Chuyện 2 nhà cầm quân
Đội tuyển Ý dưới thời HLV Mancini chỉ chơi duy nhất sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 để bước lên ngôi vô địch Euro 2020 và lập kỷ lục 34 trận bất bại trong sự kính phúc của cả châu Âu. Nhưng ít ai biết đến ông thầy người Ý đã có 2 lần, thay 5 trong 6 cầu thủ ở hàng tiền đạo và tiền vệ. Chỉ có tiền vệ trung tâm Jorginho đang đá cho nhà vô địch Champions League là cầu thủ không thể thay thế.
Vẫn là sơ đồ chiến thuật được cho là tương đối thịnh hành ở sân cỏ châu Âu nhưng D.Berardi, F.Bernardeschi, A.Belotti vào sân thế trận, lối đá của đội bóng màu áo Thiên Thanh khác với C.Immobile, L.Insigne, F.Chiesa. Vào sân trong đội hình xuất phát, C.Immobile đá trung phong cắm có khả năng thi đấu độc lập, qua bóng 2,3 hậu vệ nhưng lại không dùng nhiều miếng cài người, xoay xở trong phạm vi hẹp, bóng chậm như D.Berardi. Ngay cả lối đá của các tiền vệ biên của đội tuyển Ý cũng có nhiều khác biệt. M.Verratti thiên về cầm bóng, thu hút cầu thủ đối phương để tỉa bóng thì Locatllie lại mạnh trong các pha xử lý đi bóng tốc độ.
Tài năng của HLV Mancini là nhìn vào thế trận trên sân để dùng người và thực tế trên sân Wembly thì ông cao tay hơn người đồng nghiệp bên đội tuyển Anh rất nhiều. Đá sân khách, thua sớm mà vẫn xoay chuyển thế trận áp đảo thì ngoài HLV Mancini, không nhiều người làm được.
Trong khi đó, HLV Southgate lại khác, trong 7 trận đấu tại Euro 2020, có 2 trận đấu quan trọng trước đối thủ kỵ giờ Đức và trận chung kết đội tuyển Anh chơi với sơ đồ 3-4-3. Thực tế, với 26 cầu thủ hiện có trong tay, HLV Southgate có thể bố trí nhiều sơ đồ khác nhau. Southgate dùng đúng miếng đánh của người Đức để đối chọi lại với Joachim Löw, bởi ông tin các cầu thủ đá biên của mình trình độ cao hơn, ắt sẽ thắng.
Trong trận chung kết, HLV Southgate chỉ đạo khoét vào điểm yếu nơi cánh trái của đội tuyển Ý rồi bất ngờ lật sang bên phải để L.Shaw ghi bàn. Kịch bản đã diễn đúng thế, chỉ tiếc là khi HLV Mancini xoay bàn, ông lại vội vàng trở về sơ đồ 4-2-3-1 mà 2 “máy ủi” D.Rice và K.Phillips không thể đối chọi lại được người Ý để mất dần thế trận.
Chuyện trong nhà
Trở lại câu chuyện SLNA, lịch sử hơn 40 năm của đội bóng xứ Nghệ chủ yếu chỉ sử dụng 2 loại đội hình 3-5-2 (thời HLV Thành Vinh) và 4-4-2 như hiện nay. Trung vệ Hữu Thắng nổi lên bên cánh trái trong màu áo SLNA khi cùng Thành Long, Văn Lưu trong sơ đồ 3 hậu vệ.
Khi ngoại binh đổ bộ vào sân cỏ Việt Nam thì nhiều đội bóng trong đó có SLNA, chuyển sang sơ đồ 4 hậu vệ, khi cần bảo vệ tỷ số thì biến đổi về 4-5-1 bằng cách yêu cầu một trung phong đá lùi thấp. Olaha chính là trung phong đá lùi, xứng đánh với danh hiệu không chính thức “trung phong có khả năng phòng ngự tốt nhất V.League”.
Việc từ các đội trẻ đến đội 1 của SLNA đều chơi với sơ đồ này mặt tích cực là các cầu thủ hòa nhập nhanh. Nhưng mặt trái, sự đơn điệu về mặt chiến thuật, lại không có các quân bài dự bị làm mới lối đá 4-4-2 như đội tuyển Ý khiến cho SLNA dễ bắt bài. Ngoại trừ vài đội bóng thích chơi đôi công như HAGL, Sài Gòn FC khi đến sân Vinh, mặt cỏ xấu, thời tiết không ủng hộ sẽ gặp khó khăn. Các đội bóng được đánh giá yếu hơn, thường xuyên có mặt ở các cuộc đua trụ hạng như Nam Định, Thanh Hóa, S.Khánh Hòa đều không gặp khó khăn khi gặp SLNA, bất luận sân khách và sân nhà.
So với Đức Thắng, Quang Trường thì HLV Huy Hoàng có được những quyết định chuyên môn “liều lĩnh” hơn, cơ chế quản lý thời Tân Long cũng cho nhà cầm quân trẻ này thực hiện điều đó. Không hiểu đã xem Euro 2020, Huy Hoàng và BHL SLNA ngoài việc làm mới đội hình có nghĩ đến việc cách tân lối đá không?