(Baonghean) -Hồi đi học, đứa nào cũng “thấy người sang bắt quàng làm họ”: “Tau họ Phạm, Phạm Ngũ Lão!”, “Họ Trần như Trần Quốc Toản đây”,... Mình vênh mặt: “Cả lũ bây mang phù hiệu trường Lê Lợi, thấy họ Lê choa chưa?”. Cả nhóm xì xào: “Phường ta cũng phường Lê Lợi”, “Đường trước mặt cũng đường Lê Lợi bây ạ”... Mình lấy làm đắc chí lắm!
- Mà Lê Lợi là ông mô hả bây?
Mình trợn mắt nhìn ngay về phía kẻ “khi quân phạm thượng”, ra là con Hà chuyên đội sổ môn Sử. Thôi thì “khai sáng” cho nó vậy:
- Lê Lợi là 1 trại chủ ở Lam Sơn, Thanh Hoá. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất vua Trần, tự lên làm vua lấy tên nước là Đại Ngu (vừa nhìn cả lũ mình vừa nhấn mạnh). Nhà Minh nhân cớ đưa quân sang diệt Hồ, đô hộ nước ta. Lê Lợi đã cùng 18 người đồng chí hướng lập hội thề Lũng Nhai, kết nghĩa anh em, nguyện cùng nhau đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Minh. 2 năm sau đó, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn.
- Rứa là đánh cho quân Minh thua không còn manh giáp luôn hả? Con Hà láu táu xen ngang, mình quát tháo ầm ĩ (oai phong không thua gì Lê Lợi):
- Để im tau kể cho mà nghe! Đánh giặc Tàu mà làm như dễ lắm. Lúc đầu Lê Lợi bị thua suốt, phải chạy lên núi, có khi bị vây phải giết cả voi, ngựa chiến cho quân sĩ ăn. Nói chung là hơi bị gian khổ luôn! Giằng co mãi, giảng hoà mấy phen cũng không xong. Đến khi nghĩa quân Lam Sơn giết được tướng giặc Liễu Thăng ở ải Chi Lăng thì quân Minh hồn xiêu phách tán, nhận hoà rồi rút về nước. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, xưng là Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long. Từ đó bắt đầu triều đại nhà Lê kéo dài hơn 360 năm, dài nhất trong lịch sử các triều đại Việt Nam.
Cái bảng tên đường Lê Lợi dường như cũng đồng tình với lời mình nói. Đám bạn thôi không chí choé nữa, chúng nó vừa lấm lét đạp xe theo sau mình, vừa nhìn ngó 2 bên đường như thể Lê Lợi sẽ bất chợt cưỡi ngựa chiến cầm thanh gươm báu xuất hiện lúc nào không hay. Bỗng 1 đứa kêu lên:
- Đường Lê Lai kìa, ngộ quá bây ơi!
- Tên ông ni nghe quen quen, hình như tau có gặp ở mô rồi...
Con Hà bị cả lũ cốc đầu cho mấy cái đau điếng mà không dám ho he gì, mình mặt nóng bừng bừng như thể vừa bị ai xúc phạm:
- Cái tội nói ngây ngây! Lê Lai là người kết nghĩa cùng Lê Lợi trong hội thề Lũng Nhai. Có lần Lê Lợi bị vây đuổi phải trốn lên núi Chí Linh, Lê Lai đóng giả làm Lê Lợi, mang một toán quân chạy xuống núi. Quân Minh đuổi theo Lê Lai, Lê Lợi mới chạy thoát được. Sau này, để tỏ lòng nhớ ơn người tôi trung nghĩa, Lê Lợi lệnh phải làm giỗ Lê Lai trước Lê Lợi 1 ngày. Có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” là vì rứa!
Mấy đứa bạn gật gù ra chiều thán phục. Cả đám tà tà tấp qua bên kia đường, men theo con đường uốn quanh hồ Thuỷ Tạ đi tít vào trong xóm. Con Hà không kìm được, buột miệng: “Hồ ni nhìn giống hồ Gươm trong chuyện Lê Lợi trả gươm cho Rùa vàng bây hầy?”. Chả là hôm trước nó mới bị cô gọi lên bảng trả bài về “Sự tích hồ Hoàn Kiếm”, ăn con ngỗng bự nên giờ còn cay cú. Mình giả làm lơ nhưng vẫn lén nhìn xuống mặt hồ, thầm nghĩ giá mà rùa vàng xuất hiện, đòi nói chuyện với hậu duệ chín trăm chín mươi chín phẩy chín chín đời của Lê Lợi là mình để bọn bạn được phen lác mắt chơi. Đạp xe mệt bở hơi tai hết vòng hồ mà chẳng thấy rùa vàng rùa bạc gì, chỉ thấy mấy cái bao ni-lông nổi lều bều...
*Đứng, ngồi chờ xe buýt / “Cuộc sống hiện đại thi thoảng phải chấm phá đôi nét cũ kỹ, thế mới vui!” / Quán bia Công Phú (ảnh nhỏ). * Lũng... Xôi lên đèn
Đấy là chuyện của ngày xưa. Giờ thì mình đang vi vu trên chiếc xe máy, trong túi là tấm bằng lái vừa được cấp tuần trước. Nói thế thôi chứ với tay lái gà mờ như mình, đi hết được đường Lê Lợi đông đúc xe cộ cũng toát cả mồ hôi chứ chẳng đùa! Đầu tiên là rẽ từ đường Chu Văn An ra nhé, đoạn này thời mình đi học làm gì có đèn xanh đèn đỏ như bây giờ. Có lần, có vụ tai nạn rất ghê ở đây, thằng Huy nhà ngay đầu đường lên lớp kể đi kể lại khiến cả lũ cảm tưởng như phải có mấy chục vụ, rồi đặt luôn cho chỗ này là “ngã tư tử thần”. Căn bản vì bên kia đường là chợ Cửa Bắc nên xe cộ đông đúc. Chẳng trách thằng Huy mãi lên lớp 9 vẫn chưa biết qua đường.
Dù vậy thì đường Lê Lợi vẫn là 1 trong những con đường yêu thích nhất của mình, vì 2 lý do. Thứ 1, như đã kể ở trên, mỗi lần đi trên đường Lê Lợi là mình lại được dịp ba hoa phét lác với lũ bạn về dòng họ Lê trứ danh. Thứ 2, vì đường Lê Lợi tập trung nhiều cửa hàng. Ví dụ như ngay lúc này đây, mình đang ngồi uống nước mía trước một cửa hàng sửa chữa xe máy, trong lúc chờ người ta thay dầu xe. Không phải là một ông già về hưu với hòm đồ nghề lèo tèo và vài cái xăm treo lủng lẳng trên cây đâu nhé! Cửa hàng to đùng, la liệt nào lốp, nào xăm, nào máy phun sơn, máy bơm và hầm bà lằng các thể loại linh kiện khác.
Người thợ cởi trần bóng nhẫy mồ hôi (hay dầu mỡ?) đang gò mình tháo những chiếc bu lông để thay xăm cho một chiếc xe Vespa cổ. Cả cửa hàng, cả người đều đen đúa và toát lên mùi xăng, dầu nhớt nồng nặc. Mình gọi thêm một cốc nước mía, ngồi nhìn ngang ngửa. Một đoàn người lếch thếch đứng ngồi chờ xe buýt, ngó lơ mấy ông xe ôm vây kín gốc cây như đám ve sầu (đời). “Để biết thêm/ chi tiết/ mời các bạn/ đón đọc/ báo an ninh thủ đô/ báo công an nhân dân/ báo an ninh thế giới/...”, mấy ông xe ôm vẫy tay mù mịt, bà bán báo nhảy xuống, ì ạch dắt xe qua đường rồi tấp vào lề...
Xe mình lại tiếp tục bon bon. Thấy mấy chiếc xe Văn Minh nối đuôi nhau, biết ngay là bến xe Vinh ở trước mặt. Hồi mình đi học, cạnh bến xe là cửa hàng đồng hồ Viên Ngọc nổi tiếng ai cũng biết, lại có cả cửa hàng Phú Nguyên Hải mà bọn học sinh vẫn trêu nhau “Ải ải như Hải Phú Nguyên”. Giờ thì thấy mấy tiệm vàng bạc liền, toàn những tên hiệu nức tiếng thành phố một thời như Kim Dung Thông trước ở chợ Vinh.
Có cái gì đó đối lập giữa những người lữ hành ăn mặc tùng tiệm, xách chiếc túi đã bạc màu ngồi uống nước chè chờ xe trước bến và những cửa hiệu hai, ba, bốn tầng bán thứ hàng hoá xa xỉ bậc nhất. Cũng như trước mặt mình lúc này đây là 1 ông xích lô hì hục kéo chiếc xe chở 3 con lợn bị buộc chân, nằm ngửa bụng kêu eng éc giữa tiếng còi xe ôtô, xe máy. Mà nói chung cuộc sống hiện đại thi thoảng phải chấm phá đôi nét cũ kỹ, thế mới vui! Nói cho cùng, không rũ bỏ quá khứ như lấy chổi lông gà phủi bụi được đâu. Những phở Dũng Mến, kính thuốc Dũng Hiền, comlê Duy Tín, bia hơi Công Phú, làm sao quên được? Ngay cả khi vị trí độc tôn của những nhà buôn bán kì cựu ấy không còn nữa (một ngôi sao mới lên trong giới phở là Phở Hà Nội ở “Tam giác quỷ”), tiếng tăm lừng lẫy một thời của những người “tiên phong” sẽ luôn khiến mắt ta phải dừng lại vài giây ở tấm bảng hiệu: “Ngày xưa mình đã từng ăn bát phở với 3 quả trứng gà nhúng ở đây”, đại loại thế.
Hơn cả tiếng tăm - vốn là thứ phù phiếm và chết yểu - đó là một thứ uy tín, một định nghĩa, một chuẩn mực. Tự nhiên, nghĩ đến thời kỳ Vua Lê chúa Trịnh, chúa Trịnh nhiều đời phụ chính mà không dám truất vua Lê, e sợ lòng người hướng về họ Lê vì công đánh đuổi giặc Minh của Lê Lợi. Để thấy ký ức, quá khứ, lịch sử có sức sống bền bỉ đến như thế nào, không phải nhờ ghi danh trên một con đường, một cuốn sách mà ở trong trái tim của mỗi người.
Trời lảng vảng tối. Những ánh đèn của mấy hàng xôi bắt đầu le lói. Mình bỗng vẩn vơ nhớ thuở còn đi học, cùng đám bạn tạt vào ăn xôi lót dạ trước ca học thêm. Sau cuộc tranh cãi so kè tên họ, cả nhóm nhất nhất phong mình làm thủ lĩnh, đồng thời cắt trứng rán ăn thề ở hội thề Lũng... Xôi dù còn lâu mới đủ 19 người như Lê Lợi xưa. “Lũng Xôi” vẫn tấp nập hàng quán mà hội thề giờ chỉ mình mình. Mình tặc lưỡi ghé vào, gọi đĩa xôi trứng chả (giá cả đội lên gấp 5 lần so với lúc xưa), ngồi ăn mà thấy muộn phiền...