Trong 2 ngày 26 - 27/2, hơn 1.500 công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên (KCN Nam Giang, huyện Nam Đàn) đã đình công để phản đối một số chính sách của công ty này.
Vì sao công nhân đình công?
Công ty TNHH Haivina Kim Liên chuyên sản xuất may mặc xuất khẩu, công ty hiện có hơn 3.000 lao động. Cho rằng công ty chưa quan tâm quyền lợi người lao động, nâng lương nhưng lại cắt giảm các khoản hỗ trợ khác, điều kiện làm việc không đảm bảo,… nhiều công nhân của công ty này ngừng việc tập thể, tập trung trong khuôn viên công ty để yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết các quyền lợi cho người lao động.
Lý do công nhân ngừng việc tập thể là để đòi các quyền lợi, chế độ mà họ kiến nghị nhiều lần nhưng công ty giải quyết chưa thỏa đáng. Cụ thể có 24 vấn đề được công nhân nhà máy yêu cầu phía công ty giải đáp. Đó là kiến nghị về tăng lương cơ bản theo nhà nước quy định; tăng lương định kỳ cho người lao động; không được giảm phụ cấp vùng 300.000 đồng/tháng; tăng phụ cấp độc hại, xăng xe, nhà ở; phụ cấp thâm niên; định mức khoán sản phẩm cao đối với phụ nữ mang bầu; quản lý thường xuyên có hành vi chửi mắng công nhân; về chế độ bảo hộ lao động, nghỉ phép, môi trường làm việc; không được bắt buộc công nhân ở lại làm thêm khi hết giờ làm…
Một công nhân làm ở bộ phận Sonic (bộ phận in sơn) cho rằng, chị thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại như sơn, xăng, mực in nhưng điều kiện làm việc không đảm bảo, phụ cấp độc hại chỉ được 150.000 đồng/tháng. Vì thế, chị đề nghị công ty tăng thêm phụ cấp độc hại và cải thiện điều kiện làm việc.
Nhiều vấn đề có lợi cho người lao động được thỏa thuận
Trưởng ban Chính sách - Pháp luật của LĐLĐ tỉnh Hoàng Thu Hương cho biết: Sau khi xảy ra sự việc, công đoàn tỉnh, huyện cùng các cơ quan chức năng đã làm việc với chủ sử dụng lao động và bước đầu đã thỏa thuận được một số yêu cầu chính đáng của người lao động.
Theo biên bản cuộc họp thỏa thuận tập thể giữa người sử dụng lao động là Công ty TNHH Haivina Kim Liên, đại diện công đoàn công ty, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn huyện Nam đàn và Công an tỉnh thống nhất một số nội dung gồm:
Tăng lương cơ bản theo nhà nước quy định vùng 4 là 2.920.000 đồng + 5% độc hại + 7% qua đào tạo = 3.280.620 đồng; nâng bậc lương theo định kỳ cho người lao động theo lộ trình 3 năm/lần với mức tăng 5%; các khoản phụ cấp xăng xe, nhà ở giữ nguyên, cứ mỗi năm sẽ được tăng 20 nghìn đồng cho thợ phụ và 30 nghìn đồng cho thợ chính; Phụ cấp chuyên cần 200.000 cho thợ may và 180.000 cho các đối tượng còn lại, phụ cấp 330.000 cho thợ may và 270.000 cho các đối tượng còn lại.
Vấn đề tăng tiền độc hại (phụ cấp môi trường): Công ty vẫn giữ nguyên mức là 150.000 đồng/người/tháng cho bộ phận sonic (công ty đã tính 5% độc hại vào lương cơ bản cho toàn bộ người lao động), nếu người lao động muốn chuyển sang bộ phận khác thì công ty sẽ điều chuyển.
Không cắt giảm tiền phụ cấp: Công ty đồng thời giữ nguyên các khoản phụ cấp đã từng chi trả; ngoài ra còn nâng bậc lương theo định kỳ 3 năm/lần với mức 5%.
Phân biệt phụ cấp giữa công nhân in chính và phụ in: Công ty sẽ tiến hành phân loại phụ cấp kỹ năng của công nhân in chính và phụ in để thực hiện chi trả phụ cấp một cách phù hợp nhất;
Về vấn đề không bắt buộc công nhân ở lại làm thêm khi hết giờ làm: Sau 15 phút tan ca, công ty sẽ cho tắt toàn bộ hệ thống điện. Nếu quản lý nào yêu cầu làm sẽ xử lý nghiêm ngặt; không bắt công nhân làm việc vào buổi trưa và giờ tan ca, làm thêm giờ. Công ty cũng đề nghị công nhân gửi thư vào thùng thư góp ý chỉ đích danh những quản lý ép công nhân để công ty có biện pháp xử lý thỏa đáng, nghiêm cấm các quản lý mắng chửi công nhân và xử lý nghiêm nếu công nhân chỉ đích danh.
Về nội dung làm việc 6 năm vẫn ăn lương tay nghề bậc 10, định mức cho phụ nữ mang thai công ty sẽ kiểm tra, đưa ra định mức và xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể...
Đến cuối buổi chiều 27/2, người lao động và lãnh đạo công ty đã đạt được các thỏa thuận.
Sáng 28/2, người lao động cam kết quay trở lại làm việc bình thường.