Đầu năm mới Canh Tý, chúng tôi có dịp đến thăm làng Men, xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn). Sau khi các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đất trời được hoàn thành, bà con người Thái ở làng Men cùng nhau tụ họp ở nhà văn hóa cộng đồng để vui hội. Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang như giục dã bước chân người già, người trẻ, như gọi mời bà con người Thổ, người Kinh ở những làng bên.
Người bản đến mỗi lúc một đông, ai cũng mang vẻ mặt phấn khởi và ngập tràn niềm tin, hy vọng. Tiếng cồng, chiêng mỗi lúc một ngân vang, người già, người trẻ cùng hòa mình trong điệu lăm vông. Các bà, các chị với bộ váy áo truyền thống cùng bước đi uyển chuyển, đôi tay nhịp nhàng đã làm nên vẻ quyến rũ của từng điệu múa, khiến khách xa không khỏi mê đắm, bồi hồi.
Lúc này, âm điệu khắc luống cũng được vang lên, tiếng chày gõ nhịp mỗi lúc một vang xa, vang xa… Với bà con người Thái, khắc luống là một loại nhạc cụ được tạo bởi hai vật dụng là cối (máng) và chày giã gạo. Những chiếc chày được gõ đồng loạt vào mép cối tạo nên sự cộng hưởng về âm thanh, góp phần tạo nên sự rộn ràng, náo nức của “dàn hợp xướng” gồm cồng chiêng, khèn, sáo…
Khắc luống thường được bà con người Thái tổ chức vào những ngày vui Tết, đón Xuân và hội làng, vì nó thể hiện tín ngưỡng phồn thực, dân bản gửi gắm ước vọng sinh sôi, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cháu con đuề huề.
Vì thế, trong cuộc vui đầu năm, những người phụ nữ làng Men đều dành ít nhất mấy phút để được gõ chày khắc luống với niềm hy vọng những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Cùng với khắc luống, bà con làng Men còn cùng nhau nhảy sạp – điệu dân vũ cổ truyền đặc sắc của dân tộc Thái. Điệu nhảy sạp đòi hỏi người chơi phải thật sự khéo léo, tinh tế trong từng cử chỉ, vừa dứt khoát, mạnh mẽ nhưng không kém phần uyển chuyển.
“Bà con người Thái ở làng Men, từ già đến trẻ ai cũng biết và rất thích nhảy sạp, hễ có cuộc vui là mọi người lại tụ hội. Vì lẽ, đạo cụ phục vụ cho nhảy sạp rất đơn giản, chỉ cần mấy cây nứa sắp xếp với nhau và một khoảng sân không quá lớn” – Trưởng bản Lương Xuân Mai cho biết.
Ngày hội vui Tết, đón Xuân ở làng Men mỗi lúc một rộn ràng, bà con các bản khác cũng tìm đến chung vui khiến cho không khí ở bản làng thêm phần sôi nổi, hào hứng.
Chị Lê Thị Quyên – cán bộ văn hóa xã Nghĩa Thọ cho biết: “Đã thành truyền thống, vào dịp Tết, sau khi thực hiện xong nghi lễ ở gia đình, bà con người Thái ở làng Men sẽ về nhà văn hóa cộng đồng và dâng lễ vật cầu mong một năm mới an vui, mạnh khỏe. Sau đó, mọi người bước vào cuộc vui, cùng nhau múa, hát và vui các trò chơi dân gian để thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó bản làng…”.
Từ xã Nghĩa Thọ, chúng tôi tiếp tục sang các xã Nghĩa Lợi và Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) để chứng kiến không khí vui mừng, phấn khởi trong những ngày đầu Xuân Canh Tý. Bà con người Thái, người Thổ nơi đây cũng đang náo nức vui hội với những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc cùng các môn thể thao, trò chơi truyền thống. Núi rừng và bản làng vùng “đất đỏ” như đang cựa mình trong tiếng nhạc ngân vang.
Và, không chỉ ở Nghĩa Đàn, đồng bào Thái, Thổ, Mông, Khơ mú và Ơ đu ở các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông… cũng đang đắm mình trong ngày hội Xuân. Có thể nói, Tết Nguyên đán là dịp để bà con được sống trong niềm vui trọn vẹn nhất, tạm gác bỏ mọi lo toan để đắm mình trong hương Xuân, tình Xuân đậm đà.