(Baonghean) - Một độc giả có địa chỉ tại HTX Thạch Mỹ, Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu trình bày: HTX Thạch Mỹ có một phần diện tích đất nông nghiệp nằm bên bờ sông Thái. Trước đây những ruộng sát bờ sông thường bị mất nước, năng suất lúa thấp. Thời gian gần đây lại thường xuyên bị ngập úng, một số diện tích đất không canh tác được. Nguyên nhân do các mương tiêu bị các công trình khác chèn nhỏ lại cộng với nước thải sinh hoạt  chảy lẫn với nước tưới. Xã viên thấy làm ruộng không hiệu quả nên nhiều hộ đã bỏ hoang. Cụ thể như năm nay, vụ đông xuân bỏ hoang khoảng vài mẫu; vụ mùa bỏ hoang khoảng 5-7 ha. Tuy nhiên, hợp tác xã Thạch Mỹ lại không có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho xã viên, mà còn thu các khoản theo đầu sào cả diện tích bỏ hoang. Khi xã viên thắc mắc thì Ban quản trị trả lời: Ai không làm nữa thì trực tiếp trả lại cho xã, khỏi phải đóng công điều hành. Nếu chưa trả ruộng mà bỏ hoang thì vẫn phải đóng. 
 
Hỏi:
 
1. Ban quản trị hợp tác xã trả lời như vậy có đúng với các quy định của pháp luật hay không?
 
2. Hợp tác xã nông nghiệp có phải đóng bảo hiểm xã hội cho Ban quản trị không? Nếu có thì mức đóng được quy định như thế nào?
 
Trả lời:
 
1. Điều 170, Luật Đất đai 2013 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất. Trong đó, Khoản 3 của điều này quy định rõ người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp các xã viên trong hợp tác xã của ông/bà trong năm nay không canh tác trên đất, nhưng về nguyên tắc họ vẫn là người sử dụng đất. Do đó, họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất. Như vậy, việc Ban quản trị trả lời xã viên như trên là phù hợp với quy định của pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi cũng như phù hợp với hiệu quả sử dụng đất, những khó khăn thực tế, hợp tác xã cần phổ biến quy định của pháp luật đất đai liên quan đến thuế sử dụng đất nông nghiệp, quy định của Luật Hợp tác xã, Điều lệ Hợp tác xã để bà con xã viên nắm vững, tránh tình trạng đất bỏ hoang nói trên.
 
2.Luật Bảo hiểm xã hội và văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định chi tiết về nội dung này, cụ thể Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:  Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động kể cả cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên.
 
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29/6/2006 thì: “Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động”. 
 
Về nghĩa vụ của hợp tác xã, Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng quy định rõ: Phải ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
 
Căn cứ vào các quy định trên, Ban quản trị hợp tác xã là người lao động được tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hợp tác xã nông nghiệp Thạch Mỹ là người sử dụng lao động có nghĩa vụ tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho các xã viên (bao gồm cả Ban quản trị hợp tác xã).
 
Về mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay được quy định đóng bằng 26%  mức tiền lương, tiền công của tháng; trong đó, người lao động đóng 8%, còn người sử dụng lao động đóng 18%. 
 
Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự