(Baonghean) - Chỉ hơn một năm sau ngày kỷ niệm 40 năm Truông Bồn chiến thắng, lời hứa của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An với các anh, các chị thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn đã được thực hiện, đó là dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn đã được khởi công xây dựng. Tại đây, chỉ vài năm nữa, một Khu di tích lịch sử văn hóa sẽ được hoàn thành, xứng với tầm vóc, sự hy sinh cao cả và anh dũng của các liệt sỹ TNXP.

Dễ dàng nhận ra niềm xúc động của người dân Mỹ Sơn và đông đảo đại biểu tham dự khi ngay từ sáng sớm hàng trăm người dân đã đến khu mộ của các liệt sỹ để chờ đợi lễ khởi công xây dựng dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn. Đây là niềm mong mỏi bấy lâu của bà con nơi đây, cũng là niềm mơ ước của bao đồng đội, đồng chí về một nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho 13 liệt sỹ TNXP.

763221_small_56394.jpg

Nơi đây, hơn 40 năm về trước tại "tọa độ lửa" Truông Bồn hàng nghìn TNXP của Nghệ An đã làm "cọc tiêu sống" để rà phá, san lấp hố bom thông tuyến cho đoàn xe của quân giải phóng. Cũng tại nơi đây, đêm 30 rạng ngày 31/10/1968 để đảm bảo giao thông cho đoàn xe quân sự vượt Truông Bồn, 13 trong tổng số 14 chiến sỹ của đại đội 317 đã hi sinh. Trong số đó, 6 liệt sỹ còn nguyên vẹn hình hài, 7 liệt sỹ khác đã hóa thân trong đất đá quê hương và được quy tập về trong một nấm mồ chung. Xót xa hơn, đây là trận bom dữ dội và định mệnh cuối cùng trước khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc để ngồi vào bàn đàm phán. Và trong số các liệt sỹ đã hi sinh, bốn người đã làm xong thủ tục để ra quân và đã có giấy trúng tuyển vào trung học chuyên nghiệp, hai người đã dự định về quê đám cưới, một người mới cưới vợ chưa đầy một tháng...

Ngồi lẫn trong hàng ghế đại biểu, chị Nguyễn Thị Duân (Vĩnh Thành - Yên Thành), em dâu của liệt sỹ Trần Văn Hạp, người mà hơn 40 năm nay thay bố mẹ, thay chồng thờ anh rể không khỏi ngậm ngùi. Nhìn cờ hoa rợp trời, nhìn đồng đội của anh "tay bắt mặt mừng" lòng chị không khỏi buồn khi nhớ về anh, thương anh và thương chị dâu của mình khi chỉ 19 ngày sau khi cưới anh Hạp đã hi sinh. Mới sáng nay thôi, trước khi được đứa cháu chở về Mỹ Sơn để dự lễ khởi công, chị đã đứng trước di ảnh anh Hạp, chị dâu, di ảnh chồng để nói về sự kiện trọng đại này. Lòng khấp khởi, chị đã cầu mong: linh hồn các anh linh thiêng về chứng kiến giờ phút cảm động này...
 
Cũng từ Yên Thành, bác Nguyễn Tâm Cớn - người anh cả của đại đội 317 đã có mặt ở Mỹ Sơn từ tờ mờ sáng. Giờ phút chứng kiến lễ khởi công, tâm trí của bác bỗng sống lại ngày cuối cùng của các em ở Truông Bồn: không hiểu sao trước hôm hy sinh Hạp không ngủ, cả đêm làm nhiệm vụ trực ban cậu ấy cứ mân mê cái điếu rồi trằn trọc kể về bố mẹ, về người vợ mới cưới. Có lẽ cậu ấy có linh cảm?! Tự đặt câu hỏi rồi bác lại chăm chú vào bản phối cảnh về khu tưởng niệm trong tương lai, nơi đang hứa hẹn sẽ là một điểm du lịch lịch sử văn hóa hấp dẫn, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.Theo kế hoạch dự án được thực hiện trong 5 năm, sau khi hoàn thành sẽ bao gồm khu trung tâm ở dốc Kì Lợn, khu đài chiến thắng tại dốc U Bò và khu vực xóm 9 tại xã Mỹ Sơn với đài tưởng niệm, khu mộ, tượng đài, phù điêu... và phục dựng thêm nơi nghỉ và sinh hoạt của các chiến sỹ, nhà để xe rà phá bom mìn, nhà bếp, nhà ăn, hầm trú ẩn...
 

Với tổng mức đầu tư gần 175 tỷ đồng, dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn là dự án mang nhiều ý nghĩa lịch sử nhất. Với dự án này từ ý tưởng đến quá trình triển khai, vai trò của những doanh nghiệp và các nhà từ thiện đóng vai trò vô cùng to lớn. Với lòng tri ân biết ơn vô hạn những người đã ngã xuống, bà Thái Thị Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Bắc Á đã chia sẻ cảm xúc của mình trước sự hi sinh cao cả của các chiến sỹ TNXP và hy vọng sẽ có thêm nhiều sự trợ giúp nữa của các tập thể và cá nhân để công trình sớm được hoàn thành theo kế hoach... Sự kỳ vọng của bà Hương cũng chính là niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An về một công trình có già trị, cả về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Hà - Ly