(Baonghean) -Trọn cuộc đời mình, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và Người đã hy sinh cuộc đời mình cho ham muốn cao đẹp đó, bôn ba bốn biển, năm châu để biến ham muốn đó thành hiện thực… Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử rợp bóng cờ, hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tuyên bố “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” cho hàng triệu đồng bào…
Mùa Thu đến. Mỗi người dân Việt Nam lại xúc động, bồi hồi nhớ về những tháng ngày sôi sục và náo nức của Lễ Quốc khánh 2/9/1945. Ba Đình ngày nắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Ngày 2/9/1945 trở thành mốc lịch sử trọng đại của đất nước, mở ra trang sử mới trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trước gần một triệu đồng bào có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc đó, đang đọc, Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả rừng người đồng thanh hô “Có!”. Lịch sử ngàn năm với hào khí bừng bừng, với nồng nàn tình cảm dân tộc, thể hiện cao độ tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân cho khát vọng cao cả ấy…
Tập nghi thức Đội chào mừng năm học mới ở Trường Tiểu học làng Sen
(Kim Liên - Nam Đàn).
Sinh ra trong lầm than, nô lệ, chứng kiến những mất mát, đau thương mà người dân phải gánh chịu đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1911, từ bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu đi “tìm hình của nước”, đi tìm “Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai/Thế đi đứng của toàn dân tộc/Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người”. Ba mươi năm sau, năm 1941, Người trở về, mang theo “hạnh phúc là đây, cơm áo đây rồi”, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang, đem lại hạnh phúc, ấm no cho dân tộc. Ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn, nhân dân khắp nơi trên dải đất hình chữ S đều hướng về Ba Đình, về Thủ đô Hà Nội, trái tim của đất nước với khí thế nô nức, phấn khởi, với niềm hạnh phúc dâng trào khi được làm chủ vận mệnh đất nước, khi giành được “quyền tự do, bình đẳng, bác ái”.
Hà Nội 1945 với “thênh thang 5 cửa ô” với hồ Gươm in bóng ngàn năm Đông Đô hùng thiêng, với bao chiến công rạng rỡ non sông. Hà Nội nay, sau 68 mùa Thu lịch sử đã có những đổi thay vượt bậc, đặc biệt là sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính. Hiện nay, Hà Nội có hơn 7 triệu người với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức gấp 1,5 lần mức tăng bình quân của cả nước. Những đại lộ được mở rộng, các tuyến đường vành đai được hình thành, những khu đô thị mới mọc lên, những trung tâm thương mại được xây dựng… đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong sự phát triển vượt bậc đó, có đóng góp không nhỏ của hàng vạn người con Nghệ An đang học tập, công tác, sinh sống tại Hà Nội; mang theo những tinh hoa và nét tính cách Nghệ giản dị, trung thực, thẳng thắn hòa với sự thanh lịch, văn hiến của người Tràng An.
Quảng trường Ba Đình những ngày Thu lịch sử, từng dòng người nối nhau vào Lăng viếng Bác với tất cả niềm thành kính thiêng liêng, lòng kính yêu Người không bao giờ vơi cạn. Nghệ An quê Bác những ngày Thu tháng Tám, cũng nườm nượp đón chào mọi người dân Việt tìm về quê Chung. Kim Liên – Nam Đàn sau chuyển đổi ruộng đất, những cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay, với đa dạng cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao. Những tuyến đường nông thôn mới đổ bê tông rộng thênh thang, những ao Sen nở nốt những bông muộn đón những người con xa xứ về với quê Người trong nỗi nhớ chung. Nhưng với “Vị Cha chung” thì cả cuộc đời bôn ba “vì nước, vì non” nên Người chỉ có dịp về thăm quê hai lần vào tháng 6/1957 và tháng 12/1961.
Luôn đau đáu trong lòng Người tình cảm da diết “Quê hương nghĩa trọng, tình cao”, mỗi lần về thăm, Bác đều căn dặn Đảng bộ và nhân dân xã nhà ra sức sản xuất, phấn đấu để “dân được no ấm, trẻ được học hành”. Khắc ghi lời Bác dạy, đến nay Kim Liên có sự đổi thay về mọi mặt, hiện tại xã xây dựng được gần 2km đường giao thông nội đồng, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng; xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao, với diện tích 2ha; 2 tuyến đường Hồng Sơn - Vân Hội và cầu Đồng Sú đang được thi công với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng. Về hệ thống trường học, đã xây dựng Trường Mầm non Hoàng Trù, kinh phí 1,6 tỷ đồng; xây mới Trường Tiểu học Làng Sen với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2013, hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM.
Đối với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, trong những ngày Thu lịch sử của năm 2013 là, ngày 30/7/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Nghị quyết nêu rõ, từ nay đến năm 2020, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các nghị quyết của Trung ương gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, Nghệ An cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Sự quan tâm đặc biệt đó của Bộ Chính trị sẽ là động lực, là “cú hích” lớn để Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá như sinh thời Bác hằng mong muốn.
79 mùa Xuân, vị Cha già dân tộc đã hy sinh cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ, ra đi tìm đường cứu nước ở Bến nhà Rồng, bôn ba xa xứ 30 năm sau, Người đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng, địa đầu Tổ quốc. Ngày 2/9/1945, giữa trời Thu lịch sử tại Quảng trường Ba Đình, Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để rồi, đúng 24 năm sau, ngày 2/9/1969, Người ra đi vào cõi vĩnh hằng. Sự trùng lặp đó, như một định mệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người gắn liền với vận mệnh dân tộc, hạnh phúc nhân dân.