(Baonghean) - Năm 2014, kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Phúc Sơn (Anh Sơn) có nhiều chuyển biến tích cực. Đạt được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực chung của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác tuyên truyền, học tập những mô hình, cách làm hay từ báo đảng được xã khai thác hiệu quả. 

Cùng với việc đón nhận niềm vui công bố quy hoạch thị tứ thì Đảng bộ và nhân dân Phúc Sơn còn tự hào về những thành tựu đạt được những năm gần đây. Sản lượng lương thực vượt mức kế hoạch 4.200 tấn/4.000 tấn KH, thu nhập bình quân đạt 28.400.000 đồng/25.000.000 đồng KH, sản lượng chè huyện giao trồng mới 15 ha, nhưng xã trồng được 39 ha…
 
Đảng bộ xã Phúc Sơn có 31 chi bộ, trong đó có 5 chi bộ của 5 bản đồng bào dân tộc Thái, tỷ lệ hộ nghèo ở một số thôn, bản vẫn còn cao, có bản tỷ lệ hộ nghèo 76%. Chia sẻ công tác lãnh đạo của Đảng bộ xã Phúc Sơn, đồng chí Nguyễn Hữu Minh - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Phúc Sơn có những khó khăn nhưng cũng có nhiều lợi thế, điều quan trọng là cấp ủy biết phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện, chúng tôi luôn xem báo đảng là một kênh hỗ trợ thông tin hiệu quả giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành thuận lợi. Hàng năm  Đảng uỷ cân đối nguồn ngân sách, ưu tiên mua báo, tạp chí của Đảng cấp đủ cho các bí thư chi bộ và chức danh theo quy định. Từ đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân tăng cường trao đổi kinh nghiệm, lượng thông tin chính thống từ báo, tạp chí của đảng, nâng cao sự hiểu biết, chắt lọc được nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo ở cơ sở. Nhờ vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng cao, đảng viên, quần chúng nhân dân đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng xóm, làng bình yên, gia đình hạnh phúc”. 
 
images1103493_con_du_ng_m_i_du_c_n_ng_c_p___x_m_6_x__ph_c_son__anh_son___nh_nam_thu.jpgCon đường mới được nâng cấp ở xóm 6, xã Phúc Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Nam Thu
 
Ở Chi bộ xóm 6, trước khi họp chi bộ, đồng chí Bí thư dành 15 phút điểm một số tin tức nổi bật ở thông tin nội bộ của tỉnh, huyện và báo Nghệ An. Ngoài những văn bản, chính sách, tin tức thời sự nóng, những bài viết về phong trào xây dựng nông thôn mới, những thông tin về an ninh trật tự, xã hội, gương làm kinh tế giỏi… được quan tâm nhấn mạnh. Chi bộ xóm 6 có những đảng viên cao tuổi như Đặng Đình Đôn, Đặng Đình Thái  Đặng Quang Hoà, Nguyễn Danh Lam… thường xuyên tìm báo đọc. Bên ấm trà xanh, các đảng viên trao đổi, thảo luận những vấn đề xã hội đang quan tâm, từ đó gợi mở cho cán bộ, đảng viên và bà con những cách làm hay. Nhiều năm qua, bằng cách làm đó, xóm 6 không còn tệ nạn xã hội, các tổ chức xã hội đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Nhiều mô hình kinh tế được người dân xây dựng thành công, tạo sức lan tỏa trong quần chúng. Như anh Trương Văn Oanh, mới 30 tuổi đã làm chủ 2 mẫu lúa, 1 mẫu ngô, 5 loại công cụ làm dịch vụ: máy cày bừa, tuốt lúa, đập ngô, cắt lúa, rơm, rạ… Hay cựu quân nhân Nguyễn Văn Thái, sau khi phục viên trở về đã học hỏi kinh nghiệm từ những điển hình trên báo, tích cực trồng rừng, phát triển chăn nuôi; hiện anh có 10 ha rừng, 3 ha cá, nuôi hàng chục con bò sinh sản; anh còn đầu tư máy băm nguyên liệu giấy làm dịch vụ, ước tính mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
 
Trong số các địa bàn của xã Phúc Sơn, bản Cao Vều xa trung tâm nhất, sát biên giới Việt – Lào. Chính vì vậy, những thông tin từ báo, tạp chí của Đảng góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết của đảng viên và đồng bào nơi đây. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi, trồng và mạnh dạn chuyển đổi cây, con, mùa vụ hợp lý để tăng năng suất. Điển hình như việc cùng nhau làm thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây màu sang làm lúa nước, phân công hỗ trợ, giúp đỡ các hộ thoát nghèo, hướng dẫn và hỗ trợ các hộ dân vay vốn từ Nhà nước để phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, chi uỷ cùng với các cấp hội quan tâm, chia sẻ những thông tin, tư liệu quý từ những điển hình làm kinh tế của bà con vùng cao. Năm 2014 Bản Vều có thêm 10 hộ thoát nghèo, làm được nhà kiên cố, vươn lên khá. Anh Hà Văn Sáng, từ chỗ nhà ở tạm bợ, cuộc sống khó khăn, bằng sự nỗ lực của hai vợ chồng và sự hỗ trợ của cộng đồng, các cấp hội, đến nay anh đã làm được nhà kiên cố, mua sắm được các vật dụng gia đình, chăm lo cho các con ăn học đầy đủ. Hay như anh Lê Văn Thuần (dân tộc Thái), và anh Hoàng Ngọc Tuân đã thoát nghèo, vươn lên hộ khá.
 
Ông Nguyễn Bá Ngọ - Bí thư Chi bộ bản Cao Vều cho biết: “Vì ở xa trung tâm, nên chúng tôi rất quý trọng thông tin từ báo, tạp chí của Đảng. Qua việc sử dụng nguồn tài liệu này, chúng tôi đoàn kết, gắn bó chung tay xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng tốt hơn. Mặc dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng do làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động đã huy động mỗi lao động đóng góp 800 ngàn đồng, làm được một nhà văn hoá khang trang trị giá 400 triệu đồng với sân thể thao, bóng chuyền, sân khấu… khoảng 100 triệu đồng”.
 
Tìm hiểu thêm việc sử dụng báo ở Chi bộ Trường THCS Phúc Sơn, Bí thư - Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Đại cho biết: “Chúng tôi đã hình thành nếp sinh hoạt chi bộ, chuyên môn kết hợp với khai thác thông tin chính thống từ báo, tạp chí của Đảng. Hàng ngày, tại phòng chờ, cán bộ, giáo viên đọc báo, cập nhật thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, dân số, qua đó có thể hỗ trợ công tác giảng dạy, sau đó đưa về lưu trữ tại thư viện. Mỗi tháng sinh hoạt chi bộ, giao cho cấp ủy phụ trách, điểm báo, tờ tin của huyện, tỉnh trong khoảng 30 phút…”. 
 
Đồng chí Ngô Đình Hùng - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Anh Sơn cho biết: “Đảng ủy xã Phúc Sơn được Huyện ủy đánh giá là một trong những điển hình trong việc phát hành và sử dụng hiệu quả báo, tạp chí của Đảng. Mô hình này có thể xem là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị khác. Theo đó, Huyện ủy đang đề nghị các cơ quan báo đảng khen thưởng Đảng ủy xã Phúc Sơn về thành tích này”.
 
Đạm Phương