(Baonghean) Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự trên địa bàn tỉnh ta đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và mức độ nguy hiểm. “Nếu không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời thì tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên sẽ ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng nguy hiểm” - đó là lời cảnh báo của Đại tá Nguyễn Viết Hòa - Trưởng phòng PC45, Công an Nghệ An.

Có thể nói, tội phạm ở tuổi vị thành niên trong những năm gần đây xảy ra trên địa bàn tỉnh rất đa dạng và phức tạp. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội (PC 45) Công an tỉnh, nếu trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 53 vụ án hình sự với 71 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên; thì 7 tháng đầu năm 2012, đã có 39 vụ án hình sự với 43 đối tượng vị thành niên phạm tội. Điều đáng nói là, mặc dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng các đối tượng đã có những thủ đoạn phạm tội tinh quái, rất liều lĩnh và táo bạo.

781230_small_81129.jpg

Đối tượng Phan Văn Quang (SN 1996) và hiện trường vụ án giết người mà y đã gây ra.

Vụ án mạng xảy ra tối 6/8/2012, tại xóm 1, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh, bàng hoàng của người dân địa phương. Chỉ vì không bán được chiếc điện thoại cũ với giá mà mình muốn cho anh Nguyễn Văn Lạng nên Phan Văn Quang (SN 1996), trú ở xóm 9, xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu đã nung nấu ý định trả thù ác độc. Quang đã thủ một cái liềm đến nhà nhờ anh Lạng lấy xe ô tô chở đi, khi đến khu vực vắng, từ phía sau Quang lấy liềm ngoắc cứa vào cổ anh Lạng khiến anh Lạng đứt 2 ngón tay và sau đó tử vong. Sáng hôm sau, Quang vẫn đi chăn bò bình thường. Khi thấy pháp y đến hiện trường, Quang cùng mọi người đến xem và còn cười nói như không. Theo tìm hiểu thì khi học lớp 8 chưa đầy 3 tháng, Quang đã bỏ học, rồi kết thân với các đối tượng bất hảo, trộm cắp vặt trong thôn xóm, rồi trộm cả xe máy bán lấy tiền tiêu xài và cuối cùng là giết người không ghê tay.

Mới đây, ngày 12/8/2012, Nguyễn Trọng Thịnh (SN 1999, trú tại khối 4, Thị trấn Tân Kỳ) lợi dụng sơ hở của gia đình chị Nguyễn Thị Trang ở cùng khối, đã lẻn vào nhà chị Trang trộm tài sản. Khi bị phát hiện, Thịnh dùng dao chém liên tiếp vào đầu và người chị Trang khiến chị bị vỡ xương hộp sọ, đứt lìa 1 ngón tay và đứt gân khuỷu tay, để cướp lấy 1 chiếc điện thoại di động bán lấy tiền tiêu xài, chơi game.

Ngày 3/7/2012, Công an huyện Nam Đàn bắt khẩn cấp Mai Văn Cường (SN 1997, trú tại xã Nam Thanh) về hành vi “hiếp dâm trẻ em”. Sáng 28/6, Mai Văn Cường rủ bé gái ở gần nhà (SN 2003) đi bắt ốc rồi dẫn bé ra đồng, kéo vào một căn nhà bỏ hoang dùng vũ lực để hiếp dâm.

Trước đó, ngày 23/6/2011, Phòng CSHS Công an tỉnh đã phát hiện 3 đối tượng (trong đó có 2 đối tượng vị thành niên) sử dụng trái phép chất ma tuý đá trong một khách sạn ở phường Hưng Bình (TP. Vinh). Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận xuống TP. Vinh từ tháng 2/2011 rồi thuê khách sạn ở, tổ chức sử dụng ma tuý và gây ra hơn 10 vụ cướp giật trên địa bàn Thành phố Vinh.

Số liệu thống kê của Phòng PC45, Công an tỉnh cho thấy, những năm trước đây, tội phạm lứa tuổi vị thành niên thường tập trung vào nhóm tội “trộm cắp tài sản”, “gây rối trật tự công cộng”, “cố ý gây thương tích”... thì vài năm lại đây, tội phạm ở lứa tuổi này có sự thay đổi rõ nét, bộc lộ nhiều lo ngại cho xã hội khi liên quan nhiều đến các vụ “hiếp dâm”, “giết người”, “sử dụng ma tuý”.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải (Văn phòng Luật sư Lê Trần - Đoàn Luật sư Nghệ An) nói: Từ những thống kê trên cả nước, trong tỉnh và thực tiễn tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên, chúng tôi nhận thấy số lượng vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do trẻ vị thành niên phạm tội tăng nhanh và ngày càng có diễn biến phức tạp. Qua nghiên cứu hồ sơ, thông qua lời khai của các bị cáo và những người có liên quan, nguyên nhân phạm tội chủ yếu xuất phát từ sự ảnh hưởng của các trò chơi bạo lực, phim ảnh đồi trụỵ… Bên cạnh đó là những tác động của kinh tế thị trường, sự xuống cấp về mặt đạo đức cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả. Nhiều phiên tòa, một số tội phạm ở tuổi vị thành niên còn ngỡ ngàng đối với hình phạt dành cho mình, vì không hề nghĩ đến chuyện khi mình phạm tội với hành vi đó sẽ phải lãnh bản án như thế.

Ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TBXH cho biết: Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn. Vì vậy, tâm lý lứa tuổi “chuyển tiếp” này có tác động rất lớn đến hành vi của các em. Trong khi đó, ở nhiều gia đình, trẻ bị đánh mắng, xúc phạm, coi thường và thậm chí bỏ rơi, còn một số gia đình khá giả thì quá cưng chiều con, con đòi gì được nấy, con cái bỏ học, đua đòi theo bạn xấu mà cha mẹ cũng không biết… Đó là những nguy cơ tiềm ẩn cho tình trạng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên.

Trước thực trạng đó, để phòng ngừa tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, hơn bao giờ hết, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội để giáo dục, định hướng trẻ có nhận thức đúng và có hành vi phù hợp. Các bậc cha mẹ phải gần gũi, quan tâm chăm sóc, chia sẻ những tâm tư tình cảm của các em, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của con trẻ. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cần phát huy vai trò để lôi cuốn các em vào các hoạt động bổ ích ngay tại cộng đồng, trang bị những kiến thức về kỹ năng sống cho các em, giúp các em có sức đề kháng trước những tệ nạn xã hội.


Đức Chuyên