Tổng Đặng Sơn sục sôi khí thế
Tính theo Dương lịch, chỉ còn hơn 4 tháng nữa cụ Nguyễn Lê Bàn ở làng Khả Phong, xã Nam Sơn (Đô Lương) bước sang tuổi 100. Tuổi cao nhưng trí nhớ của cụ Bàn còn khá tốt, vẫn nhớ những ngày làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc, cùng dân làng vùng lên đấu tranh giành chính quyền.
Cụ Nguyễn Lê Bàn (SN 1921) sinh ra trong một gia đình nông dân, từ nhỏ đã phải đi chăn bò cho địa chủ để kiếm bữa ăn hàng ngày. Lớn thêm một chút thì đi làm phu đường cho thực dân Pháp, tham gia làm tuyến Quốc lộ 7A đi qua địa bàn. Cũng như bao người cùng thời, cụ Bàn không thể quên trận đói khủng khiếp năm 1945, mỗi lần nhớ đến lại ứa nước mắt vì thương xót những người bị chết vì đói khát.
Không khí cách mạng bắt đầu sục sôi, cụ Bàn được cán bộ Việt Minh tin tưởng giao làm Bí thư Đoàn Thanh niên làng Khả Phong, thực hiện nhiệm vụ tập hợp thanh niên tham gia đấu tranh giành chính quyền. “Lúc đó, dù chưa được tham gia Đội Tự vệ nhưng thanh niên làng Khả Phong thường xuyên luyện tập võ nghệ, chuẩn bị sẵn đao, kiếm, mã tấu để sẵn sàng hành động khi thời cơ chín muồi” - cụ Bàn nhớ lại.
Theo lời của cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Lê Bàn, ngày 13/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, nhân dân các làng của tổng Đặng Sơn chuẩn bị sẵn cờ, trống, mõ và các loại vũ khí tham gia biểu tình. Chiều hôm sau (14/8), các đội Tự vệ lại tổ chức tuần hành thị uy để dương cao thanh thế, sẵn sàng trấn áp bọn tay sai phản động.
Ba ngày sau, nhận được lệnh của Ủy ban cách mạng lâm thời, lực lượng tự vệ tổng Đặng Sơn bí mật bao vây nhà Hội Kỳ, Bang Thàng, Bang Hòe để khống chế, không cho chúng thoát ra hay có hành động phản kháng.
Rạng sáng hôm sau (18/8), khắp nơi vang lên tiếng mõ, nhân dân Nam Sơn hòa cùng 3 vạn quần chúng các tổng Đặng Sơn, Đô Lương, Bạch Hà, Thuần Trung và Yên Lãng kéo về phủ lị Đô Lương hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo chính phủ bù nhìn của Nhật”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!”, “Ủng hộ Việt Minh!”. Sau đó, đoàn biểu tình được nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết rồi trở về chuẩn bị sẵn sàng cho ngày tổng khởi nghĩa.
"Nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Việt Minh phủ, đêm 22/8, làng Khả Phong và toàn tổng Đặng Sơn sục sôi không khí chuẩn bị. Đêm ấy, tôi cùng các đồng chí trong Đoàn Thanh niên cứu quốc và các đoàn thể khác đến từng nhà vận động bà con may cờ, chuẩn bị vũ khí để tham gia đấu tranh. Riêng lực lượng thanh niên tập trung viết biểu ngữ, rải truyền đơn, tất cả háo hức chờ đợi giây phút lịch sử”.
Để rồi, mờ sáng 23/8, cụ Bàn và bà con Khả Phong hòa vào dòng người đông đúc từ các làng, xã trong tổng Đặng Sơn tham gia tổng khởi nghĩa. Trước sức mạnh của quần chúng, Tri phủ Anh Sơn là Lê Phổ cùng bọn nha lại phải giao nộp ấn tín và đầu hàng, Ủy ban Cách mạng lâm thời được thành lập, khắp nơi dậy tiếng reo hò mừng vui…
Cách mạng thành công, cụ Bàn tiếp tục tham gia kháng chiến và đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Cụ từng giữ chức vụ Trưởng Công an huyện, Chủ tịch UBND huyện rồi Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn. Vợ chồng cụ có 5 người con, trong đó một người hy sinh tại chiến trường miền Nam, năm nay cụ 71 năm tuổi Đảng.
Ông Nguyễn Văn Hồng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Sơn đã có mấy câu thơ dành tặng cụ Bàn: “Cuộc đời cần - kiệm, luôn bình dị/ Giáo dục ngọn cờ, cháu con đi/Huy hiệu Đảng trao đeo thắm ngực/Trường sinh bách tuế dưới quân kỳ”.
Đồn Kim Nhan rung chuyển
Với 98 tuổi đời, 73 năm tuổi Đảng, cụ Bùi Đôn, trú tại xóm 1, xã Thạch Sơn (Anh Sơn) vẫn còn nhớ như in những ngày đấu tranh cách mạng của 75 năm trước. Thời điểm ấy, có mặt trong hàng ngũ Tự vệ đỏ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh giành chính quyền, cụ Đôn được chứng kiến không khí đấu tranh như “nước vỡ bờ”.
“Những năm ấy, người dân luôn sống trong cảnh đói khổ lắm, nhiều người không có cái ăn, bị chết đói, nằm lăn lóc khắp các tuyến đường. Cảnh đói khổ, chết chóc khiến ai cũng căm thù thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn cường hào, lý trưởng. Khi Mặt trận Việt Minh phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, các làng quê hừng hực khí thế đấu tranh, ai cũng muốn góp sức mình để giành tự do, độc lập, thoát khỏi cuộc sống đói khổ”
Là một thanh niên khỏe mạnh, được học hành, sớm giác ngộ tinh thần cách mạng nên Bùi Đôn được tổ chức Việt Minh phân công vào hàng ngũ Tự vệ đỏ. Hàng ngũ chỉnh tề, đao kiếm trong tay, Đội Tự vệ đỏ dẫn đầu đoàn biểu tình vùng Lãng Điền (xã Thạch Sơn ngày nay) xuống trung tâm huyện Đô Lương đấu tranh với bọn phát xít Nhật và cường hào phong kiến.
Cụ Đôn không thể quên được đêm 22/8/1945, thời điểm cụ và các thành viên Đội Tự vệ tiến vào đồn Kim Nhan (xã Phúc Sơn ngày nay) - nơi tập trung nhiều lính Nhật để tham gia đấu tranh và bảo vệ quần chúng cách mạng. Cụ nhớ lại: “Quần chúng khắp các vùng đổ về mỗi lúc một đông, có khi tới hàng vạn người, tiếng hô vang như làm đất trời rung chuyển. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn lính Nhật khiếp sợ phải hạ vũ khí đầu hàng. Toàn thể quần chúng nhân dân cùng reo hò, phấn khởi mừng chiến thắng”.
Niềm vui, sự phấn khởi còn kéo dài hàng tuần sau, khi tin vui thắng lợi khắp nơi đổ về, nhất là vào ngày 2/9 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vui mừng vì từ đây sẽ được xóa kiếp đời nô lệ, sống cuộc đời tự do và cuộc sống tốt đẹp đang chờ đợi phía trước.
Sau cách mạng Tháng Tám, cụ Bùi Đôn được điều vào Đội Cảnh vệ bảo vệ cơ quan tỉnh Nghệ An. Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, cụ gia nhập quân đội và tham gia chiến đấu khắp các tỉnh vùng Tây Bắc, sang Thượng Lào và hành quân lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cụ Đôn tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Cụ có mặt trong trận đánh vào Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) năm 1975, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên.
Năm 1980, cụ Bùi Đôn được nghỉ hưu và trở về quê hương đoàn tụ với gia đình sau hơn 34 năm tham gia chiến đấu. Về quê, cụ tiếp tục tham gia các hoạt động đoàn thể, từng làm Bí thư chi bộ trong nhiều năm liền, là điểm tựa vững chắc cho các thế hệ con cháu và bà con xóm làng, được mọi người quý trọng.
Cụ Bùi Đôn chia sẻ: “Tôi có may mắn là được chứng kiến nhiều mốc son lịch sử của đất nước và dân tộc. Đặc biệt, không thể nào quên những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chứng kiến niềm vui đổi đời, cởi bỏ xiềng xích nô lệ”.