(Baonghean) - Khi họa sỹ, Thượng tá quân đội Ngô Phi Công (nguyên cán bộ Nhà văn hóa Quân khu 4) tự nhận mình là người “ham chơi”, tôi hiểu đó là cách thường thấy ở các nghệ sỹ. Và trong câu chuyện về nghề, về cuộc sống,  ông vẫn có những khiêm nhường chân thành của một người lính...  

Tôi cảm ơn một sáng mùa Đông như thế này, được ngồi trò chuyện với ông trong khung cảnh ngoại ô dễ lắng đọng những nhạy cảm vốn có để người nghệ sỹ trải tâm sự, dù vui buồn vẫn hiển hiện những khát khao đẹp đẽ. Trong ngôi nhà của họa sỹ Ngô Phi Công ở xóm Trung Thuận (xã Hưng Đông, TP. Vinh), nhìn lớp bụi thời gian và màu nắng mưa phủ trên những bức sơn dầu, các khối điêu khắc... dễ nghĩ ông phải đằm vào đâu đó sâu lắng lắm, mới bắt những đứa con tinh thần của mình “dừng lại” ở đời sống nghệ thuật như thế này?!
 
images898982_h_a_s__ng__phi_c_ng_b_n_t_c_ph_m__chi_n_th_ng_b_ch___ng_.jpgHọa sỹ Ngô Phi Công bên tác phẩm ’Chiến thắng Bạch Đằng’.
 
Về hưu năm 2004, từ Nhà Văn hóa Quân khu 4, mức lương thượng tá của ông cộng với thu nhập từ cái quán nhỏ của vợ ở TP. Vinh thì để nuôi cô gái út ăn học kể cũng là đủ. Nhưng hai năm nay, vì có cháu ở Lào, vợ sang đó làm ăn nên ông cũng sang theo một thời gian. Và ở đó, ông đã tìm cho mình một công việc là chạm khắc, chế tác các tác phẩm mỹ nghệ từ gỗ tự nhiên, để tiếp nối đam mê, ấp ủ dự định sáng tạo mới khi nay mai trở về nước sinh sống... Dịp này ông về để tính toán sửa lại nhà cửa, sắp đặt lại những tranh, tượng đang ngổn ngang kia, mà như ông nói vui, là cũng như để “sửa mình”! Nếu thế, thì có cảm nhận ở ông một nỗi niềm nghệ sỹ ẩn khuất, cũng không là sai chăng? 
 
Các tác phẩm điêu khắc “Lão nông”, “Cọc tiêu sống” của họa sỹ Ngô Phi Công.

Sinh năm 1958, trong một gia đình nông dân nghèo ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), bước đi đến với hội họa của họa sỹ Ngô Phi Công gần như là sự ngẫu nhiên mà khi có dịp, đam mê lại dẫn lối cho ông có những quyết định bước ngoặt. Nhà chỉ có hai anh em trai, người anh của ông vốn tật nguyền, bé nhỏ và ốm yếu nhưng lại yêu thương ông đến mức tôn thờ, tuyệt không cho ông đụng tay và việc đồng áng và lao động hết sức lực cho ông chuyên tâm học hành, và ông cứ thế lớn lên với sách vở, với những mơ mộng đồng quê.

Người anh tật nguyền của ông cũng ham mê kẻ vẽ, là một người có tiếng hoa tay ở quê. Ông thì từng ước lớn lên sẽ trở thành một người thợ chụp ảnh để thu lại nhưng khoảng khắc đẹp đến nao lòng trong mỗi ban mai, mỗi hoàng hôn của  làng quê ông. Tốt nghiệp phổ thông, không đậu đại học; vào quân ngũ năm 1977, đến năm 1979 ông ra Quân khu bộ và lấy vợ quê Nam Đàn, sống tại Nghệ An cho đến bây giờ... 

 
Khi về công tác ở Nhà Văn hóa Quân khu 4, Ngô Phi Công thoạt đầu làm thuyết minh ở đội chiếu bóng lưu động. Phục vụ khắp các đơn vị chủ lực trên địa bàn 6 tỉnh, đến đâu ông cũng dành những phút rảnh rỗi để đắm mình trong khung cảnh thôn quê. Và không biết có phải càng đi xa ông lại càng cảm thấy có lỗi với người anh của mình hay không, nhưng trong ông luôn có những ám ảnh cánh đồng đến lạ. Một đụn khói rơm, một dáng xiêu gầy bên đường cày, tiếng vó trâu lộc cộc đường làng... ở bất cứ đâu đó cũng làm ông xúc động đến rơi nước mắt. Ông có làm thơ, từng “đánh liều” đến đọc thơ ở Đại học Vinh; nhưng mặc dù ông nhận thấy thơ dễ chuyển tải những mỹ cảm cuộc sống đến với công chúng, ông vẫn mơ một ngày cầm cây cọ như một họa sỹ thực thụ vì ông nghĩ hội họa dễ đưa người ta trở về một không gian ký ức cụ thể hơn. Thế rồi, vào năm 1982, khi Nhà Văn hóa Quân khu mở một lớp học vẽ 6 tháng do họa sỹ Nhật Lệ (tác giả bức tranh cổ động “Việt Nam bách thắng” nổi tiếng) làm chủ nhiệm, ông không có trong danh sách học viên, nhưng xung phong được làm người mẫu. Sau 2 tuần, ông xin họa sỹ Nhật Lệ được vẽ thử. Ngạc nhiên và thích thú với năng khiếu của “chàng lính người mẫu” Ngô Phi Công, họa sỹ Nhật Lệ đã gật đầu đồng ý cho ông thôi nhiệm vụ người mẫu để “học ké”. 
 
Khóa học ngắn hạn đó cũng đủ để Ngô Phi Công tự tin làm quen với cây cọ. Và đây chính là lúc “ám ảnh cánh đồng” trỗi dậy trong ông. Ngô Phi Công bảo với tôi: “Phóng viên không được cười nhé!... Nhưng khi biết vẽ là tôi rất thích vẽ về con trâu. Tôi thương con trâu cày kéo như thương một thân phận người vậy. Lớn lên ở quê nghèo, tôi biết tầm quan trọng của con trâu đối với người nông dân như thế nào. Tình cảm giữa người chủ với con trâu cũng gắn bó ra sao!...”. Con trâu của nhà nông với đặc tả đôi mắt tròn to hiền hòa, hàng mi dài rợp và bốn vó luôn căng bấm trên đồng ruộng, đường làng... vào tranh của Ngô Phi Công một cách phóng khoáng nhưng đầy ám ảnh thôn quê. Ngô Phi Công nói tiếc rằng hiện ông không lưu giữ lại được một bức tranh nguyên vẹn nào mà ông vẽ về con trâu nữa, nhưng nếu một ngày ông trở lại với cây cọ ông sẽ tiếp tục vẽ trâu. Tôi chia sẻ với ông, người nghệ sỹ nào cũng nên đóng vai trò đại diện cho một nét cuộc sống mà mình nhận thấy ở đó cái đẹp đầy tính nhân văn... 
 
Có lẽ bước ngoặt lớn nhất đối với họa sỹ Ngô Phi Công là vào năm 1985, ông cùng đoàn công tác của Nhà Văn hóa Quân khu đi tham gia trưng bày triển lãm, mỹ thuật ở Bảo tàng Huế. Tại đây, ông gặp một số họa sỹ là giảng viên của Đại học Mỹ thuật Huế sang giúp đoàn sửa lại một số bức tượng bị hỏng, ngay sau đó ông xin lãnh đạo cho ở lại Huế ôn thi 3 tháng và thật bất ngờ khóa đó ông đậu vào Đại học Mỹ thuật Huế với điểm số cao nhất, thuộc tiêu chuẩn đi Liên Xô (cũ) học, với điều kiện phải rời quân ngũ. Nhưng ông đã quyết định hướng đi làm nghệ thuật gắn với đời lính... Đến năm 1990, học xong Ngô Phi Công trở về công tác ở Nhà Văn hóa Quân khu, vẽ nhiều tranh màu nước và sơn dầu với 2 mảng đề tài: nông thôn và lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Thời kỳ ấy, dù dồn nén nhiều dự định sáng tác, nhưng với nhiệm vụ người lính, Ngô Phi Công đã lao công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, một năm mở một lớp dạy vẽ cho các học viên là bộ đội ở các đơn vị về học phục vụ công tác tuyền truyền... cho đến khoảng năm 2000 ông mới bắt tay vào bộ môn điêu khắc và có những thăng hoa sáng tạo nhất định. Với các tác phẩm điêu khắc trên chất liệu gỗ, Ngô Phi Công đã liên tục đoạt giải thưởng ở các cuộc thi, trưng bày ở khu vực và các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 (trong đó có một giải Nhì, Giải VHNT Hồ Xuân Hương của Nghệ An); điển hình các bức như “Chiến thắng Bạch Đằng”, “Lão nông”, “Bình Yên”... Ngô Phi Công chia sẻ, ông không được đi qua chiến tranh với tư cách người lính, nhưng được đọc qua sách báo về các chị thanh niên xung phong lấy bắp chân con gái thanh xuân làm cọc tiêu sống cho xe bộ đội qua ngầm trong đêm, đã khiến ông xúc động để sáng tạo tác phẩm điêu khắc “cọc tiêu sống” được giới điêu khắc biết đến và được đưa vào bộ sách ảnh của Hội Mỹ thuật Việt Nam...
 
Tự nhận mình kẻ ham chơi và kiếm tiền rất kém, họa sỹ Ngô Phi Công cũng hiểu được cái giá của sinh kế đối với giới làm nghệ thuật. Ông nói ước ao lắm được đắm mình trong một không khí sáng tác của anh em đồng nghiệp ở Hội VHNT tỉnh, nhưng rồi cứ ngại ngần ở tâm lý chung  là vẽ hay điêu khắc thì anh em trong nghề ở tỉnh còn ít quá, chưa tạo được môi trường thẩm định, tôn vinh; công chúng thì còn quá vắng ở các trưng bày... Để tới được giới hạn giá trị nghệ thuật là phụ thuộc rất lớn vào tài năng của người nghệ sỹ, nhưng môi trường sáng tác cũng là quan trọng. Đã hai năm ở Lào, hàng ngày để hết tình cảm vào những sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ rễ cây rừng, vừa là là cách mưu sinh nhất thời, vừa là đi tiếp đam mê, họa sỹ Ngô Phi Công ấp ủ sẽ trở lại với một triển lãm mỹ thuật gần đây ở Nghệ An với một tác phẩm điêu khắc mà như ông nói, chỉ để được nói lên tình cảm sâu nặng của ông đối với quê hương miền Trung. Ông hé lộ tên tác phẩm là “Lũ quét” với chất liệu kết hợp ống nhựa, tre, gỗ…
 
Cái không cho phép mình nhạt đam mê sáng tạo và mong muốn được cống hiến cho nghệ thuật, với ông đó là phẩm chất lính.
 
Đình Sâm