Xã hội ngày càng phát triển thì mô hình gia đình hạt nhân, tức gia đình có hai thế hệ, đang có xu hướng gia tăng như một tất yếu. Tuy nhiên, mô hình gia đình truyền thống tam, tứ đại đồng đường, vẫn có chỗ đứng đáng kể trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Hình ảnh quen thuộc thường thấy của kiểu gia đình truyền thống là ông bà, cha mẹ, con cháu sống quây quần. Người xưa có câu "lão lai tài tận", nhưng trên thực tế không phải như vậy. Ngày nay, người cao tuổi vẫn có đóng góp nhiều mặt trong đời sống gia đình nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.
Với truyền thống "Kính lão đắc thọ", người cao tuổi bao giờ cũng được con cháu tôn kính, quý trọng. Người cao tuổi trong gia đình luôn là điểm tựa vững chãi, là kho kinh nghiệm quý báu.
Dù tuổi cao sức yếu, phần lớn các cụ vẫn tham công tiếc việc. Đỡ đần hàng ngày như cơm nước, lợn gà, quét dọn nhà cửa, chăm sóc các cháu, không ít các cụ khi thấy con cháu khó khăn đã tự nguyện lao động vừa sức, thậm chí kiếm việc làm thêm. Dù cả khi không còn sức lao động thì sự hiện diện của các cụ cũng như cây cổ thụ tỏa bóng mát, tạo cảm giác bình yên đối với mỗi gia đình.
Vai trò đặc biệt quan trọng của người cao tuổi được thể hiện rõ trong công tác nuôi dạy con cháu. Khi cha mẹ bận rộn, các cháu được yên tâm gửi gắm cho ông bà. Là thế hệ từng trải, chín chắn, thống nhất giữa lời nói với việc làm, các cụ luôn là tấm gương sáng về đức hi sinh, cần cù, nhân hậu, vị tha, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhân cách các cháu ngay từ thuở ấu thơ. Hằng ngày, các cụ gần gũi các cháu bằng lời ru ngọt ngào, từ những câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện cổ tích, các cụ khéo léo gieo vào tâm hồn thơ trẻ ý thức vềcái đẹp, cái thiện, cái ác, cái vinh, cái nhục. Các cụ cũng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Những câu chuyện về những năm tháng sống, chiến đấu của cha ông, những tấm gương hi sinh anh dũng của các thế hệ đi trước đã và sẽ góp phần bồi dưỡng cho con cháu lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc. Hầu hết các cụ đều coi trọng lối sống tích cực "Ở hiền gặp lành", với quan niệm "Sống hiền lành nhân hậu, để phúc đức cho con cháu". Từ suy nghĩ đến hành động các cụ đều muốn hướng con cháu đến những điều nhân đức, lối sống lành mạnh, trong sáng, tránh xa các tệ nạn xã hội...
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có ổn định bền vững thì xã hội mới phát triển phồn vinh. Ngày nay, lớp người cao tuổi đang ngày càng khẳng định, chứng tỏ vai trò, vị trí tích cực, không thể thay thế của mình trong mô hình gia đình hiện đại. Và ngược lại, chăm lo, quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của lớp người cao tuổi là bổn phận và trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đó cũng là nét đạo lí truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được giữ gìn và không ngừng phát huy!