(Baonghean.vn) - Đó thông tin được lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đưa ra tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh với huyện Quỳ Hợp chiều 16/3.
Đồng chí Nguyễn Đình Tùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết năm 2016, do suy thoái kinh tế, sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp bị giảm sút (có 227/477 doanh nghiệp dừng sản xuất hoặc giải thể, có trên 118 doanh nghiệp nợ đọng thuế do hàng tồn kho nhiều). Quỳ Hợp hiện có 20 công trình xây dựng dở dang, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nợ XDCB 128 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác được nghe báo cáo đặc điểm tình hình, những thuận lợi và khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội Quỳ Hợp năm 2016 và quý 1 năm 2017, một số vấn đề dư luận quan tâm trên địa bàn huyện thời gian vừa qua; kết quả thực hiện Kết luận số 432-KL/TU ngày 07/10/2016 của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về 7 nhiệm vụ mà đồng chí giao khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp.
Quỳ Hợp chịu áp lực rất lớn của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp suy giảm, sản lượng của một số sản phẩm chủ lực giảm như: thiếc, đường. Nợ đọng thuế còn cao (gần 30 tỷ đồng).
Một số công trình trọng điểm thiếu vốn và thi công kéo dài, nợ đầu tư XDCB còn lớn. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án khó khăn, vướng mắc kéo dài như dự án Bãi xử lý rác thải, Dự án Thủy lợi, Thủy điện Bản Mồng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, nhất là vụ vỡ đập chứa chất thải tại mỏ thiếc Suối Bắc, xã Châu Thành của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh làm cá chết, lúa chết và ô nhiễm môi trường nước.
Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, toàn dân và các doanh nghiệp, nên việc thực hiện nhiệm vụ năm 2016 vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng được đảm bảo; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống, vật chất, tinh thần nhân dân tiếp tục nâng lên.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác được nghe 5 ý kiến đề xuất, kiến nghị của huyện. Trong đó đáng chú ý là đề nghị điều chuyển quy hoạch khu công nghiệp Sông Dinh, thay đổi địa điểm khỏi xã Minh Hợp vì diện tích đất được quy hoạch là vùng đất thuận tiện cho trồng cây cam hàng hóa cho giá trị cao.
Huyện đề nghị hỗ trợ kinh phí từ nguồn thu phí môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản để khắc phục hậu quả do khai thác, chế biến khoáng sản gây ra. Hỗ trợ kinh phí để hoàn thành công trình điện xóm Bãi Kè, xã Đồng Hợp; cho chủ trương và bố trí kinh phí xây dựng cầu Tam Liên, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp bắc qua Sông Dinh. Cần có cơ chế khoanh nuôi bảo vệ rừng phù hợp; cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi cây cao su kém hiệu quả sang trồng cam; xây dựng dựng đập và cải tạo đập để khống chế nguồn nước theo tiểu khu vực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có ý kiến về kinh tế - xã hội Quỳ Hợp, có ý kiến về những kiến nghị và đề xuất của huyện. Trong đó, đáng chú ý có ý kiến của ông Hồ Ngọc Bảo – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam trả lời về ý kiến đề nghị điều chuyển quy hoạch khu công nghiệp sông Dinh.
Ông Hồ Ngọc Bảo cho rằng các cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp còn manh mún, ở gần các khe suối đầu nguồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì vậy cần đưa các cơ sở sản xuất và chế biến tập trung tại các khu quy hoạch. Nhiều ý kiến góp ý về các tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp của huyện Quỳ Hợp, trong đó có các ý kiến về sự cần thiết phải giữ vững thương hiệu và phát triển hiệu quả kinh tế cây cam trên địa bàn, về xây dựng nông thôn mới, về chăm sóc và chữa bệnh cho người dân, về tăng cường chất lượng giáo dục...
Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận và ghi nhận những kết quả huyện Quỳ Hợp nỗ lực đạt được trong thời gian qua, lưu ý 7 hạn chế Quỳ Hợp cần khắc phục, giải đáp 5 kiến nghị đề xuất của huyện.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm: Quỳ Hợp cần chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2016 và quý I/2017. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm giải quyết tốt sự cố ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản; Chú trọng các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường; tập trung thực hiện các Nghị quyết, Đề án chuyên đề đã ban hành.
Huyện phải nỗ lực chỉ đạo sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư; quan tâm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cam, mía, cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, lợn. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng làng, bản nông thôn mới.
Tập trung giải quyết tốt các tranh chấp, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa dân với các Lâm trường, giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, đơn thư khiếu nại, tranh chấp kéo dài. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng có hiệu quả diện tích đất thu hồi từ các Lâm trường giao cho địa phương quản lý theo Thông tư 118.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Quỳ Hợp phải tăng cường tuyên truyền đẩy lùi các hạn chế, yếu kém trong tư tưởng, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại để sớm đưa Quỳ Hợp thành huyện mạnh, là cực tăng trưởng quan trọng của miền Tây Nghệ An.
Ngô Kiên