(Baonghean.vn) - "... Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" - lời dạy ấy của Bác Hồ giản dị, nhưng vô cùng ý nghĩa đối với công tác dân vận của Đảng ta và những người “làm dân vận”. Thực tiễn “dân vận khéo” ở cơ sở trong những năm qua của tỉnh ta càng cho thấy vai trò của công tác dân vận và các điển hình làm tốt dân vận đã góp phần quan trọng giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy mạnh các phong trào…
Khơi dậy sức dân
Về xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) hôm nay, cảm nhận được ý chí quyết tâm, tinh thần cùng nhìn về một hướng của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Xã đã hoàn thành 19 tiêu chí về nông thôn mới và đang trình các cấp để được công nhận đạt chuẩn. Sắp tới xã còn xây dựng đề án nông thôn kiểu mẫu... Chộn rộn khí thế ấy là từ đà của hơn một năm dồn sức để nay có thể “thở phào” cho “đích” nông thôn mới.
Một năm qua, Quỳnh Đôi đã xây dựng được 13,5 km đường bê tông, với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng; kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm lên tới hơn 64 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp và con em ngoài địa phương đóng góp ủng hộ lên tới gần 13 tỷ đồng, nhân dân địa phương đóng góp hơn 4 tỷ đồng. Khi được hỏi vì sao một địa bàn không có dịch vụ thương mại, nhưng kinh phí mà người dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng lại lớn thế? Ông Hồ Bảo Thông - Phó Bí thư Đảng ủy - Trưởng khối Dân vận Quỳnh Đôi cho biết: Là vì Quỳnh Đôi có đội ngũ dân vận hoạt động hiệu quả, họ là cán bộ xã, xóm, là những người cao tuổi, là các cán bộ đoàn thể, được phân công phân nhiệm mỗi người một mũi thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thực sự để “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Ở xã có cụ Phan Thị Hạnh Trang trên 80 tuổi vẫn hăng hái làm dân vận, lời nói, việc làm của cụ có tính lan tỏa rộng rãi. Ví như khi có chủ trương huy động sức dân cùng đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, lập tức cụ đi từng nhà vận động bà con đóng góp. Bà con nể và tin việc làm của cụ, nên đều ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Xã Quỳnh Lương cũng là địa phương đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Có được thành quả đó ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nội lực trong nhân dân, thì công tác dân vận cũng chiếm một phần rất quan trọng. Ở đây việc “dân vận khéo” được triển khai ở các cấp chính quyền và các đoàn thể, nhất là các hội viên Hội CCB, hễ có phong trào, cuộc vận động nào có sự chung tay của họ, bà con đều phấn khởi chấp hành nên cấp ủy, chính quyền đã xây dựng mô hình dân vận khéo do Hội CCB làm chủ, vì thế đạt được những thành tích cao. Ông Hồ Lâm Thông - Xóm trưởng xóm 3, xã Quỳnh Lương cho biết: “Nhân dân nghe mình vì họ thấy mình sẵn sàng hiến đất, ruộng vườn vì lợi ích chung,...”. Từ những suy nghĩ, hành động cụ thể, thiết thực của công tác dân vận đó, góp phần cho một chủ trương đúng, một cuộc vận động lớn ở Quỳnh Lương đạt được thành công.
Năm 2014 là năm có tính bứt phá trong chặng nước rút của phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng đã kịp thời chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và hướng dẫn việc tổ chức bình chọn, suy tôn các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc tham gia xây dựng “Nông thôn mới”. Nội dung “Dân vận khéo” tập trung ở những việc trọng tâm, thiết thực, những việc mới, việc khó, những vấn đề bức xúc, phức tạp ở cơ sở. Đến nay 5.833/5.833 xóm, bản, khối phố trên toàn tỉnh đã thành lập tổ dân vận, các tổ dân vận đã phát huy được vai trò của mình, thường xuyên sâu sát, gần gũi với nhân dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đã phát huy tốt quyền dân chủ trực tiếp của người dân.
Trên khắp tỉnh nhà, nơi những vùng quê nông thôn mới đang đổi thay từng ngày, đều một không khí thi đua phát triển nhờ nhiều vào công tác dân vận. Ở xã Sơn Thành có rất nhiều điển hình hiến đất, bờ rào, thậm chí có xóm trưởng dỡ cả ba gian nhà ngói để bàn giao mặt bằng cho xóm mở đường giao thông nội thôn. Hay như xã Hòa Sơn – một trong những địa phương dẫn đầu phong trào làm giao thông nông thôn của huyện Đô Lương, từ Quốc lộ 7, mỗi tuyến đường đều được nâng cấp, làm mới chạy vào các thôn, xóm của xã. Công tác dân vận ở đây được chia thành nhiều mũi, trong đó, công tác dân vận được xem là nút thắt then chốt cho sự thành công từ cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng thành các cơ chế, chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, như hỗ trợ xây dựng hạ tầng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng các mô hình kinh tế...
“Gỡ” khâu khó, điểm yếu
Triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ (khoá XI) về công tác dân vận, Ban Dân vận tỉnh đã tham mưu Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 25/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư". Theo đó, trong năm qua, hầu hết những địa bàn có công trình trọng điểm thì vấn đề nóng là GPMB luôn được các cấp, ngành chú trọng, phân cấp phân nhiệm cụ thể cho các tổ công tác lên kế hoạch chặt chẽ, đề xuất nhiều phương án thực hiện công tác dân vận nhuần nhuyễn, thấu tình, đạt lý. Như Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), các đồng chí cốt cán trong UBND xã và các đoàn thể đã không kể ngày đêm đi đến từng nhà, có những lúc không nhận được sự đồng tình của nhân dân, nhưng cách mà họ tiếp cận, trò chuyện, cách họ phân tích thiệt hơn, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân đã khiến bà con thấu hiểu mà bàn giao mặt bằng.
Cán bộ dân vận Huyện ủy Diễn Châu khi cùng chính quyền và lực lượng chức năng tham gia bảo vệ thi công đoạn đường qua xóm 14, xã Diễn An (Diễn Châu) đã không ngại khó khăn, nguy hiểm bám sát những phần tử quá khích, người thân của họ để vận động thuyết phục họ không chống đối lực lượng thi công. Hình ảnh những người phụ nữ nhỏ bé đứng trước máy xúc “ôm vai, bá cổ” những người còn chưa thông tỏ chủ trương, chính sách càng khiến dân tin, dân phục. Hay như tại Thành phố Vinh, chính quyền thành phố đã khéo léo vận dụng đúng chính sách và hết chính sách để nhân dân dọc tuyến Quốc lộ 1A được hưởng quyền lợi tối đa. Đồng chí Hà Thanh Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Anh em chúng tôi đúng là “ăn đường một ngủ đường một”, vào từng hộ dân trình bày hết lý, hết tình. Dù chưa nhận hết số tiền hỗ trợ bồi thường hoặc có hộ chỉ nhận được 1/3, nhưng đã chủ động tháo dỡ tài sản, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư”…
Một trong những điểm yếu, khâu khó mà Đảng và chính quyền hết sức trăn trở, lưu tâm là công tác đoàn kết. Có rất nhiều địa phương, nhờ công tác dân vận được triển khai nhuần nhuyễn, mà công tác đoàn kết tôn giáo được ổn định. Điển hình như khối 6, phường Cửa Nam, Thành phố Vinh, mỗi khi trong xóm có tranh chấp bức xúc thì Ban Hòa giải của xóm đều đến gặp gỡ từng người để khuyên bàn, người ta nể cái lý và cái tình của ban cán sự xóm nên đã đi đến thống nhất phương án chung. Ông Nguyễn Ngọc Minh - Xóm trưởng cho biết: “Cứ đến ngày Lễ Noel hàng năm là xóm chúng tôi vui như hội, lương cũng như giáo đều xem đó là ngày hội của mình, tinh thần đoàn kết lương giáo vì thế được nhân lên”. Việc tranh chấp đất đai, sân bóng xảy ra được cấp ủy, chính quyền xã thành lập tổ công tác, một mặt vận động nhân dân chấp hành, đồng thời trực tiếp trao đổi với các vị chức sắc để tìm được tiếng nói chung và giải quyết êm thấm, đúng tình, đúng lý trên tinh thần tôn trọng luật pháp và nghĩa vụ công dân...
Công tác dân vận đang đứng trước nhiều đòi hỏi mới, từ thành công của “Dân vận khéo” thời gian qua, người cán bộ dân vận tiếp tục thấm nhuần sâu sắc quan điểm về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết, thể hiện người cán bộ dân vận giữ vai trò trung tâm, là hạt nhân tạo nên mối liên kết giữa các tổ chức, đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền đến từng hội viên, đoàn viên… góp phần tạo chuyển động chung trong xây dựng quê hương đi lên.
Thanh Nga