Những lá cờ ở Nhà tù Cam Ranh
Khi người dân cả nước náo nức hướng về ngày kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, những người lính trở về từ chốn lao tù lại bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa. Những ngày này, hằng đêm ông Nguyễn Hữu Hoàn (SN 1933) thường kể với con cháu, người thân và bạn bè về kỷ niệm 63 năm trước, khi đang bị quân Pháp giam giữ ở Nhà tù Cam Ranh (Khánh Hòa).
Ông Hoàn quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhập ngũ từ năm 1950, chiến đấu chống Pháp ở vùng Trị - Thiên, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) tập kết ra Nghệ An. Kháng chiến chống Mỹ, ông lại trở vào miền Nam chiến đấu, đến năm 1983 được nghỉ hưu và sinh sống ở phường Trường Thi (TP. Vinh). “Suốt cuộc đời, tôi không thể quên lần đón Tết Độc lập năm 1953 ở Nhà tù Cam Ranh, đến giờ nghĩ lại cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Nhớ lắm, những đồng đội trong tù ngục, nhớ lá cờ Tổ quốc trên bức tường nhà lao...”.
Năm 1952, chiến sỹ Nguyễn Hữu Hoàn có mặt trong đội hình chiến đấu của Đại đội 156, Tiểu đoàn 310, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325) chiến đấu ở Thừa Thiên - Huế. Trong một trận chiến đấu ác liệt, do bị sức ép của loạt đạn cỡ lớn, ông bị điếc tai, không nghe được lệnh của chỉ huy nên bị lạc đơn vị, rồi sa vào tay giặc. Bị tra tấn, dụ dỗ nhưng không khai báo dù chỉ một lời, cuối cùng ông bị kẻ thù đưa đến Nhà tù Cam Ranh để giam giữ.
Vào cuối tháng 8/1953, sắp sửa kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 8, tổ chức Đảng trong nhà tù quyết định làm cờ Tổ quốc để mừng Tết Độc lập. Ông Hoàn được giao tìm giấy màu đỏ và màu vàng để làm quốc kỳ. Tảng sáng, lúc bà con đi biển trở về, người chiến sỹ ấy đã tìm cách vượt hàng rào nhà lao ra bãi biển nhờ bà con mua giúp giấy màu, xếp vào túi bóng rồi chôn ở một vị trí đã được thỏa thuận. Mấy hôm sau, lợi dụng địch canh phòng sơ hở, đêm khuya, trời mưa như trút, ông Hoàn lại vượt ra ngoài, bới đất lấy tập giấy màu đem vào nhà lao.
Những tờ giấy màu vàng được các chiến sỹ cách mạng bí mật cắt thành ngôi sao năm cánh dán lên tờ giấy màu đỏ thành lá cờ Tổ quốc. “Khi những lá cờ đầu tiên hoàn thành, ai cũng xúc động trào nước mắt. Có người ôm lá cờ áp vào ngực, rồi hôn cánh sao vàng, hôn nền giấy đỏ thắm...” - ông Hoàn nhớ lại. Chờ đúng ngày Quốc khánh, hơn chục lá cờ Tổ quốc được dán khắp tường phòng giam, ông Hoàn và các anh em tù binh cùng phòng đứng nghiêm trang, mắt hướng lên những lá cờ và đưa tay lên chào.
Phát hiện những lá cờ đỏ sao vàng dán trên các bức tường phòng giam, bọn cai tù liền xông vào giật xuống và đánh đập, tra tấn anh em tù binh trong phòng. Chúng điên cuồng tra hỏi để tìm những người đứng ra tổ chức làm việc này nhưng ông Hoàn và các đồng chí, đồng đội đều trả lời: “Tôi không làm, cũng không biết ai làm”. Vậy là ngày hôm đó, những người tù cộng sản liên tục chịu những trận đòn vô cùng khốc liệt...
Buổi lễ chào cờ đặc biệt ở Trại giam Phú Quốc
Những năm chống Mỹ, Nhà tù Phú Quốc được xem là “địa ngục trần gian”, là chốn lưu đày những chiến sỹ cộng sản bị địch xem là “cứng đầu”. Dịp này, chúng tôi được 2 người tù năm xưa kể những câu chuyện đón Tết Độc lập giữa trùng khơi sóng gió, trong sự kìm kẹp của bọn cai ngục.
Trước tiên là câu chuyện đêm 2/9/1969 của ông Nguyễn Nhất Thắng (SN 1945) ở phường Cửa Nam (TP. Vinh). Sau 2 năm bị đày ra Phú Quốc, năm 1969, ông Thắng được chuyển đến phòng 13, khu B5, phòng giam khoảng 100 tù binh người miền Bắc. Đến nay, thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ nhưng người tù binh năm xưa vẫn nhớ như in khung cảnh và những lời nói năm nào.
Khóe mắt rưng rưng, ông Thắng kể lại trong niềm xúc động: “Đêm ấy, bắt đầu giờ giới nghiêm, toàn bộ anh em tù binh đã có mặt trong căn phòng giam chật hẹp, ánh đèn điện đã tắt. Khoảng 21 giờ, có một người cất lên giọng nói vừa đủ để những người trong phòng giam nghe thấy: “Xin mời các đồng chí chúng ta đứng dậy, đồng chí nào không đứng được thì quàng tay người bên cạnh để đứng, dựa vào nhau mà đứng. Mời tất cả các đồng chí quay mặt về hướng Bắc.
Hôm nay là 2/9, chúng ta ở đây làm lễ kỷ niệm, các đồng chí hình dung trước mặt có chiếc bàn, trên bàn có ảnh Bác và cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Các đồng chí hình dung xong chưa? Chúng ta làm lễ chào cờ mừng ngày Quốc khánh. Chúng ta sẽ hát Quốc ca, nhưng nhớ là hát khẽ trong miệng. Bắt đầu!”.` Sau hiệu lệnh ấy, chúng tôi nắm chặt tay nhau và khẽ hát...”.
Hát xong bài Quốc ca, giọng nói ấy lại tiếp tục: “Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã đọc “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ đây nước ta có tên trên bản đồ thế giới. Nhưng thực dân Pháp trở lại xâm lược, quân và dân ta lại cầm súng, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.
Đế quốc Mỹ lại nhảy vào thực hiện âm mưu chia cắt đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta lại cầm súng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không may sa vào tay giặc, đang bị địch giam cầm, chúng ta phải giữ vững khí tiết của người lính cộng sản, kiên cường đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng...”.
“Đêm ấy, phòng giam số 13 gần như không ai ngủ, tất cả cùng thổn thức. Chúng tôi kể cho nhau nghe về gia đình, quê hương và những kỷ niệm Tết Độc lập khi còn thơ bé. Rồi hẹn lúc nào được trở về sẽ tìm về quê từng người...” - ông Thắng bồi hồi nhớ lại.
Còn ông Dương Văn Giá (SN 1949) ở xã Công Thành (Yên Thành) cũng không bao giờ quên kỷ niệm mừng Tết Độc lập thứ 26 ở chốn “địa ngục trần gian”. Năm 1971, diễn biến trên chiến trường miền Nam đang có nhiều thuận lợi cho Quân giải phóng nên ở trong tù địch cũng nới lỏng cho các tù binh.
Ở Trại giam Phú Quốc, địch đã phân chia khu vực giam giữ tù binh miền Nam và miền Bắc. Tù binh miền Nam được hưởng chế độ thăm thân, người nhà có thể đến thăm hỏi nên được nhận các loại nhu yếu phẩm. Còn tù binh miền Bắc hoàn toàn không có và thường bị canh giữ nghiêm ngặt hơn.
Vào giữa tháng 8, Đảng ủy Nhà lao quyết định tổ chức kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 26 và 2 năm ngày mất của Bác Hồ. Ông Dương Văn Giá và các chiến sỹ bị giam ở khu C5 đã tìm cách liên hệ với khu B5 kề bên, là nơi giam giữ tù binh người miền Nam nhờ người thân mua bánh kẹo, thuốc lá để tổ chức ngày lễ.
Ông Giá kể: “Đúng sáng ngày 2/9, chúng tôi lập bàn thờ Bác Hồ, tất cả 150 người trong phòng giam cùng đứng lên hướng về phía Bắc để nhớ về quê hương và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó cùng hút thuốc, ăn bánh kẹo và kể cho nhau những kỷ niệm Tết Độc lập ngày còn thơ bé. Một phần do địch nới lỏng, thứ nữa do làm tốt công tác địch vận nên hôm ấy không bị chúng khủng bố, đánh đập”.
Những câu chuyện của các cựu tù binh đã thể hiện khí phách, bản lĩnh của người cộng sản. Dù bị đày ải trong ngục tù thực dân, đế quốc nhưng các chiến sỹ cộng sản vẫn hướng về ngày Quốc khánh, hướng về quê hương, đất nước và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mãi là những tấm gương kiên trung, bất khuất cho thế hệ hôm nay...