Ngày nay, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thì việc vận dụng và phát huy những bài học của Cách mạng Tháng Tám càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Một là, cần nhạy bén nắm bắt tình hình thế giới, khu vực để kịp thời đề ra chính sách đúng đắn và phù hợp.

Nhờ bám sát sự thay đổi của tình hình thế giới, kịp thời ra quyết định chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, đã tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian ngắn. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, luôn theo dõi, bám sát những biến đổi của tình hình thế giới, trong nước, chủ động, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, chuẩn bị đón thời cơ, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng nhân dân tận dụng thời cơ thuận lợi của tình hình trong nước và quốc tế để giành thắng lợi là bài học nổi bật nhất về sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám.

bna_thanhcuong_75949888656_1882020.jpgCác quyết sách liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước phải luôn bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Ảnh: Thành Cường

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám, cần có sự nhạy bén trong nhận thức và dự báo được những diễn biến phức tạp và thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực. Các quyết sách liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước phải luôn bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, thực hiện theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", kịp thời, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề an ninh chung, vì hòa bình hợp tác và phát triển; đồng thời thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa".

Hai là, không ngừng mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

Đi cùng với những giá trị có ý nghĩa sâu sắc của nền độc lập, tự do, Cách mạng Tháng Tám đã đưa lại cho nhân dân ta từ thân phận nô lệ, lầm than trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Phát huy giá trị đó, ngay sau ngày thành lập nước, một trong những công việc quan trọng đầu tiên đã được Hội đồng Chính phủ lâm thời thực hiện là tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu và xây dựng một Hiến pháp dân chủ cho đất nước. Đây là lần đầu tiên, danh hiệu công dân cao quý của một nhà nước độc lập ra đời và được ghi nhận trang trọng trong Hiến pháp. Kể từ  đó đến nay, các bản Hiến pháp của Nhà nước ta, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 luôn thể hiện xuyên suốt việc đề cao các quyền con người, quyền công dân, khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Công trình cầu Cửa Hội đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: Hải Vương

Cùng với những quy định trong luật pháp, để quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trên thực tế, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng hoàn thiện thể chế nhà nước dân chủ nhân dân. Trong đó, chính phủ và các cơ  quan công quyền là công bộc của dân; cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Mọi lợi ích đều là của dân, mọi phấn đấu của Chính phủ của cán bộ đều vì dân. Chính quyền từ cơ sở đến Trung ương đều do dân bầu cử, lựa chọn, đồng thời nhân dân có quyền bãi nhiệm những cán bộ chính quyền không làm tròn phận sự, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Ngày nay, việc tiếp tục mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn là một chủ trương lớn của Đảng ta. Trên cơ sở nhận thức cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng ta đang tiếp tục thực hiện chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", các hình thức dân chủ tiếp tục được mở rộng, nâng lên một tầm cao mới. Nhân dân được tạo mọi điều kiện để có thể tiếp cận, bày tỏ quan điểm, cách nghĩ, cách làm của mình. Từ đó, những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân được tiếp thu, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng; làm cho đường lối ấy hợp quy luật, thuận lòng dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Độc lập, tự do, dân chủ là những giá trị cao quý mà Cách mạng Tháng Tám đã đem lại cho dân tộc ta, nhân dân ta. Nhưng giá trị độc lập, tự do, dân chủ ấy chỉ có ý nghĩa đầy đủ, khi đi cùng là cuộc sống của  nhân dân ngày một thêm ấm no, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Thấu hiểu nguyện vọng thiết tha, chính đáng đó, phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, suốt 75 năm qua Đảng ta không ngừng quan tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ một nước nghèo, kém phát triển, đến nay, Việt Nam đang nằm trong danh sách nhóm nước có thu nhập trung bình của thế giới và phấn đấu đạt mức nhóm nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025.

Suốt 75 năm qua Đảng ta không ngừng quan tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ảnh tư liệu Thành Cường

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta tiếp tục xây dựng, thực hiện các chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình, chương trình hành động vì trẻ em...

Bốn là, đẩy mạnh mặt trận ngoại giao, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước

Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lần đầu tiên nước Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới; đồng thời đã mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền. Phát huy quyền và vị thế dân tộc mà Cách mạng Tháng Tám mang lại, trong suốt 75 năm qua, Đảng ta không ngừng đẩy mạnh mặt trận ngoại giao, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, qua đó góp phần quan trọng vào những thành công chung của sự nghiệp cách mạng, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Đảng ta không ngừng đẩy mạnh mặt trận ngoại giao, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, qua đó góp phần quan trọng vào những thành công chung của sự nghiệp cách mạng. Ảnh: Thành Cường

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Hội nhập quốc tế cần được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền; bình đẳng cùng có lợi; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giữ vững nguyên tắc vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức, song nếu nắm vững học thuyết của Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa tư bản nhà nước, nắm vững chủ trương đường lối đổi mới của Đảng đã đề ra, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chúng ta có thể biến "nguy" thành "cơ", vừa thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vừa bảo đảm tốt môi trường an ninh đất nước.

Năm là, ra sức xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

Bên cạnh những giá trị dân tộc, giá trị thời đại, Cách mạng Tháng Tám thành công còn là thực tiễn sinh động, minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo cách mạng và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khẳng định sự đúng đắn của đường lối cách mạng mà Đảng ta xây dựng trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; thể hiện năng lực quy tụ lực lượng của toàn dân tộc; năng lực dự báo chính xác, nắm bắt đúng thời cơ; kịp thời phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Ảnh: Thành Cường

Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, ngày nay, Đảng ta đang tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ra sức khắc phục những khuyết điểm trong đảng như sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống một bộ cán bộ, đảng viên, tình trạng buông lỏng kỷ luật, nội bộ thiếu sự đoàn kết; chất lượng sinh hoạt Đảng giảm sút. Khắc phục sự yếu kém trong công tác tư tưởng, công tác lý luận, sự bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ…

Tiếp nối sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, phát huy giá trị Cách mạng Tháng Tám lên một tầm cao mới, hiện nay và trong thời gian tới, toàn Đảng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, sớm hoàn thành mục tiêu "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Bác Hồ.