(Baonghean) Tháng 6/2011, huyện Quỳnh Lưu đưa vào vận hành “Bộ phận một cửa liên thông” theo hướng hiện đại trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công dân. Việc thực hiện mô hình này đã đem lại những thay đổi rõ rệt, rất đáng ghi nhận trong công tác CCHC trên địa bàn.

Từ sáng sớm, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa điện tử liên thông thuộc UBND huyện Quỳnh Lưu đã rất đông công dân đến làm hồ sơ, thủ tục ngồi xếp hàng ngăn nắp ở các dãy ghế chờ. Việc đăng ký giao dịch được thực hiện thông qua máy xếp hàng tự động theo từng lĩnh vực mà công dân có nhu cầu. Khi loa phóng thanh đọc số thứ tự giao dịch, đồng thời bảng điện tử tại vị trí quầy báo số thứ tự, công dân sẽ đến quầy giao dịch đó để cán bộ tiếp nhận. Mặc dù lượng người tập trung đông nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) và các khoản thu phí và lệ phí được niêm yết công khai.

781224_small_81120.jpg

                       Giao dịch tại bộ phận "một cửa liên thông" huyện Quỳnh Lưu.

Bộ phận một cửa liên thông được xây dựng trong khuôn viên cơ quan UBND huyện, nhà được thiết kế 3 tầng, trong đó tầng 1 có diện tích 285,93m2, các gian thông với nhau, được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin và điện tử chuyên dụng như: Hệ thống xếp hàng tự động, mã vạch, màn hình cảm ứng tra cứu hướng dẫn về các TTHC; camera giám sát, hệ thống thiết bị mạng và hệ thống máy tính, thiết bị văn phòng, phần mềm quản lý hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Qua hệ thống camera đặt ở phòng làm việc, lãnh đạo huyện có thể theo dõi, giám sát hoạt động của bộ phận một cửa.

Cầm trên tay tờ biên nhận hẹn ngày nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Ngọc Xuân ở xã Quỳnh Thọ phấn khởi cho biết: “Trước đây, để có được tờ giấy này, người dân phải “chạy” lòng vòng gần chục lần, từ UBND xã đến UBND huyện, Chi cục Thuế huyện và Kho bạc Nhà nước huyện, nhưng giờ đây chỉ đến Bộ phận một cửa liên thông ở huyện là được giải quyết xong. Những hồ sơ thủ tục đơn giản được giải quyết trong buổi, trong ngày, còn hồ sơ phức tạp liên quan đến nhiều thủ tục, nhiều cơ quan thì được cán bộ giải thích, hướng dẫn cụ thể, tận tình và có giấy hẹn là cán bộ một cửa trả hồ sơ đúng hẹn. Chúng tôi thấy rất hài lòng mỗi khi đến giao dịch ở đây”.

“Một cửa liên thông” trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công dân được UBND huyện Quỳnh Lưu triển khai thực hiện ở 7 lĩnh vực chủ yếu là quản lý đất đai, công thương, tư pháp, hộ tịch, kế hoạch đầu tư- tài chính, lao động thương binh - xã hội, thuế, ngân hàng. Sau khi bộ phận này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/2011, UBND huyện đã làm việc với Chi cục Thuế, Ngân hàng để quán triệt về lợi ích giảm tải công việc khi tham gia liên thông, phối hợp trong việc bố trí cán bộ của hai đơn vị này trực tiếp làm tại bộ phận “một cửa”, tập trung đầu mối, tạo thuận lợi hơn cho người dân và tăng cường việc kiểm soát trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính tại huyện. Việc cán bộ Thuế và Ngân hàng tiếp nhận hồ sơ, thu phí, lệ phí tại bộ phận một cửa đã giảm thiểu thời gian đi lại cho công dân.

Ông Nguyễn Minh Thành - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Quỳnh Lưu phụ trách bộ phận một cửa liên thông cho biết: “Để mô hình một cửa liên thông hoạt động có hiệu quả, huyện đã cử cán bộ đi học tập mô hình này ở Vũng Tàu và TP Vinh. Từ khi triển khai mô hình, công tác giao dịch tại huyện Quỳnh Lưu đạt hiệu quả hơn. Hồ sơ yêu cầu của tổ chức, công dân được giải quyết với số lượng nhiều hơn, nhanh hơn so với trước đây. Trong năm 2011, tổng hồ sơ cá nhân, tổ chức đã qua bộ phận một cửa để giải quyết TTHC là 9.991 hồ sơ. Cụ thể, trên lĩnh vực chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiếp nhận 3.402 hồ sơ, trả kết quả 3.347 hồ sơ; lĩnh vực chuyển mục đích sử dụng đất tiếp nhận 355 hồ sơ, trả kết quả 250 hồ sơ; lĩnh vực giao dịch đảm bảo tiếp nhận và trả kết quả cho 3.280 hồ sơ; xác nhận cho hơn 1.600 đối tượng con của người có công với cách mạng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục… Qua đó, đã giảm bớt được tình trạng phiền hà, đi lại nhiều nơi, nhiều lần cho người giao dịch; hạn chế được các biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức...”.

Một điểm mới căn bản trong thực hiện cơ chế một cửa so với trước đây là bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, việc bố trí và đào tạo đội ngũ công chức tiếp nhận cũng được UBND huyện quan tâm. Hiện nay, số lượng công chức tiếp nhận bình quân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện là 10 người. Đội ngũ này được lựa chọn là những người có kinh nghiệm và vững về chuyên môn, được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ. Cán bộ được bố trí hợp lý hơn; nếu trước đây cán bộ Văn phòng UBND huyện tại bộ phận một cửa chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ tất cả các lĩnh vực, thì nay huyện bố trí cán bộ các phòng chuyên môn trực tiếp tiếp nhận hồ sơ theo lĩnh vực phụ trách. Hồ sơ của công dân khi nhận vào đã đầy đủ và hoàn chỉnh, chỉ chuyển qua khâu giải quyết chứ không phải kiểm tra lại thủ tục như trước đây.

Có thể khẳng định, sau hơn 1 năm vận hành, mô hình “một cửa liên thông” đã giúp công tác cải cách hành chính của huyện Quỳnh Lưu đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và công dân trên địa bàn huyện.


Thanh Lê