Hội phụ nữ và trọng trách đi đầu


Những năm qua, cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ).


Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và mạng lưới cộng tác viên dân số hầu hết là cán bộ chi hội phụ nữ đảm nhận. Bằng các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống các cấp hội, Hội Phụ nữ đã chỉ đạo lồng ghép đào tạo, bồi dưỡng cán bộ truyền thông vào các khóa đào tạo tập huấn của các chương trình, các dự án.

Hàng năm, Hội đã phối hợp với các ngành, các tổ chức liên quan tổ chức trên 548 lớp chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ và CSSKSS tại các huyện, thành, thị cho 812.000 lượt hội viên, phụ nữ. Ngoài ra, Hội còn đứng ra tổ chức các hội thi: "Truyền thông DS, KHHGĐ", "Kiến thức mẹ, sức khỏe con", "Thi tìm hiểu những điều cần cho sự sống". Đồng thời tổ chức các hội thảo, toạ đàm, sinh hoạt CLB theo chuyên đề, xây dựng các mô hình gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng, sinh hoạt nhóm nhỏ về sức khoẻ sinh sản, không sinh con thứ ba... Tổ chức giao lưu, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong công tác Dân số/KHHGĐ.


Hội đã chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức các hoạt động thiết thực như khám sức khỏe định kỳ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mở các lớp tập huấn truyền thông kiến thức CSSKSS, DS - KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, nuôi con theo khoa học, Luật Bình đẳng giới, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và các giải pháp khắc phục, thu hút 434.865 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia học tập.

Vận động chị em thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, động viên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt chính sách KHHGĐ, nhằm thực hiện mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh, hạnh phúc. Đặc biệt, Hội LHPN cấp cơ sở đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, cấp phát thuốc cho những chị em mắc bệnh với số tiền hàng trăm triệu đồng. Hội LHPN các cấp vận động 100% phụ nữ đi khám thai định kỳ và tiêm phòng đủ mũi; vận động các bà mẹ có con từ 0 - 60 tháng tuổi đi tiêm phòng và uống vitamin A đầy đủ.


Hội Phụ nữ các cơ sở đã triển khai xây dựng các mô hình lồng ghép Dân số và phát triển, nhiều mô hình trở thành điểm sáng được các ngành, các cấp đánh giá cao và nhân rộng các mô hình các CLB chuyên đề. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.761 mô hình CLB chuyên đề về chăm sóc SKSSBM - TE, DSKHHGĐ với gần 500.000 thành viên tham gia sinh hoạt. Ngoài ra còn có các CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc; CLB Phòng chống suy dinh dưỡng; CLB Phòng chống bạo lực gia đình; CLB Bà nội, bà ngoại... Đáng chú ý là Câu lạc bộ Không sinh con thứ ba trở lên thu hút 62.568 thành viên tham gia, nhất là sự tham gia của các đối tượng nam giới, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.


Tuy nhiên, điều quan trọng là thay đổi tư duy, nhận thức và cả hành vi cho các đối tượng trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Để làm được điều đó, Hội LHPN đã chủ động khai thác các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, phối hợp với ngành Y tế tổ chức các lớp truyền thông, cấp phát hàng ngàn tờ rơi, áp phích, sách ảnh, các phương tiện phục vụ truyền thông về SKSS, KHHGĐ đến tận cơ sở.

Các cấp hội còn đào tạo được đội ngũ báo cáo viên, tình nguyện viên năng động, nhuần nhuyễn các kỹ năng tư vấn cho cộng đồng về SKSS, KHHGĐ. SΩn sàng triển khai tuyên truyền bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu khi cần thiết, từ đó giúp các kiến thức về SKSS, KHHGĐ được phổ biến rộng rãi. Hiện, toàn tỉnh có trên 6.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp hội, là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động truyền thông về DS-KHHGĐ và SKSS tại các cơ sở.


Khi nhà nông "kế hoạch hóa"


Mô hình Câu lạc bộ "Nông dân, dân số và phát triển" với 5 tiêu chí "no ấm, khoẻ mạnh, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc" là một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả trong công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với ngành DS-KHHGĐ. Thông qua mô hình CLB, tổ chức hội lồng ghép, truyền tải nhiều nội dung như: tuyên truyền pháp lệnh dân số; hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản; xây dựng tổ chức hội, chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn... thu hút từ 40-50 hội viên/CLB.


Hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập được 22 CLB Dân số-KHHGĐ, trong đó nổi bật là CLB "Nông dân, dân số và phát triển" ở các huyện Hương Nguyên, Anh Sơn, Con Cuông; CLB "Những người đàn ông sinh con một bề" ở Đô Lương, "Truyền thông sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ - Bình đẳng giới với tín dụng tiết kiệm và khuyến nông" ở Thanh Chương, Tân Kỳ, Diễn Châu, Nghi Lộc; CLB "Nông dân với dân số và phát triển"... đã phát huy tác dụng tích cực trong thực hiện chính sách DS - KHHGĐ trên địa bàn nông thôn.


Trước thực trạng đáng báo động tỷ số giới tính khi sinh ở mức 1 trẻ em trai/100 trẻ em gái, các cấp Hội Nông dân đã triển khai thí điểm mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đó là đổi mới phương thức hoạt động, lồng ghép nội dung tuyên truyền với việc tổ chức các hội thảo về chuyên đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong sinh hoạt các CLB nông dân như CLB Dân số - KHHGĐ, CLB gia đình nông dân phát triển bền vững, CLB Nam nông dân không sinh con thứ ba, CLB 6 chuẩn mực... Đối tượng trực tiếp và chủ yếu của các hoạt động trên là nam nông dân, bởi trên thực tế ở nhiều vùng quê, nhiều gia đình, nam giới là người quyết định mọi việc.


Song song với đó, các cấp hội đã đưa việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại "Gia đình nông dân văn hóa", "Gia đình sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp; xếp loại tổ, chi hội vững mạnh hàng năm. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có trên 4,6 vạn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 36 vạn hộ nông dân được công nhận GĐVH, đây cũng là những hộ thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.


Hương - Phúc