“Mắt thần” chốn tiền tiêu
Mặt trời vừa khuất sau ngọn núi Sơn Trà, con tàu 390 chở các thành viên Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân rúc lên hồi còi tạm biệt đất liền trước khi rời quân cảng Đà Nẵng và hướng về phía đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Hải trình chính thức được bắt đầu, niềm háo hức như tăng lên bội phần, vì lẽ đây là lần đầu tiên người viết được ra với biển xa trên con tàu hiện đại có lượng giãn nước lên tới 2.400 tấn.
Ánh đèn lung linh của Đà thành xa dần, xa dần, lúc này bắt đầu cảm nhận được sức mạnh của những con sóng trong ngày biển động, con tàu dập dềnh, lắc lư… Qua khe cửa, chỉ thấy một màu đen huyền bí.
Rạng sáng, từ đài chỉ huy phát thông báo tàu đã đến gần Cồn Cỏ, các thành viên chuẩn bị sẵn sàng để lên đảo chúc Tết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi đây. Chúng tôi lập tức lên boong tàu quan sát, phía trước là đảo Cồn Cỏ có dáng hình như con tàu chiến kiêu hãnh giữa biển khơi.
Trên đảo, lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ cao cao vút, rồi ngọn hải đăng, trạm ra đa, hệ thống cột phát sóng và những khu nhà nằm xem lẫn giữa đồi cây hoang sơ. Cảnh vật gợi lên một sức sống dạt dào, tất cả như đang reo vui và mời gọi.
Đặt chân lên Cồn Cỏ, dễ dàng nhận thấy cảm giác yên bình, tựa như bước đến một làng quê trung du với những mảnh vườn xanh mướt, những ngôi nhà khuất dưới rặng cây và bao con người mang nụ cười hiền hậu. Các tuyến đường chính trên đảo đã được rải nhựa, tuyến đường vòng quanh đảo cũng đã được nâng cấp để phát triển du lịch nên việc đi lại khá thuận lợi, dễ dàng.
Sau những cái bắt tay thật chặt, ông Trương Khắc Trưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: “Năm 2019, tổng thu ngân sách của huyện đạt hơn 29 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ du lịch gần 7,5 tỷ đồng, Cồn Cỏ đã và đang trở thành điểm khám phá lý tưởng cho du khách.
Đón Tết Nguyên đán Canh Tý, quân và dân nơi đây đã chuẩn bị sẵn sàng, từ lương thực, thực phẩm, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao. Các lực lượng làm nhiệm vụ cũng đã xây dựng kế hoạch trực chiến, đảm bảo không để xảy ra tình huống bất ngờ”.
Chúng tôi tranh thủ ghé Trạm Ra đa 540 (Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) nằm trên đỉnh đồi cao nhất đảo Cồn Cỏ. Ở nơi tưởng như khô cằn nắng cháy này cây cối lại rất đỗi xanh tươi, những cây chuối, cây chanh hoa trái trĩu cành điểm tô cho nét Xuân giữa trùng khơi biển cả. Tất cả nói lên sự chăm chỉ, cần cù và dày công chăm sóc của những người lính nơi biển đảo xa xôi.
Trạm Ra đa 540 có nhiệm vụ kiểm soát vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, được ví là “mắt thần” canh giữ biển, đảo quê hương. Chiến sỹ Lê Xuân Hưng cho biết: “Năm nay em ở lại đơn vị trực Tết, là lần đầu tiên đón Tết trên đảo nên em thật sự háo hức, mong chờ, chắc chắn sẽ là sự trải nghiệm thú vị. Bố mẹ và các em vừa gọi điện động viên, bảo em cứ yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà mọi người đều khỏe mạnh, bình an”.
Chúng tôi còn muốn đi một vòng quanh đảo để thỏa thích ngắm cảnh đẹp nguyên sơ, muốn đến từng cơ quan, đơn vị và gần 10 gia đình thanh niên xung phong trên đảo Cồn Cỏ để được chia sẻ nỗi niềm. Nhưng thời gian quá ngắn ngủi, vì hành trình phía trước còn dài.
Lúc này, Đại úy Lê Xuân Hướng - Chính trị viên Trạm Ra đa liền nói: “Qua trang báo, các anh, các chị nhắn với đồng bào cả nước là huyện đảo Cồn Cỏ đã sẵn sàng đón Tết, sẵn sàng canh giữ cho đất liền vui Xuân. Bởi mỗi cán bộ, chiến sỹ Trạm Ra đa, Đồn biên phòng, bộ đội, công an và người dân trên đảo là một “mắt thần” canh giữ ở chốn tiền tiêu”.
Lời chúc Tết giữa trùng khơi
Con tàu 390 nhổ neo, hướng về vùng biển phía tây Quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần tiễu, bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc. Biển động, sóng lớn, Tết Nguyên đán đã cận kề nên vùng biển Vịnh Bắc Bộ những ngày này tàu, thuyền của ngư dân khá vắng vẻ, thi thoảng mới gặp một vài chiếc đang vội vã trở về đất liền. Những chiếc tàu chở hàng cũng đang vận hành hết công suất để nhanh cập cảng, cho các thủy thủ sớm đoàn viên với gia đình.
Biển trời mênh mông, cuối chiều, từ trên boong, chúng tôi chợt thấy một chấm trắng có hình một con tàu dập dềnh phía xa xa. Đài chỉ huy thông báo đó là tàu KN-313 của lực lượng Kiểm ngư đang làm nhiệm vụ tuần tiễu trên biển và bắt liên lạc, đề nghị tiến sát đến tàu 390 để các phóng viên ghi hình.
Hai tàu tiến sát nhau, khoảng cách chỉ còn chừng 200 m, chúng tôi nhìn rõ các chiến sỹ kiểm ngư trên tàu 313 xếp thành hàng ngang đứng vẫy chào. Ở tàu bên này, mọi người cùng đồng thanh hô vang: “Chúc năm mới vui vẻ, hạnh phúc!”. Rồi khoảng cách giữa hai tàu xa dần, xa dần…
Anh Ngô Quốc Tuấn - Thuyền trưởng tàu 390 vẫn lặng lẽ dõi theo tàu bạn, anh cho hay tàu KN-313 rời cảng từ một tuần trước để làm nhiệm vụ tuần tiễu trong thời gian hơn một tháng. Nghĩa là cán bộ, chiến sỹ sẽ đón Tết nơi đầu sóng để canh giữ biển, đảo thiêng liêng.
Chừng 3 giờ sau, đài chỉ huy lại phát thông báo chuẩn bị gặp tàu KN-368 đang làm nhiệm vụ, đề nghị các phóng viên lên boong tác nghiệp. Vị trí này được xác định là khu vực hoạt động khai thác dầu khí của mỏ Thăng Long. Trong đêm tối, chỉ thấy một vệt sáng đang tiến lại gần, các chiến sỹ tàu 390 tìm cách chỉnh đèn pha về phía tàu 368 để thấy các chiến sỹ bên đó đang xếp hàng ngay ngắn đứng chào.
Lời chúc mừng năm mới lại vang lên, rồi những cái vẫy chào tha thiết để mấy phút sau khoảng cách lại xa dần. Cũng như tàu KN-313, tàu KN-368 đang làm nhiệm vụ tuần tiễu và đón Tết trên biển, vì hơn một tháng sau mới trở về đất liền. Rạng sáng, trên vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi tiếp tục gặp tàu KN-372 của lực lượng Kiểm ngư và tàu 9002 của Cảnh sát biển đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh hải…
Ngắm cảnh biển, trời vào Xuân, Đại tá Võ Văn Tuyến - Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân chia sẻ: “Các chiến sỹ hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo và nhân dân các huyện đảo là những người đón Xuân nơi đầu nguồn con sóng. Xa xôi và phần nào thiếu thốn nhưng năm nào cũng vậy, tất cả đều vượt lên để vừa có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, vừa hoàn thành nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu”.