Hiện 22 sân bay cả nước có khoảng 3.500 chuyến bay cất hạ cánh mỗi ngày. Trong đó có bốn hãng hàng không dân dụng, khai thác tổng cộng 220 chiếc máy bay. Dự kiến trong quý I-2019 hàng không trong nước sẽ có thêm 20 máy bay. Các chuyên gia hàng không nhận định tốc độ phát triển ngành hàng không đang nóng, theo đó các hãng hàng không đang thiếu hụt phi công.
Cần ba năm để đào tạo được một phi công
Cụ thể, trong đề án đánh giá tác động của Vietnam Airlines (VNA) năm 2018 cho thấy số lượng phi công trong năm 2018 của hãng là 1.100 người. Dự báo sang năm 2019 là 1.293 người, đến năm 2020 nhu cầu tăng lên 1.340 người và đến năm 2025 sẽ cần đến 1.570 người.
Hãng này cũng thừa nhận đối với đội bay thân rộng A350 hiện không có nguồn tuyển dụng, còn nguồn từ các đội bay khác dùng để huấn luyện đã cạn kiệt. Với đội bay A321, hãng chưa tuyển bổ sung được. Trong khi nguồn phi công nước ngoài hạn chế, do nguồn lực này ưu tiên chọn các hãng hàng không châu Á khác.
Tuy nhiên, vị đại diện này cho rằng tuyển được phi công đã khó nhưng không vì thế mà đốt cháy giai đoạn được. Ngay cả những phi công phụ cũng rất quan trọng, nếu không có lái phụ sẽ kéo theo thiếu nguồn để phát triển lên phi công chính. Bởi nguồn lái chính là từ lái phụ có kinh nghiệm đi lên.
“Nếu đào tạo được 300 phi công nội để lấp chỗ phi công ngoại thì cần ít nhất ba năm để đào tạo ra nguồn phi công chính, số này chưa tính phi công đến tuổi hưu hoặc nhảy việc. Như vậy, nếu tính cả hai yếu tố này thì sẽ dồn lên số phi công cần bổ sung mới” - vị phụ trách công tác nhân lực VNA tính toán.
Thị trường cạnh tranh cao
Vị phụ trách công tác nhân lực VNA khẳng định họ luôn chủ động về thế hệ phi công kế cận, trong đó dự trù phương án phi công nhảy việc do lực hút của thị trường lao động này khá cạnh tranh. Đúng hơn là thị trường lao động trong lĩnh vực này luôn biến động, tỉ lệ nhảy việc của phi công những năm gần đây tăng cao do các hãng hàng không mở nhiều đường bay mới.
PV đặt câu hỏi hiện tại thị trường hàng không thiếu phi công ở dòng máy bay nào nhất. Vị này cho hay thực tế VNA không thiếu phi công máy bay thân rộng như B787 và A350 để bay các chặng dài mà thiếu phi công dòng máy bay thân hẹp A321. Bởi chuyến bay đường dài ngốn phi công nên hãng chủ động dồn lực lượng cho chặng bay này trước. Còn tuyến ngắn, thường là phi công trẻ đào tạo ở nước ngoài về, được VNA tiếp tục đào tạo, họ sẽ có trải nghiệm, tăng cường bản lĩnh máy bay thân hẹp, tích lũy kinh nghiệm để lên cơ trưởng, điều khiển máy bay lớn.
Một đại diện của hãng Jetstar Pacific nhìn nhận việc tuyển phi công không dễ dàng như các nguồn lực lao động khác vì thời gian để đào tạo ra một phi công chính rất tốn kém, mất nhiều thời gian trong khi các hãng hàng không khác đều mạnh, sức cạnh tranh rất lớn. Riêng đối với đội ngũ phi công của hãng hiện có đã bố trí cho kế hoạch khai thác ổn định. Tuy nhiên, về lâu về dài hãng phải đào tạo, bổ sung phi công mới có thể đáp ứng nhu cầu khai thác ngày càng nhiều.
Về “tân binh” Bamboo Airways, đội bay hiện có vẫn còn khiêm tốn so với các hãng nội địa còn lại, tuy nhiên theo lộ trình, hãng này có kế hoạch mở các đường bay quốc tế. Cùng đó, hãng này đang thỏa thuận mua thêm 44 máy bay bao gồm dòng thân hẹp và máy bay thân rộng đưa vào khai thác trong tương lai. Theo đó, để đáp ứng đội ngũ phi công, hãng phải đào tạo, thuê hoặc tuyển dụng thêm. Về đội ngũ phi công, đại diện hãng này thông tin hiện hãng vẫn liên tục để trạng thái tuyển dụng cơ trưởng, cơ phó và đội ngũ tiếp viên, nhân viên.
Còn hãng VietJet Air, trên website của hãng vẫn để chế độ tuyển đào tạo học viên cơ bản cả nam lẫn nữ, học viên phi công chuyển loại A320. Đồng thời, hãng này cũng thông báo tuyển phi công gia nhập đội bay của VietJet Air.