(Baonghean.vn) - Tránh lạm dụng kỹ thuật cao, đồng thời phát triển và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại đòi hỏi ngành Y tế, các bệnh viện phải có sự đầu tư đồng bộ từ đội ngũ y, bác sỹ đến cơ sở vật chất, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh.
--> xem Bài 2: Lạm dụng tràn lan
Để tránh việc lạm dụng kỹ thuật cao trong điều trị đối với bệnh nhân bảo hiểm, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế được thực hiện từ 1/12/2011. Theo đó, những hành vi như: kê tăng số lượng hoặc thêm các loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật... mà thực tế người bệnh không sử dụng, lạm dụng dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, cao nhất tới 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, ranh giới giữa lạm dụng và không lạm dụng cũng rất mong manh, vì thế, chắc chắn sẽ gây khó cho các cơ quan chức năng khi kiểm tra (điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nếu như theo yêu cầu người bệnh hoặc trình độ thầy thuốc thì cũng rất khó để phán xử).
Tuy nhiên, bác sỹ Phạm Văn Thanh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, một trong những việc cần làm ngay chính là tập trung thanh, kiểm tra giá cả dịch vụ y tế, không để tăng giá vô tội vạ; rèn luyện cho mỗi cán bộ ngành Y thấy được trách nhiệm của mình trong chống suy thoái kinh tế mà biểu hiện rõ nhất là hạn chế lạm dụng thuốc và các dịch vụ cận lâm sàng khi chỉ định cho bệnh nhân, tiến tới giải pháp điều trị không dùng thuốc.
Với người thầy thuốc, cần mạnh dạn từ chối những yêu cầu không chính đáng của bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân, của những nhà quản lý, đầu tư về sử dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Chỉ nên thực hiện các kỹ thuật khi xác định đúng chỉ định và tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội của từng người bệnh. Về người bệnh cũng nên trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu, không gây áp lực tâm lý cho thầy thuốc.
Để T.P Vinh trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung bộ thì việc ứng dụng các kỹ thuật cao được xem là yếu tố hàng đầu và thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư thiết bị cho ngành Y tế.
Tuy nhiên, khó khăn, bất cập lớn nhất hiện nay chính là sự phát triển không tương xứng giữa trình độ thầy thuốc với trang thiết bị hiện đại. Tiến bộ y học phát triển và thay đổi từng ngày, do vậy cập nhật để tiếp thu, nâng cao trình độ phải là đòi hỏi tự thân của người thầy thuốc. Cũng cần phải thẳng thắn để nhận ra rằng, có nhiều cơ sở y tế trình độ thầy thuốc không song hành với trang thiết bị, hay cơ sở vật chất không phù hợp với việc đặt thiết bị cao cấp mà về mặt quản lý chúng ta chưa có sự phân công, điều phối rõ ràng.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng KHKT hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đang là thách thức đối với các bệnh viện, do đó, chuyện người dân vượt tuyến vẫn còn là một bài toán khó được đặt ra. Những tiến bộ y học thời gian qua ở tỉnh ta là không thể phủ nhận, song cũng phải nhìn vào thực tế, chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều yếu tố để theo kịp với những tiến bộ chung của đất nước, khu vực.
Còn nhiều "mảng", "mũi" khá quan trọng mà chúng ta cần thiết phải chuyên sâu và đầu tư thiết bị cao, như: nội tiết, sản phụ khoa mà một trong những khó khăn chính là nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất. Chính vì thế, nhiều người dân Nghệ An còn rất vất vả khi "khăn gói" ra Hà Nội, vào T.P Hồ Chí Minh chữa vô sinh, thụ tinh trong ống nghiệm...
Nhận thức rõ việc đầu tư thiết bị phải gắn liền với nhân lực và cơ sở vật chất đảm bảo, nhiều B.V đã có một lộ trình cụ thể khi có ý định phát triển những lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi kỹ thuật cao và có thể xem như đó là tín hiệu đáng mừng. Ví như ở B.V Hữu nghị đa khoa tỉnh, để chuẩn bị cho kỹ thuật mổ tim hở sắp tới, B.V đã chuẩn bị nhân lực từ năm 2008.
Nhiều bác sỹ được cử đi học các lớp chuyên khoa tại tuyến Trung ương, thậm chí cả nước ngoài. Bên cạnh đó, B.V đã đầu tư xây dựng phòng mổ đạt quy chuẩn.
Trước đây, để có thể triển khai phòng mạch can thiệp, bên cạnh cử cán bộ đi học, B.V cũng đã nhờ sự trợ giúp của các bệnh viện Trung ương theo phương pháp "cầm tay chỉ việc". Hiện B.V cũng đang đầu tư hoàn thiện các kỹ thuật cao, khuyến khích phát triển kỹ thuật mới: phẫu thuật thực quản mở và nội soi, phẫu thuật nội soi khớp, định lượng virus viêm gan B, C, chụp mạch huỳnh quang đáy mắt, laser quang đông điều trị bệnh võng mạc...
Hay để chuẩn bị cho việc nâng cấp, mở rộng trong tương lai, B.V Ung bướu đã tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, đồng thời có chính sách kêu gọi những chuyên gia đầu ngành về giúp đỡ, làm việc. B.V đang cử đi đào tạo 15 bác sỹ về chuyên ngành ung thư, thu hút 8 bác sỹ, thạc sỹ, 1 tiến sỹ ( theo diện thu hút của tỉnh) về làm việc tại viện. Các B.V khác, như B.V Nhi Nghệ An tranh thủ việc chuyển giao kỹ thuật qua Đề án 1816, B.V Giao thông Vận tải Vinh kêu gọi xã hội hóa các trang thiết bị... Mỗi bệnh viện có cách đi riêng để chuyên sâu hóa các mũi nhọn, tạo đột phá, dấu ấn riêng, hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân...
Bác sỹ Bùi Đình Long - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: Để theo kịp với các tiến bộ y học, chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều. Và chính việc ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị sẽ đặt ra nhiều vấn đề liên quan cần phải giải quyết là kinh phí mua sắm thiết bị, đào tạo con người, khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng. Chỉ có khi đảm bảo được 3 yếu tố ấy, việc ứng dụng mới đạt được hiệu quả tốt nhất, bền vững nhất.