theo lại thua Bỉ 1-2!) mà sự sống của một con người, người bình thường cũng như ngôi sao, là quan trọng hơn hết thảy. Đội trưởng S. Kjaer cũng như toàn bộ đội tuyển Đan Mạch, đội Phần Lan, ban tổ chức sân, toàn bộ khán giả trên sân đều một lòng hướng về điều cốt lõi, sống còn đó để bình tĩnh, tự tin xử lý sự cố, bảo vệ bằng được sự sống, hình ảnh cá nhân Eriksen và họ đã làm được tất cả, chiến thắng tất cả vì một cá nhân, một con người.
Toàn thế giới xúc động, cảm phục và học được rất nhiều từ sự cố, sự kiện đó. Để thấy rằng, bóng đá là môn thể thao vua, một giải đấu lớn như EURO sẽ thu hút rất đông khán giả theo dõi và là nguồn lợi khổng lồ đem lại cho tổ chức và cá nhân, trong đó có các tuyển thủ.
Nhưng tất cả, tất cả không được phép đặt lên trên số phận một con người. Trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mọi người là phải làm tất cả, tất cả để bảo vệ tốt nhất cho mỗi một con người, nhất là cầu thủ thi đấu trên sân cũng như trong cuộc sống bình thường. Đó chắc chắn là điều lớn hơn bóng đá mà sau sự cố đối với Eriksen, thế giới bóng đá phải thuộc nằm lòng!
Sự cố đối với Eriksen, tất nhiên là “nặng” nhất trong các loại sự cố liên quan đến sức khỏe cầu thủ, có thể ngay lập tức “loại” cầu thủ ra sân vĩnh viễn hoặc tạm thời. Trường hợp tiếp theo cần nói đến là chấn thương nặng của L. Spinazzola, hậu vệ người Italia trong trận đấu gặp đội tuyển Bỉ ở tứ kết Euro 2020, khiến Italia mất đi một cầu thủ xuất sắc bên cánh trái và cái chính là cầu thủ này buộc phải khép lại một kỳ EURO đáng nhớ giữa chừng, hơn nữa còn phải điều trị chấn thương ít nhất trong vòng 6 tháng. Nước mắt đã lăn trên má không chỉ một mà nhiều người đàn ông.
Nhưng cũng như từ sự cố của Eriksen, đội tuyển Đan Mạch đã đoàn kết đứng lên để vào tận bán kết EURO và chỉ chịu thua oan uổng bởi một tình huống penalty tranh cãi. Đội tuyển Italia cũng không chịu thua kém bất kỳ ai khi chính Spinazzola trên giường bệnh cũng ngồi dậy hát vang quốc ca Italia, tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội, hệt như khi anh còn thi đấu ở những trận đấu đã qua.
Italia vững vàng đi đến trận chung kết và người Italia không quên mang theo cả chiến binh Spinazzola đến sân Wembley để trực tiếp cổ vũ, reo hò, hát vang những khúc ca quen thuộc, không thể thiếu, vốn luôn bùng cháy trong mỗi nhịp đập hướng về chiến thắng.
Hình ảnh kỳ diệu nhất, ấn tượng nhất là Spinazzola hai tay chống nạng, môi mắt rạng rỡ dẫn đầu các chiến binh Italia khập khiễng bước lên bục đón nhận vinh quang chiến thắng. Tại sao Spinazzola là người đầu tiên mà không phải là một cầu thủ khác? Câu trả lời chỉ có thể là có được chiến thắng cuối cùng có công sức, mồ hôi, nước mắt và máu của bao người, trong đó có Spinazzola đã hy sinh cá nhân mình cho tập thể nhiều hơn hết thảy và anh hoàn toàn xứng đáng là chiến binh xung kích đi đầu.
Hình ảnh Spinazzola trong đôi nạng gỗ bước đi trong hào quang chiến thắng sẽ là biểu tượng đẹp cho tinh thần chiến đấu và chiến thắng để đoạt Cúp vàng.
Để có Cúp vàng chính là tinh thần đoàn kết, vượt lên khó khăn, mất mát vì thắng lợi cuối cùng. Đội tuyển Italia, trong thời khắc khó khăn hay vinh quang nào cũng không bỏ quên bất cứ ai trong hàng ngũ cũng như buộc phải rời hàng ngũ. Phẩm chất “vàng mười” đó của người Italia vì thế càng đáng quý, đáng nói trên cả Cúp vàng mà họ vừa đoạt được đầy xứng đáng.,.