(Baonghean.vn) -Với chi phí khoảng 500.000 đồng, mỗi hộ dân ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) có một hố xử lý rác đảm bảo môi trường vô cùng hiệu quả.
Mô hình này còn góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho người dân, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp.
Trước đây, người dân một số xã vùng sâu vùng xa của huyện Nghĩa Đàn có thói quen xả rác tại các điểm công cộng, ven đường, mương máng... Vì thế, trên địa bàn hình thành các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan làng xã.
Vào năm 2014 - 2015, huyện Nghĩa Đàn chọn 2 xã Nghĩa Mai và Nghĩa Sơn làm điểm để xây dựng mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Sau khi phát động, triển khai mô hình, người dân đã ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường có tác dụng đến sức khỏe và cuộc sống của mình nên mỗi gia đình tích cực giữ gìn vệ sinh từ trong nhà ra đường làng, ngõ xóm, đến tận các chân ruộng.
» Làng sạch đẹp nhờ hố rác tập trung
Ông Nguyễn Thế Vang ở xóm 7B, xã Nghĩa Mai cho biết: "Trước đây, người dân vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường. Từ khi vận động bà con xây hố rác đốt tại nhà, vấn đề vệ sinh môi trường được đảm bảo. Các gia đình gom rác lại, 3 - 4 ngày đốt 1 lần đảm bảo vệ sinh môi trường trong thôn xóm".
Tại xã Nghĩa Sơn, khi mới phát động điểm mô hình xử lý rác thải tại gia đình cũng gặp không ít khó khăn, vì thói quen xả rác tùy tiện của nhiều người dân. Nhưng sau thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động; đặc biệt, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong thực hiện làm trước, đến nay, mỗi gia đình xây một hố rác thải và đã xóa được các điểm xả rác thải tự phát.
Theo ông Nguyễn Thế Lực - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nghĩa Sơn hiện mô hình đã nhân rộng 9/9 xóm; hàng tuần, công tác vệ sinh, thu gom rác thải tại các cụm dân cư được người dân duy trì đều đặn.
Thành công từ mô hình trên, hiện rất nhiều xã trên địa bàn Nghĩa Đàn đã nhân rộng mô hình hình xử lý rác thải nơi công cộng.
» Báo động ô nhiễm từ rác thải ở chợ quê
» Thanh Chương: Đổi rác thải lấy con giống
Minh Thái