Doanh nghiệp giữ chân lao động
Những ngày này, không khí sản xuất tại Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan rất nhộn nhịp.Ông Phan Xuân Hợi - Phó Giám đốc công ty cho hay, từ ngày mồng 5 Tết công nhân đã vào ca sản xuất. Công ty có 930 lao động, khác với mọi năm, năm nay biến động sau Tết ít, đến thời điểm này vắng chưa đến 30 người. Năm nay, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu đạt sản lượng 18.000 tấn sợi, doanh số 1.100 tỷ đồng; tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước.
Để đạt mục tiêu, một trong những giải pháp quan trọng mà lãnh đạo doanh nghiệp đề ra là tiếp tục đào tạo, tuyển dụng và có nhiều biện pháp đảm bảo thu nhập cho người lao động, để người lao động yên tâm gắn bó với nhà máy.
Tập đoàn may Minh Anh có 4.000 lao động, trong đó: Minh Anh - Kim Liên 1,8 nghìn lao động; Minh Anh - Đô Lương: 2,4 nghìn lao động; hết Quý I năm 2019 khi giai đoạn II đi vào vận hành sẽ tuyển thêm 5.000 lao động. Hiện nay, Tập đoàn may Minh Anh đang tiến hành đầu tư xây dựng trên diện tích 9 ha tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng; sau khi dự án đi vào hoạt động công ty sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.500 lao động. Tập đoàn này cam kết sẽ bố trí việc làm tại nhà máy cho con em các hộ trong diện thu hồi đất để đầu tư xây dựng nhà máy. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động của Tập đoàn là rất lớn.
Dệt may duy trì sức hút
Nhờ lợi thế về đất đai và nguồn nhân lực sẵn có, dệt may hiện đang là một trong những thế mạnh về thu hút đầu tư của Nghệ An. Trong thời gian ngắn, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực này.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án may được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động chủ yếu ở nông thôn. Các cơ sở, nhà máy may tập trung và phát triển trong thời gian qua tại TP. Vinh, TX. Thái Hòa, TX. Hoàng Mai, trung tâm các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn… Theo đánh giá của các chủ doanh nghiệp, trình độ tay nghề, ý thức của công nhân và năng suất lao động đã được nâng lên đáng kể, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… Đã giải được bài toán lao động dư thừa, lao động nông thôn có cơ hội "ly nông bất ly hương", làm thay đổi bộ mặt kinh tế vùng nông thôn.
Với tiềm năng về thị trường và sức hấp dẫn về nguồn nhân lực sẵn có, hạ tầng giao thông cảng biển tương đối thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu cùng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, ngành dệt may Nghệ An phát triển khá mạnh; đã thu hút nhiều nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước như: Hanosimex, Vinatex, Venture (Hà Lan), Tập đoàn Hyujin, KIDO (Hàn Quốc)... Với các dây chuyền sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu quy mô lớn như: Nhà máy may Havina Kim Liên có gần 4.000 công nhân; Nhà máy may Prex Vinh (Đô Lương) 3.000 công nhân, Chi nhánh Hanosimex Nam Đàn 1.500 công nhân...
Năm 2018, nhóm hàng dệt may tiếp tục xếp ở vị trí dẫn đầu, đạt 188,68 triệu USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ lệ 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong những năm tới, nhóm hàng dệt may tiếp tục được xác định là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Trong quy hoạch phát triển, giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng các dự án hiện có. Ngoài ra, phát triển cụm sản xuất sợi, dệt tập trung tại các KCN, CCN đã có hạ tầng, thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành may và các thiết bị phụ tùng cơ khí cho ngành dệt may tại KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An, KCN Thọ Lộc, KCN Đô thị và Dịch vụ Hemaraj,…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may chưa phát triển. Đến nay có 2 cơ sở sản xuất: Nhà máy sợi Vinh (quy mô 10.000 - 15.000 tấn sợi các loại/năm) phục vụ cho ngành dệt toàn quốc và 1 cơ sở thêu (CCN Lạc Sơn, Đô Lương) quy mô lao động 150 - 200 người, thêu các phụ kiện cho các nhà máy may của các Công ty Havina Kim Liên và Công ty TNHH Prex Vinh. Vì thế, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thu hút vào lĩnh vực này.
“Hàng dệt may xu thế chuyển dịch về Nghệ An tạo việc làm cho người lao động nông nhàn và tăng giá trị xuất khẩu, nhưng tương lai nguồn lao động đủ để đáp ứng cho các doanh nghiệp là vấn đề nan giải. Đây là một vấn đề mà các sở, ngành, trung tâm việc làm, các trường đào tạo nghề cần quan tâm nâng cao chất lượng, số lượng đào tạo công nhân nghề may công nghiệp cho người lao động tỉnh nhà, đặc biệt là mở thêm các khóa học đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật ngành may có trình độ đại học, cao đẳng để có nguồn cung cấp tại chỗ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”- lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Nghệ An lo lắng.
Với thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện nay nhiều nhà đầu tư đã chọn Nghệ An làm nơi “gửi vàng”.
Tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư mới đây, trong số 13 dự án trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư, dệt may tiếp tục có nhiều dự án được trao. Đó là: Dự án dệt may Vinhtech do Công ty Royal Pagoda Private Limited, Singapore đầu tư với tổng vốn 4.649 tỷ đồng; Dự án Nhà máy may xuất khẩu của Công ty CP Nam Thuận Nghệ An tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu có tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc Delta Vinh của Công ty TNHH may mặc Delta Vinh tại KCN VSIP có tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Công ty CP may Halotexco của Công ty CP Halotexco tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc có tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều dự án ký thỏa thuận đầu tư: Dự án Nhà máy may Minh Anh Tân Kỳ của Công ty CP Tập đoàn Minh Anh tại huyện Tân Kỳ có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án Trung tâm thiết kế thời trang, phát triển phân phối và sản xuất hàng may mặc của Công ty TNHH Đầu tư Vietsun Hoàng Mai tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; Dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu của Công ty Foremart Corporation (Hàn Quốc) tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu có tổng mức đầu tư 139 tỷ đồng.
Như vậy, thời gian tới, Nghệ An sẽ có nhiều nhà máy may mọc lên nên cạnh tranh trong tuyển dụng lao động là vấn đề đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp cần nhiều lao động như lĩnh vực dệt may. Vì thế, để đảm bảo phát triển ổn định, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp đầu tư đồng bộ về hạ tầng; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: nhà trẻ, trường mầm non, bếp ăn tập thể và nhà ở, bảo đảm ổn định cuộc sống và sinh hoạt cho công nhân, nhằm giữ chân người lao động. Có như vậy, công nhân mới yên tâm bám nhà máy và doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển bền vững.